Tình nguyện nhiễm bệnh
Hơn 1 tuần trước, cô con gái đang học lớp 8 của chị Trần Thúy (TP.Thủ Đức, TP.HCM) nhiễm Covid-19 từ lớp học. Vài ngày sau, chồng và cậu con trai nhỏ 8 tuổi của chị cũng có kết quả test nhanh dương tính. Riêng chị vẫn xét nghiệm âm tính, chưa xuất hiện triệu chứng.
Tuy nhiên, chị Thuý quyết định không cách ly mà vẫn ngủ cùng các con, tình nguyện nhiễm bệnh. "Tôi tự nguyện lây luôn thể vì đằng nào mình cũng là F1, lại tiêm đủ vaccine rồi. Mắc sớm khỏi sớm. Nếu đến lúc chồng con khỏi bệnh rồi mình lại bị thì phí gấp đôi thời gian cách ly", chị chia sẻ.
Khi xung quanh hàng xóm, đồng nghiệp rất nhiều F0, anh Nguyễn Văn Trí (công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7) cũng mong muốn... mình là F0. "Giờ giữ sao nổi, mình cố gắng né, nhưng xung quanh người ta bị nhiễm nhiều, còn mình hàng ngày vẫn phải đi làm sao tránh. Với lại theo tôi được biết, một số bác sĩ nói bị nhiễm Covid-19 khỏi bệnh kháng thể còn hơn tiêm 2 mũi vaccine nên tôi cũng mong nhiễm bệnh đi, cách ly trước còn hơn cách ly sau vì trước sau gì cũng bị à", anh Trí bày tỏ quan điểm.
Cùng suy nghĩ sớm muộn gì cũng thành F0, anh Hoàng Tùng (tài xế Grabbike) cho rằng, việc mắc Covid-19 là điều bình thường hiện nay. Bởi công việc của anh đi lại nhiều, tiếp xúc nhiều, nên tâm lý sẵn sàng "đón nhận" Covid-19.
"Dân tài xế như tụi tôi gần như ai cũng từng là F0, nhiễm Covid-19 là lẽ đương nhiên khi đi nhiều, tiếp xúc nhiều người. Với lại chích vaccine rồi nên tôi cũng không lo sợ như trước. Tỷ lệ F0 ở thành phố mình cao nên chuyện nhiễm hay không là sớm muộn, tôi không có gì lo lắng, nhiễm sớm cho xong", anh Xuân nói.
Hệ luỵ khó lường
Theo BS Nguyễn Nam Hà, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, tâm lý chủ quan, sẵn sàng mắc bệnh của một bộ phận người dân hiện nay rất nguy hiểm.
"Không mắc bệnh dễ chịu hơn, sao lại chọn mắc bệnh? Cho dù đã tiêm đủ vaccine cũng không thể chủ quan. Nếu nhà có người già, trẻ nhỏ sẽ lây cho họ, chưa kể phải cách ly ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt. Người lớn tuổi dễ trở nặng nếu có bệnh nền, rất nguy hiểm, đừng ỷ lại vào vaccine. Mình giữ cho mình, rồi còn phải giữ cho người xung quanh", BS Hà nói.
Nói về tâm lý "ai rồi cũng thành F0", BS Trương Như Quân, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân y 175 cho rằng, khi nhiều người cùng có suy nghĩ mong muốn mắc bệnh hoặc sẵn sàng cho việc mắc bệnh thì cộng đồng sẽ lơ là các biện pháp phòng dịch do Bộ Y tế khuyến cáo, Chính phủ ban hành hiện nay.
Mặc dù độ phủ vaccine phòng Covid-19 khá cao, nhưng người dân không thể coi vaccine như "viên đạn vàng" được bởi vẫn có những người đã tiêm 2 mũi rồi khi bị bệnh vẫn bệnh nặng và tử vong. Đặc biệt là người có nhiều yếu tố nguy cơ (bệnh nền, trên 65 tuổi, hoãn tiêm vaccine,… ) nên không thể chủ quan mong mắc bệnh như tâm lý của một số người. "Cố tình nhiễm bệnh là tự đặt cược bản thân mình vào nguy hiểm", BS Quân nói.
Các bác sĩ cảnh báo, quan điểm "đằng nào cũng lây, nhiễm sớm khỏi sớm" của nhiều F1 hiện nay là suy nghĩ sai lầm, có thể dẫn tới rất nhiều hệ lụy. Về nguyên tắc, một người nhiễm bệnh không có nghĩa tất cả những người còn lại trong gia đình đều sẽ bị nhiễm. Tại thời điểm người đầu tiên mới bị lây Covid-19 từ cộng đồng, nếu nồng độ virus còn thấp, nếu cách ly kịp thời nguy cơ lây lan sẽ thấp.
Nếu gia đình có thêm những người khác chưa nhiễm thì việc để cả nhà "thoải mái sinh hoạt" sẽ rất đáng trách vì đang đưa tất cả những người chưa nhiễm còn lại vào tỷ lệ đó. Càng nhiều người nhiễm thì càng tăng tỷ lệ có người diễn tiến nặng, gây áp lực cho các cơ sở y tế, các bác sĩ nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc nhiễm Covid-19 còn liên quan tới vấn đề sức khỏe hậu Covid-19. Hiện nay, các nghiên cứu, thống kê cho thấy, không chỉ trường hợp diễn tiến nặng mà cả trường hợp nhẹ, không triệu chứng cũng gặp tình trạng hậu Covid-19 sau khỏi bệnh.
Hậu Covid-19 có thể gây tổn thương đa cơ quan, tức cả hệ tim mạch, thần kinh, hô hấp, cơ xương khớp, các bộ phận mắt, tai,… đều có nguy cơ bị ảnh hưởng. Như vậy, nếu cố tình mắc bệnh, tức là thêm một lần nữa đặt sức khỏe bản thân vào nhiều mối nguy.
Về phương diện cộng đồng, bác sĩ nhận định không thể có chuyện "nhiễm sớm khỏi sớm", "nhiễm rồi sẽ an tâm ra đường hơn". Bởi thực tế có rất nhiều trường hợp tái nhiễm Covid-19 chỉ sau khoảng 1, 2 tháng, thậm chí ngắn hơn.
Lý do là virus SARS-CoV-2 có nhiều biến chủng, bệnh nhân đã mắc chủng này có thể nhiễm thêm một chủng khác do giữa các chủng virus không có miễn dịch chéo cho nhau, miễn dịch tạo ra bởi chủng trước không "ngăn chặn nổi" chủng sau. Như vậy, một người đã nhiễm Delta và khỏi bệnh thì sau đó vẫn có nguy cơ nhiễm Omicron.
Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo, trong trường hợp gia đình có người là F0, các F1 vẫn nên tuân thủ đầy đủ 5K và các hướng dẫn phòng chống lây nhiễm khác để bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh.