Dân Việt

TP.HCM: Hàng bình ổn cũng tăng theo giá xăng, đụng đâu cũng "phổng tay vì giá tăng"

Hồng Phúc 15/03/2022 19:07 GMT+7
Dầu ăn, mì ăn liền, đường, sữa, các loại bột tại TP.HCM đều đã tăng theo giá xăng. Rất có thể, các mặt hàng nằm trong chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM sẽ tăng giá, ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống của người dân.

Ghi nhận của phóng viên Dân Việt cho thấy hàng loạt mặt hàng thiết yếu tại TP.HCM đều tăng giá phi mã sau khi giá xăng tăng kỷ luc lên gần 30.000 đồng/lít. Ngay mì ăn liền, người lao động có thu nhập thấp những ngày gần đây cũng phải đắn đo, vì chúng đã tăng giá theo giá xăng.

Mì ăn liền cũng tăng giá theo xăng

Loay hoay tính toán nên mua gì cho bữa cơm gia đình, chị Nguyễn Thị Tuyền (công nhân công ty may tại quận Bình Tân) thất thần cho biết: "Giờ đụng vào đâu cũng thấy phỏng tay vì giá tăng".

Chị Tuyền ở trọ gần công ty, không đến mức phải đi 5-7km, thậm chí cả chục km như các công nhân khác nên không quá "xót" tiền khi giá xăng tăng. Dù vậy, giá xăng tăng đang ảnh hưởng gián tiếp đến túi tiền của chị, bởi hàng loạt mặt hàng, những thứ thiết yếu nhất như dầu ăn, đường, mì gói đều đã tăng giá.

"Công nhân chúng tôi ăn uống theo kiểu chạy bữa, tức mua ít ít, ăn hết rồi lại mua tiếp nên khá rành giá. Từ đầu tháng 3 tới nay, giá dầu ăn lên ít nhất hai lần, khoảng 50.000 đồng/chai 1 lít rồi. Ông chồng hay ăn mì gói cho tiết kiệm, thì nay mỗi gói cũng lên 1.000 đồng", chị Tuyền than.

TP.HCM: Dầu ăn, mì ăn liền tăng giá phi mã, hàng bình ổn rục rịch tăng theo - Ảnh 1.

Người dân TP.HCM cân nhắc túi tiền khi mua thực phẩm, hàng thiết yếu cho bữa ăn hàng ngày. Ảnh: Hồng Phúc

Ghi nhận của phóng viên Dân Việt chiều 15/3, hầu hết tiểu thương ngành hàng thiết yếu ở các chợ truyền thống đều than trời trước giá xăng tăng. Giá xăng tăng khiến nhà cung cấp các mặt hàng đều báo tăng giá.

Loay hoay kiểm đếm hàng, cập nhật giá mới đối với dầu ăn, đường, bột mì, bột gạo, mì ăn liền, bà Châu Thị Hòa (tiểu thương sạp 635-636-637 chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh), lắc đầu cho biết giá xăng tăng khiến giá dầu ăn tăng sốc. Từ đầu tháng đến nay, giá dầu ăn thậm chí đã tăng 2-3 lần.

"Dầu ăn mỗi chai 1 lít mới tăng thêm 4.000-5.000 đồng, mỗi thùng 12 chai tăng mấy chục nghìn. Mì gói Omachi, Acecook tăng mấy chục nghìn đồng mỗi thùng, chính xác là tăng hơn 20.000 đồng/thùng. Giá tăng mạnh nên khách hỏi giá rồi đi, họ cân nhắc nên tiểu thương bán ế", bà Hòa nói.

Khảo sát cho thấy, dầu ăn đang là mặt hàng tăng giá nhiều nhất với mức tăng phổ biến 10%. Giá các thương hiệu dầu ăn đang tiến về mức 50.000 đồng/lít. So với cùng kỳ năm ngoái, mỗi lít dầu ăn đã tăng đến 20.000 đồng/lít.

TP.HCM: Dầu ăn, mì ăn liền tăng giá phi mã, hàng bình ổn rục rịch tăng theo - Ảnh 3.

Bà Châu Thị Hòa (tiểu thương chợ Bà Chiểu) bên sạp hàng chiều 15/3, bà cho biết giá dầu ăn đang tăng nhiều nhất theo giá xăng. Ảnh: Hồng Phúc

Mì ăn liền sau một thời gian giữ giá thì hiện cũng đã tăng phổ biến 1.000 đồng/gói. Đường, sữa cũng đã bắt đầu nhích giá. Mỗi kg bột gạo, bột mì, bột nếp cũng đã tăng 1.000-2.000 đồng/kg. Nhiều thương hiệu sữa Abbott Grow, Similac, Pediasure cũng đã tăng giá bán.

"Giá xăng tăng ảnh hưởng rất nhiều đến chi phí đầu vào. Như cá lóc, cá diêu hồng và các mặt hàng thủy hải sản khác của tôi cũng phải tăng theo 5.000-10.000 đồng/kg. Giá tăng là không mong muốn, người tiêu dùng cũng hạn chế chi tiêu lại. Trước đây, họ mua 2-3kg thì nay chỉ còn khoảng 1kg, mình bán chậm hơn thấy rõ", anh Trần Văn Lâm - tiểu thương ngành thủy hải sản nói với tại chợ Bà Chiểu nói với Dân Việt.

Hàng bình ổn rục rịch tăng theo giá xăng

Các hệ thống siêu thị lớn tại TP.HCM cũng xác nhận với Dân Việt rằng hiện nhiều nhà cung cấp đã đề nghị tăng giá, vì giá xăng liên tục tăng cao, ảnh hưởng giá nguyên liệu đầu vào sản xuất. Nhiều đơn vị thẳng thắn cho biết sau thời gian cố gắng giữ giá sau Tết, có thể sẽ không "gồng nổi", buộc phải điều chỉnh theo cơ chế thị trường.

"Hiện tại chúng tôi đang làm việc thật chặt chẽ với nhà cung cấp để có mức giá điều chỉnh hợp lý nhất có thể cho người tiêu dùng", đại diện MM Mega Market đánh giá.

Theo vị này, giá xăng dầu tăng mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vận chuyển và chi phí bao bì. Ngoài ra, chi phí vận chuyển quốc tế cũng bị ảnh hưởng do giá xăng dầu thế giới tăng. Giá nguyên vật liệu như bột mì và bơ tăng cũng sẽ tác động đến giá thành sản phẩm, kéo theo tất cả các ngành hàng đều bị ảnh hưởng về giá.

TP.HCM: Dầu ăn, mì ăn liền tăng giá phi mã, hàng bình ổn rục rịch tăng theo - Ảnh 4.

Hàng bình ổn giá tại siêu thị nhiều khả năng sẽ thiết lập mặt bằng giá mới. Ảnh: Hồng Phúc

Đại diện siêu thị Emart thông tin thời gian qua, doanh nghiệp vẫn cố gắng giữ giá và thực hiện các chương trình khuyến mãi. Song, trước áp lực giá xăng tăng, và với độ trễ của thị trường thì rất có thể các khó giữ được mặt bằng giá cũ.

"Xăng dầu liên tục tăng giá trong thời gian sau Tết đã ít nhiều ảnh hưởng các nhà cung cấp hàng cho siêu thị, nhất là các nhà cung cấp thực phẩm tươi sống. Chúng tôi rất khó đoán định mặt bằng giá sẽ thay đổi như thế nào trong thời gian tới. Chúng tôi thương lượng giá hàng ngày với các đối tác, để cùng nhau đề xuất mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng", bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc Truyền thông Central Retail, nói.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - ông Nguyễn Nguyên Phương, đánh giá do tác động nhiều yếu tố liên quan gia tăng chi phí cho hoạt động sản xuất nên áp lực tăng giá tăng lên.

Ông cho biết TP.HCM có chương trình bình ổn thị trường với nhóm hàng lương thực thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn đã cam kết giữ giá ổn định 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết, nên người dân có thể yên tâm từ nay đến cuối tháng 3, giá các mặt hàng trong chương trình bình ổn thị trường tại kênh phân phối hiện đại được giữ ổn định.

Dù vậy, theo ông, khi đến cuối tháng 3, đầu tháng 4, các doanh nghiệp có thể đề xuất việc điều chỉnh giá cả trên cơ sở chứng minh được chi phí đầu vào tăng. 

"Sở Công Thương sẽ dự kiến tình hình, đồng thời tham mưu với UBND TP giải pháp để tính toán hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp nhằm ổn định hơn chi phí đầu vào", Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM nhấn mạnh.