Hiện tại, giá nhiều mặt hàng thiết yếu như mì, dầu ăn, đường, bột, sữa... đã điều chỉnh tăng giá dưới sức ép của giá xăng, dầu tăng mạnh. Cụ thể, các sản phẩm ăn liền Acecook Việt Nam cũng đã tăng giá 10% sau nhiều năm giữ giá.
Theo ghi nhận của PV và phản ánh của người tiêu dùng, mặt hàng dầu ăn hiện có mức tăng mạnh. Trong đó, một số thương hiệu đã tăng giá đến 135% so với trước dịch.
Ngoài ra, nhóm hàng hóa mỹ phẩm dù tăng thấp hơn nhưng cũng ở mức từ 2 - 10% tùy loại, mặt hàng sữa tăng khoảng 5%. Các loại nguyên liệu pha chế, nước uống cũng cho biết từ giữa tháng 4 sẽ điều chỉnh giá bán với mức tăng 25% so với giá niêm yết hiện nay.
Về nhóm hàng nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất, số liệu từ Hội Cao su - nhựa TP.HCM cho thấy, trước đây giá nhựa nguyên liệu chỉ ở mức khoảng 1.000 USD/tấn, thời điểm dịch bệnh xuống 800 - 900 USD/tấn, song hiện đã lên mức khoảng 1.300 USD/tấn và dự báo vẫn còn tăng.
Đáng chú ý, đại diện hiệp hội này cũng dự báo, đợt tác động giá này sẽ có độ trễ khoảng một tháng, do đó khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 sẽ có đợt tăng giá các sản phẩm đầu ra.
Đại diện Công ty CP Tôn Đông Á, cũng cho hay xăng dầu tăng giá đã tác động lập tức đến chi phí vận chuyển và khiến các chi phí nhiên liệu cũng tăng lên. Bên cạnh đó, một số mặt hàng đã tăng giá chào mới so với tháng 1-2 lên đến 20 - 30%.
Phân tích về tác động của việc giá hàng hóa "leo thang" Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 tăng 1% so với tháng trước, tăng 1,42% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1,2% so với tháng 12-2021.
Theo cơ quan này, nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng là do giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nhâm Dần 2022.
Trước tình trạng trên, mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình, tác động chiến sự Nga - Ukraine với giá cả xăng dầu thế giới và các mặt hàng thiết yếu. Qua đó, đánh giá các tác động đối với thị trường trong nước để đề ra các kịch bản ứng phó phù hợp.
"Sức ép từ biến động giá xăng dầu, các mặt hàng thiết yếu trên thị trường thế giới, cũng như những chính sách tiền tệ, tài khóa của các nước đang gây áp lực lớn đối với công tác điều hành giá ở trong nước. Do đó, chúng ta không được chủ quan", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trao đổi với Dân Việt, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, để điều tiết thị trường, các bộ ngành đã thành lập Ban Chỉ đạo điều hành giá do Bộ Tài chính chủ trì. Trong đó, Cục Quản lý giá là đơn vị đầu mối.
Theo ông Đông nhận định, trong bối cảnh phục hồi kinh tế, nhu cầu đi lại đang ở mức cao. Tuy nhiên với diễn biến giá xăng tăng cao và còn biến động, Bộ Công Thương đã tuyên truyền khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm nhiên liệu.
"Hiện tại giá xăng dầu vẫn còn biến động, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân, doanh nghiệp hướng tới mục tiêu sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tránh tính trạng đầu cơ, tích trữ hàng đối với mặt hàng xăng dầu", ông Đông cho hay.
Về phía Bộ Tài chính, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã thống nhất một số mặt hàng thuộc danh mục nhà nước định giá thì chưa xem xét điều chỉnh đến hết quý II/2022.
Hiện Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành rà soát, tính toán các phương án giá, đánh giá tác động đối với kinh tế - xã hội, mặt bằng giá. Đối với các mặt hàng thiết yếu, trong đó có xăng dầu, Bộ Tài chính cùng với Bộ Công Thương sẽ phối hợp điều hành linh hoạt.
Qua đó, bảo đảm giá trong nước bám sát diễn biến giá trên thế giới, sử dụng quỹ bình ổn giá thích hợp góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống người dân.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng nhấn mạnh, Ban chỉ đạo sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Bộ Tài chính đề nghị các địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, tăng giá bất hợp lý, trường hợp đưa tin thất thiệt gây bất ổn thị trường, giá cả...
Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cũng dự báo một số yếu tố sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong tháng 3 và các tháng còn lại của năm. Theo đó, nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới.
Cùng với đó, nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước tăng cao khi kinh tế phục hồi khiến giá xăng, dầu, gas, vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch chịu sức ép tăng giá.