Nhiều phương thức tuyển sinh để lựa chọn
Hiện nay phụ huynh, học sinh rất lo lắng về việc nhiều ca F0 tăng cao trong cộng đồng và có thể khiến cho các thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 bị ảnh hưởng. Mặc dù không tham dự được kỳ thi sẽ được Bộ GDĐT đặc cách. Tuy nhiên, điều này cũng gây khó cho thí sinh khi không có điểm thi để xét tuyển đại học.
Vậy phương án tuyển sinh đại học năm 2022 của Bộ GDĐT thế nào để những thí sinh là F0 để tránh bị thiệt thòi?
Trước cây hỏi này, trao đổi với PV báo Dân Việt, đại diện Bộ GDĐT cho biết: "Các thí sinh có nhiều lựa chọn phương thức khác nhau để xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Các cơ sở giáo dục đại học cũng có quyền tự chủ cao trong việc xác định các phương thức tuyển sinh để lựa chọn người học phù hợp với ngành nghề đào tạo của mình.
Nếu thí sinh không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, các em có thể sử dụng kết quả học tập THPT, kết quả thi đánh giá năng lực, hoặc các phương thức kết hợp khác… để tham gia xét tuyển ở nhiều trường đại học khác nhau.
Như năm 2021, khi tình hình dịch bệnh phức tạp, Bộ GDĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học dành lại một phần chỉ tiêu tuyển sinh cho các em thí sinh không thể dự thi tốt nghiệp THPT cả 2 đợt. Trong năm 2022, nếu đến thời điểm thi cử số ca nhiễm vẫn cao, thì Bộ GDĐT sẽ chỉ đạo kịp thời để các cơ sở giáo dục đại học tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể, đảm bảo quyền lợi của các thí sinh.
Đến thời điểm này, tỷ lệ bao phủ tiêm phòng vaccine mũi 2, 3 của Việt Nam đã rất cao (96%). Tỷ lệ nhiễm Covid-19 tăng cao nhưng tỷ lệ tử vong rất thấp, chủ yếu tập trung vào người cao tuổi, có bệnh nền. Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là phải khôi phục lại các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội (bao gồm cả giáo dục) trong điều kiện bình thường mới, với phương châm thích nghi an toàn, linh hoạt, kiểm soát. Do vậy, hoạt động tuyển sinh năm nay dự kiến sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch bệnh.
Năm 2022, quy chế tuyển sinh đại học có thay đổi là thí sinh sẽ đăng ký nguyện vọng sau khi có kết quả thi. Tuy nhiên, việc này thuận lợi hay khó khăn gì với thí sinh F0? Đại diện Bộ GDĐT cho hay: "Việc dự kiến cho phép thí sinh đăng ký nguyện vọng sau khi đã thi xong và kéo dài thời gian đăng ký tới sau khi có kết quả thi là nhằm tạo điều kiện tối đa cho thí sinh có cơ hội lựa chọn đúng ngành mình yêu thích, đồng thời phù hợp với năng lực thực tế của cá nhân (mức điểm thi đạt được), từ đó tăng cơ hội trúng tuyển. Ngoài ra, các trường ĐH vẫn dành chỉ tiêu xét tuyển cho các thí sinh vì lý do bất khả kháng không thể tham dự kỳ thi tốt nghiệp (trong đó có F0) toàn quốc.
Thực tế có những thí sinh năm ngoái cho biết khó khăn trong việc xét tuyển khi không có điểm thi tốt nghiệp và phải ôn năm nay thi lại. Đại diện Bộ GDĐT cho biết: "Trong năm tuyển sinh 2021, Bộ GĐĐT đã có công văn gửi các cơ sở giáo dục đại học chỉ đạo, hướng dẫn về việc tạo điều kiện, xét tiếp nhận hồ sơ xét tuyển đối với cả thí sinh đã tốt nghiệp trước năm 2021.
Tuy nhiên, hiện các trường đại học đã thực hiện tự chủ tuyển sinh, do đó mỗi trường sẽ có quy định, chính sách khác nhau đối với việc tiếp nhận, tạo điều kiện cho đối tượng thí sinh này. Các em thí sinh tự do không có điểm thi tốt nghiệp 2022 để tham gia xét tuyển có thể tham gia các hình thức xét tuyển khác như xét tuyển học bạ, thi đánh giá năng lực, phỏng vấn, hoặc các phương thức kết hợp khác…
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, đại diện Bộ GDĐT khẳng định: "Sẽ nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em thí sinh về thủ tục, chính sách hỗ trợ…, còn nỗ lực học tập, rèn luyện chính là trách nhiệm lớn nhất của các em, là chìa khóa của mọi thành công trên con đường trước mắt.
Dù có dịch bệnh hay không, các em cũng vẫn cần phải cố gắng, nỗ lực chăm chỉ tối đa để có thể đạt được kết quả thi, kết quả tuyển sinh tốt nhất có thể. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang bùng phát, ngoài dồn sức cho học tập, các em cũng cần chú ý sinh hoạt, ăn uống học tập điều độ, khoa học để giữ gìn sức khỏe thể chất và tinh thần cho kỳ thi quan trọng nhất sau 12 năm đèn sách".