Nguy cơ tử vong khi bệnh nhân Covid-19 nhẹ lạm dụng corticoid
Nguy cơ tử vong khi bệnh nhân Covid-19 nhẹ lạm dụng corticoid
Bạch Dương
Thứ ba, ngày 15/03/2022 16:24 PM (GMT+7)
Nhiều bác sĩ tá hoả khi thấy bệnh nhân Covid-19 "khoe" các đơn thuốc được sưu tập trên mạng hoặc được truyền miệng với đủ loại kháng sinh, đặc biệt nguy hiểm khi có các loại thuốc kháng đông, kháng viêm chứa corticoid.
Trong khi các hệ thống nhà thuốc lớn yêu cầu người dân khi mua thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 phải đáp ứng đủ một trong 3 điều kiện như có toa thuốc của bác sĩ kê đơn, giấy xác nhận F0 hoặc video tự quay lại quá trình test nhanh dương tính thì nhiều cửa hàng thuốc nhỏ, muốn mua loại thuốc gì cũng có.
Tại một nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng, khi được hỏi mua thuốc điều trị Covid-19, chủ quầy thuốc cho biết hiện đang bán thuốc Molnupiravir Stella 400mg với giá 320.000 đồng/hộp, không cần người mua trình bất cứ loại giấy tờ gì.
Tại nhà thuốc khác trên đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, hai loại thuốc Molnupiravir Stella 400mg và Molravir 400mg do Việt Nam sản xuất với giá 350.000 đồng/hộp cũng không yêu cầu bất cứ loại giấy tờ nào.
Hỏi về cách sử dụng thì người này cho biết: "Trên 18 tuổi là uống được, uống liên tục trong vòng 5 ngày. Đồng thời bổ sung thêm vitamin C, kết hợp xông mũi là sẽ nhanh khỏi bệnh".
Không chỉ có thuốc Molnupiravir sản xuất trong nước, nhiều loại thuốc khác chứa thành phần Molnupiravir có xuất xứ từ Ấn Độ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ… cũng được bán rất dễ dàng trên mạng, trong đó nhiều nhất là thuốc của Nga và Trung Quốc. Hầu hết các thuốc này đều chưa được Bộ Y tế cấp phép.
Theo dược sĩ Hà Quang Tuyến, Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, "thuốc xanh, thuốc đỏ" Arbidol (Umifenovir) xuất xứ Nga, được thử nghiệm trên bệnh nhân Covid-19 ở Trung Quốc ngay giai đoạn đầu bùng phát dịch, tuy nhiên kết quả về hiệu quả của thuốc là không đồng nhất giữa các nghiên cứu. Thử nghiệm tiền lâm sàng cho thấy thuốc Arbidol có hoạt tính kháng virus đối với một số virus đường hô hấp ở người như virus cúm A, B, C, adenovirus, rhinovirus... Nhiều nghiên cứu lâm sàng thuốc đã tạm dừng do hiệu quả không cao hoặc nguy cơ, tác dụng không mong muốn của thuốc lớn hơn nhiều so với hiệu quả.
Một loại thuốc khác đang được nhiều người, nhất là ở miền Bắc, truyền nhau sử dụng điều trị Covid-19 là Liên hoa Thanh ôn. Tuy nhiên Liên hoa Thanh ôn đang bị nhiều nước cảnh báo là có chất gây nghiện, nguy hiểm cho người dùng điều trị Covid-19. Thuốc này cũng không được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào danh sách thuốc dành cho bệnh nhân Covid-19.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế chưa có cảnh báo nào về thuốc Liên hoa Thanh ôn, còn với Arbidol và Areplivir, thuốc chưa được cấp phép lưu hành, nhập khẩu chính thức. Thuốc bán trên mạng, nhóm diễn đàn đều là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chất lượng và được "cam kết điều trị bằng miệng"…
Tá hoả với các đơn thuốc trị Covid-19 "truyền miệng"
Nhiều bệnh nhân Covid-19 triệu chứng nhẹ đã tự ý sử dụng các loại thuốc "truyền miệng" mà không biết được nguy cơ, tác dụng phụ của thuốc như thế nào.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, một người quen của anh nhiễm Covid-19 tại nhà, được người thân mua giúp thuốc với 8 loại cả thuốc điều trị và thuốc bổ. Sau 2 ngày uống, bệnh nhân mệt rũ, không đi lại được. Khi bác sĩ đến cấp cứu, kiểm tra đơn thuốc có loại Medrol (corticoid) 16mg uống 2 viên/ngày. Bệnh nhân vốn có bệnh tiểu đường, chỉ đau họng nhẹ, uống 2 ngày thuốc này đã khiến đường huyết tăng vọt không kiểm soát được, suýt nguy kịch khi rơi vào biến chứng tăng thẩm thấu hoặc toan ceton máu.
Bác sĩ Hùng cho biết, đây là 1 trong nhiều trường hợp lạm dụng và dùng bừa bãi corticoid trong điều trị Covid. Thuốc này không phải thần dược, nó có tác dụng kìm hãm bớt phản ứng viêm trong trường hợp diễn biến tổn thương phổi nặng. Chỉ nên dùng trong trường hợp bệnh nhân có can thiệp hô hấp.
Tuần san New England (NEJM) của Hiệp hội Y khoa Massachusetts có một tổng hợp nguy cơ tử vong trong 28 ngày điều trị của hơn 6.000 bệnh nhân Covid-19 cho thấy, corticoid cải thiện tử vong trong nhóm bệnh phải can thiệp hô hấp (nhóm phải thở oxy trở lên). Đổi lại, nó sẽ làm gia tăng nguy cơ tử vong ở nhóm bệnh Covid nhẹ.
Bác sĩ Thu Hương, nhóm tư vấn đồng hành cùng F0 cho biết, khi xem đơn thuốc của nhiều F0, chị tá hoả khi có đến 2-3 loại kháng sinh đi kèm. Thậm chí, có người bệnh chưa triệu chứng gì cũng tự ý mua kháng sinh về dùng. Phổ biến nhất là họ ra các hàng thuốc và được người bán tư vấn hoặc dùng theo các đơn thuốc truyền tay trên mạng. Không chỉ dùng cho người lớn, phụ huynh cũng tự lên đơn thuốc cho trẻ em theo các phương thức trên.
Đã có em bé 8 tuổi bị Covid-19, ho nhiều nên người mẹ tự ý đi mua thuốc về cho con dùng. Trong đơn thuốc có loại kháng sinh Zinnat dạng gói. Sau đó, bé bị dị ứng thuốc khiến sưng và nổi mề đay toàn bộ mặt. Nhiều trẻ còn bị rối loạn tiêu hoá, nôn ói, nguy hiểm hơn, lạm dụng kháng sinh có thể gây ra tình trạng kháng kháng sinh, ảnh hưởng đến hệ phát triển của cơ thể trẻ.
Là người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19, Thượng tá, bác sĩ Vũ Đình Ân, Phó Chủ nhiệm khoa Hồi sức tích cực, kiêm Phó Giám đốc Trung tâm điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 175 cho biết, thói quen "tự điều trị" của người dân hiện nay đang rất nguy hiểm. Nhiều toa thuốc điều trị Covid-19 khác nhau được chia sẻ, lan truyền trên mạng xã hội, bao gồm kháng sinh, kháng viêm, kháng đông, kháng virus… khiến không ít người vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 đã ra hiệu thuốc mua ngay về uống.
Việc tự ý dùng thuốc, không tham khảo ý kiến chuyên môn còn rất nguy hiểm, đã khiến cho không ít trường hợp bệnh chuyển nặng, thậm chí rất nặng trước khi nhập viện, đồng thời còn gây khó khăn cho các phác đồ điều trị sau này. Đặc biệt, việc mua thuốc không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, kháng sinh không cần thiết để điều trị Covid-19 trong giai đoạn đầu, khi người bệnh điều trị tại nhà. Nguyên nhân là kháng sinh điều trị vi trùng, còn bản chất mắc Covid-19 là nhiễm virus. Trong giai đoạn đầu mắc bệnh, người bệnh thường không bị nhiễm vi trùng.
Kháng sinh có thể dẫn đến các tác dụng phụ như dị ứng, nổi mề đay, ngứa, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, gây hại cho người dùng. Nguy hiểm hơn, lạm dụng kháng sinh sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng kháng sinh cho bệnh nhân thường khi nhập viện điều trị hơn một tuần, phải thực hiện thủ thuật xâm lấn như thở máy, có nhiễm khuẩn bệnh viện.
"Đối với bất kỳ bệnh lý nào, uống thuốc phải đúng thời điểm. Khi bác sĩ kê toa thì toa thuốc ấy phù hợp với thời điểm của người bệnh và phù hợp với cơ địa, thể trạng của người uống thuốc. Không có toa thuốc dùng chung cho tất cả mọi người. Có những toa thuốc hiệu quả với người này nhưng sử dụng cho người khác lại có biến chứng phụ rất nguy hiểm, do đó người dân cần cẩn trọng trong việc dùng thuốc"- BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu khuyến cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.