Ông Nguyễn Tiến Thỏa-Chủ tịch Hội thẩm định Giá Việt Nam nói: "Trước khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra, giá xăng dầu thế giới đã tăng vọt. Bình quân giai đoạn 25/12/2021 đến 21/2/2022, giá xăng dầu thế giới đã tăng 25,28%. Giá xăng dầu thế giới tăng kéo theo giá xăng dầu trong nước cũng tăng lên".
Ông Thỏa khẳng định: Giá dầu tăng mạnh có nguyên nhân chính là bởi thế giới mất cân đối cung - cầu, dự trữ xăng dầu của các nước sụt giảm mạnh. Cầu về xăng dầu tăng lên trong khi cung không tăng kịp, các nước OPEC không đạt mục tiêu sản lượng đề ra. Dự trữ dầu cũng sụt giảm, làm cung thiếu so với cầu lên tới 500.000-750.000 thùng dầu/ngày.
Từ ngày 24/2, xung đột Nga-Ukraine xảy ra. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ, châu Âu vào Nga càng đẩy mâu thuẫn cung-cầu xăng dầu thế giới cao hơn nữa (Nga xuất khẩu 5 triệu thùng dầu/ngày), nguy cơ đứt gãy cung cầu xăng dầu toàn cầu càng rõ, giá xăng dầu lại càng vọt tăng thêm. Những tuần trong nước điều chỉnh tăng giá xăng dầu thì giá dầu thế giới cũng đã tăng tới 58,4%. Giá xăng dầu trong nước với nguyên tắc tuân theo giá thế giới nên không tránh khỏi việc tăng "sốc" tới gần 30.000 đồng/lít xăng như vừa qua...
Thực tế, theo ông Thỏa, cân đối cung cầu xăng dầu của ta thời gian qua rất bị động. Phản ứng tiêu cực của thị trường như găm hàng, giữ hàng chờ tăng giá, dẫn tới đứt gãy cung ở một số nơi. Thị trường biến động bất ổn.
"Bản thân nước ta cũng bị đứt gãy nguồn cung xăng dầu. Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chiếm tới 35% thị phần xăng dầu trong nước nhưng lại giảm công suất, và cho đến giờ vẫn chưa có gì đảm bảo Nghi Sơn sẽ đáp ứng đủ công suất xăng dầu cho thị trường trong nước tới đây hay không?!", chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nói.
Theo ông Ánh: "Chúng ta đưa Nghi Sơn vào hoạt động nhưng không chủ động được nguồn cung xăng dầu, không có nguồn xăng dầu dự trữ bảo đảm, không chủ động được giá xăng dầu trong nước là câu chuyện lớn cần phải được làm rõ".
Mục tiêu của các dự án lọc hóa dầu trong nước là để chúng ta chủ động nguồn cung, để có giá xăng dầu giá rẻ cho dân sử dụng song hiện nay, các mục tiêu này đều không đạt được. Giá xăng dầu sản xuất trong nước vẫn lại được bán theo giá thế giới thì không thể có giá xăng dầu rẻ. Sản phẩm xăng dầu trong nước chỉ cho một doanh nghiệp bao tiêu thế nên chỉ cần các nhà máy lọc dầu này "ngủng ngoẳng", Việt Nam "đứt" cung xăng dầu là điều không còn phải bàn cãi.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh khẳng định: Với biến động giá xăng dầu thế giới như hiện nay, việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu phải là giải pháp hàng đầu. "Nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước không được thiếu bằng bất cứ giá nào. Bộ Công Thương phải có trách nhiệm và có giải pháp kịp thời ngay lúc này"-ông Ánh nói.
Theo ông Ánh, Bộ Công Thương phải cân đối lại nguồn cung ứng xăng dầu trong nước (các dự án, không chỉ các nhà máy Dung Quất hay Nghi Sơn mà tới đây là các dự án lọc dầu khác nữa). Cũng đã đến lúc Bộ này "giải mật" các cam kết ở các dự án lọc dầu, để nếu có sai thì sửa, không thể để tình trạng "lỗ dự tính trước" như với dự án Nghi Sơn để ngân sách Nhà nước phải bù lỗ bao năm và hiện giờ thì ngưng trệ sản xuất.
Các chuyên gia kinh tế đều đồng tình cho rằng, cân đối cung-cầu về xăng dầu, không được để thị trường thiếu xăng dầu là trách nhiệm của Bộ Công Thương, không thể khác được. "Hãy tưởng tượng, chúng ta "mất" xăng dầu 1 ngày, hậu quả sẽ như thế nào?! Chắc chắn toàn bộ nền kinh tế sẽ bị đảo lộn, xã hội bất ổn. Đây cũng là nguyên tắc cơ bản của việc điều hành giá xăng dầu. Không cân bằng được cung-cầu thì chúng ta không thể bình ổn được giá xăng dầu", ông Thỏa nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cảnh báo, xung đột Nga-Ukraine còn kéo dài và phức tạp. Giá năng lượng châu Âu, thế giới còn biến động khó lường. Do đó, vấn đề lớn nhất của Việt Nam tới đây là an ninh năng lượng. Đủ cung xăng dầu cho thị trường trong nước thì mới giải quyết được vấn đề giá.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, mục tiêu của chúng ta bây giờ là hạn chế tăng giá xăng dầu vì nó ảnh hưởng rất tiêu cực tới nền kinh tế. Để làm được điều này, Việt Nam phải có nguồn dự trữ lưu thông và chiến lược. Chúng ta có thể dùng một phần dự trữ ngoại hối dồi dào như hiện nay để dự trữ xăng dầu thay vì trữ tiền. Khi đã có nguồn cung xăng dầu bảo đảm, các công cụ về thuế, phí, phương thức kinh doanh mua bán xăng dầu mới có thể được tính toán để điều chỉnh phù hợp. Tất cả phải hài hòa để làm sao hạn chế thấp nhất tác động của giá xăng dầu biến động hiện nay.
Được biết, thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương cho biết, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch sẽ chạy 85% công suất từ ngày 15/3 và từ đầu tháng 4/2022 sẽ chạy đủ 100% công suất. Đồng thời, các thương nhân đầu mối tiếp tục có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và việc điều hành giá xăng dầu theo hướng bám sát diễn biến giá thị trường thế giới. Bộ Công Thương khẳng định, việc thiếu xăng dầu cục bộ sẽ sớm được giải quyết, cung-cầu xăng dầu cho thị trường trong nước cơ bản ổn định.
Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình thương nhân (thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, đại lý bán lẻ) nếu có hành vi "găm hàng" không muốn bán ra, chờ tăng giá.
Theo khẳng định của đại diện Bộ Công Thương, nguồn cung xăng dầu hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp; và việc thiếu xăng dầu cục bộ sẽ sớm được giải quyết.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương thông tin: Theo số liệu thống kê, hiện tồn kho và dự trữ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là khoảng 1,3 triệu tấn.
Cùng với đó, nguồn cung từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước, dù Nghi Sơn có cắt giảm công suất song nguồn cung của tháng 3 là 1 triệu tấn. Trong 15 ngày đầu của tháng 2, lượng hàng nhập khẩu về đến cảng Việt Nam là hơn 800.000 tấn.
Như vậy, hơn 800.000 tấn cùng với 650.000 tấn cập cảng trong 2 tuần cuối của tháng 2, cộng với dự trữ tồn kho, sản xuất trong nước thì nguồn cung phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng trong nước là khoảng 3,8 triệu tấn.
“So với mức tiêu dùng hằng tháng là 1,8 - 2 triệu tấn, có thể nói nguồn cung hoàn toàn đáng ứng đủ nhu cầu phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp", ông Trần Duy Đông khẳng định.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu chỉ trong 15 ngày đầu tháng 2/2022 của các thương nhân đầu mối đã đạt 803.000 m3, tăng hơn 60% so với các tháng bình thường. Trong những ngày cuối tháng 2, doanh nghiệp tiếp tục nhập khẩu về thêm khoảng 600.000 m3...
Với tình hình cung ứng như vậy, theo ông Trần Duy Đông, việc thiếu xăng dầu cục bộ sẽ sớm được giải quyết, cung – cầu cho thị trường trong nước thời gian tới cơ bản sẽ ổn định.