Theo đó, với nhóm phân bón, đóng phiên giao dịch đầu tuần (ngày 14/3), cổ phiếu nhóm này đã có phiên giảm sàn hàng loạt trước áp lực bán mạnh cuối phiên.
Cụ thể, DPM đã giảm sàn xuống 61.800 đồng/cổ phiếu, thanh khoản 9,3 triệu đơn vị; DCM giảm sàn xuống 43.250 đồng/cổ phiếu, thanh khoản 14,7 triệu đơn vị. Đây là phiên mà DCM, DPM có thanh khoản rất lớn, giá giảm mạnh.
BFC cũng giảm sàn xuống 39.000 đồng/cổ phiếu, LAS giảm sàn 10% xuống 21.600 đồng/cổ phiếu, PMB giảm 9,6% xuống 20.700 đồng/cổ phiếu, DDV giảm 10,7% xuống mức 29.300 đồng/cổ phiếu...
Với nhóm cổ phiếu dầu khí, giảm mạnh nhất là cổ phiếu GAS khi mã chứng khoán này bay mất 6,1% về 106.000 đồng. Mã PLX của Petrolimex cũng bị bán mạnh 3,62% về 55.900 đồng.
Bên cạnh GAS và PLX, hàng loạt cổ phiếu dầu khí tiếp tục bị xả mạnh sau đợt tăng nóng. Nhiều mã đã giảm kịch sàn như ASP, PVC, PVG, PVO, TDG và nhiều mã khác cũng lộ giá sàn.
VN-Index sau đó đóng cửa tại 1.446,25 điểm, giảm 20,29 điểm so với tham chiếu. Đây là vùng giá thấp nhất trong gần hai tháng trở lại đây.
Sắc đỏ bao trùm thị trường ngay trong phiên giao dịch đầu tuần với gần 350 cổ phiếu giảm điểm, gấp hơn ba lần số cổ phiếu tăng.
Nhận định về diễn biến thị trường, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, cho hay, thời gian vừa qua mặc dù thị trường có những thông tin tiêu cực nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng, đặc biệt với nhóm cổ phiếu dầu khí, phân đạm, than… kể cả nhóm ngân hàng, chứng khoán.
Tuy nhiên, đến một giai đoạn mà lực cầu thị trường yếu dần trong khi nhiều nhà đầu tư ở vào trong tâm thế chốt lời, sẵn sàng bán ra bất cứ mức giá nào, vì bán ra mức giá nào cũng có lời.
Có thể thấy rõ nét là phiên cuối tuần trước và phiên đầu tuần này, dấu hiệu nhà đầu tư đã bán ra để chốt lời.
Kế đến, có thể tới lúc này nguy cơ về lạm phát đã hiện hữu rõ hơn. Thông qua các phương tiện truyền thông, báo đài thì nhà đầu tư đã nắm được thông tin nhiều hơn nên đã có thêm lo lắng, thận trọng hơn, dẫn đến nhà đầu tư sẽ chọn giải pháp hạn chế mua vào, trong khi sẽ mạnh dạn bán ra những cổ phiếu đã có lời.
"Thậm chí, nhà đầu tư có thể bán ra những mã cổ phiếu không có lời, nhưng vì lo ngại nên họ quyết định bán ra để thu tiền về", ông Phương nhận định.
Theo ông Phương, khi lực cung cổ phiếu lớn hơn lực cầu, dẫn đến giá cổ phiếu giảm mạnh.
"Ngoài ra, một yếu tố cũng cần nhắc đến, là lâu nay nhà đầu tư tập trung đến vấn đề giữa Nga – Ukraine, lo ngại làm phát toàn cầu, dẫn đến lạm phát tại Việt Nam, chi phí vận chuyển tăng khiến biên lợi nhuận của DN co hẹp lại…
Nhìn chung, trong bối cảnh tổng quan toàn bộ nền kinh tế thế giới và Việt Nam thì nhà đầu tư cũng thận trọng hơn, thị trường cũng không mấy tích cực và lực bán thì mạnh hơn do những mối quan ngại trên" - Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, nói thêm.
Cuối cùng, sự sụt giảm của thị trường cũng phải kể đến là do sự tham gia của các nhà đầu tư lớn, họ chủ đích bán xuống. Cụ thể, họ sẽ bán ở vùng giá cao để sau đó chặn mua lại ở vùng giá thấp. Đây là quy luật đầu tư và cũng là một trong các chiến lược đầu cơ giá xuống.
"Lâu nay, nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân hay quen với chiến lược nền tảng cơ bản nhất là đầu cơ giá lên, có nghĩa là mua cổ phiếu giá thấp và kỳ vọng bán giá cao hơn. Còn nguyên tắc đầu cơ giá xuống là nhà đầu tư lớn xác định sẽ đầu tư cổ phiếu nào đó quanh năm, không có nhu cầu đổi mã cổ phiếu khác.
Khi đó, họ sẽ mượn các thông tin đã, đang và sẽ phát hành ra, thậm chí họ biết những thông tin mang tính nội bộ nào khác nữa nên sẽ chủ động bán trước các cổ phiếu đang nắm giữ.
Có thể, khi bán đã có lời, thậm chí là không lời, nhưng khi giá cổ phiếu đó giảm sâu hơn vì nhiều người bán ra, các nhà đầu tư lớn này sẽ chặn mua lại với giá thấp hơn để có lời.
Đến khi thị trường bình ổn hơn, có những thông tin tích cực hơn thì họ sẽ khởi xướng mua vào, đẩy giá lên, các nhà đầu tư nhỏ lẻ nhảy vào mua theo, khi đó, họ bán ra để kiếm lợi nhuận. Đây là cách mà các nhà đầu tư lớn luôn vận hành trên thị trường chứng khoán", ông Phương đúc kết.