Khoa Lâm Nghiệp trường Đại học Nông Lâm TP.HCM phối hợp với Tổ chức nghiên cứu Lâm nghiệp thế giới (CIFOR) ngày 15/3 đã tổ chức Hội thảo quốc gia về chủ đề "Các giải pháp chính sách, kỹ thuật và tài chính nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, ngập nước tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050".
Hội thảo quốc gia năm nay có sự tham dự của đại diện Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, đại diện các sở, ban ngành và các đơn vị quản lý lâm nghiệp tại tỉnh thành phía Nam như Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang, Tiền Giang, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu...
Theo PGS. TS. Nguyễn Tất Toàn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, tốc độ gia tăng của biến đổi khí hậu cùng với hậu quả nặng nề của Covid-19 đang đặt ra nhiều thách thức cho tất cả các quốc gia trên toàn cầu.
Hiện nay, mọi quốc gia phải thực hiện cam kết NDC (Cam kết tự nguyện quốc gia về giảm phát thải). Tại cuộc họp thường niên lớn nhất toàn cầu của Ủy ban Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), 71/118 (61%) quốc gia đã nộp mới hoặc cập nhật NDC nhấn mạnh và cam kết ưu tiên bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn như một giải pháp chính sách, tài chính và kỹ thuật quan trọng hàng đầu của họ.
Điều này được lý giải bởi rừng ngập mặn không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, đảm bảo khả năng chống chịu và cung cấp sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển mà còn có khả năng tạo ra nguồn thu kinh tế cho quốc gia và giúp các ngành nghề thực hiện cam kết giảm phát thải và bảo vệ môi trường.
Với cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính kí Tuyên bố Glasgow về Rừng, việc sử dụng đất và NDC của Việt Nam đề cập tại 3 trên 7 giải pháp giảm thiểu khí hậu có liên quan tới bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, Việt Nam đang hòa vào xu thế chung của thế giới đồng thời xây dựng chính sách trong tương lai để hiện thực hóa mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn này.
Tuy nhiên, trước bối cảnh mới của thế giới và trong nước, áp lực ngày càng tăng để đạt được mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, phát triển kinh tế phục hồi sau Covid-19 và đảm bảo phát triển bền vững, Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tìm kiếm và xây dựng các giải pháp chính sách, tài chính và kỹ thuật phù hợp, hiệu quả và được đánh giá bởi các nhà khoa học.
Hội thảo quốc gia "Các giải pháp chính sách, kỹ thuật và tài chính nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, ngập nước tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050'' thu hút sự tham gia của các chuyên gia rừng ngập mặn trong cả nước, từ các cơ quan quản lý lâm nghiệp đến các đơn vị nghiên cứu và giảng dạy.
Tại hội thảo, đại diện Bộ NN&PTNT, bà Lê Hoàng Anh - đầu mối NDC ngành nông nghiệp, thành viên đoàn đàm phán công ước khung về biến đổi khí hậu của Việt Nam nhấn mạnh, sự cam kết ưu tiên bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn của chính phủ Việt Nam. Bà cũng khẳng định đây là một giải pháp chính sách, tài chính và kỹ thuật quan trọng trong việc giúp Việt Nam thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, giúp các ngành nghề thực hiện cam kết giảm phát thải và bảo vệ mội trường.
Các tham luận giá trị được đưa ra tại hội thảo gồm: "Định hướng chính sách bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050", "Vai trò của rừng ngập mặn đối với thực hiện cam kết tự nguyện quốc gia (NDC) của Việt Nam và các giải pháp hướng thu hút nguồn tài chính quốc tế vào bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn tại Việt Nam", "Cơ chế tài chính bền vững, chi trả dịch vụ môi trường rừng ngập mặn và mức sẵn lòng chi trả của các bên để bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn - Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam", "Chi trả dịch vụ môi trường rừng ngập mặn - thuận lợi, khó khăn và định hướng trong tương lai"; "Tiềm năng phục hồi rừng ngập mặn tại đồng bằng sông Mekong và cơ chế thương mại Carbon" và "Dịch vụ môi trường rừng ngập mặn, tiềm năng và đề xuất cho chi trả dịch vụ môi trường rừng gặp bạn tại Việt Nam".
Đây đều là những tham luận được các chuyên gia hàng đầu về quản lý và nghiên cứu Rừng ngập mặn đưa ra, thảo luận về các giải pháp, nỗ lực hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách... Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đưa ra những kiến nghị phù hợp dựa trên kinh nghiệm và góc nhìn của mình.