Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn số 1509/NHNN-TD yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện một số giải pháp trong năm 2022, góp phần thực hiện mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động cân đối nguồn vốn, xem xét tạo điều kiện tăng thêm hạn mức tín dụng cấp cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (theo danh sách công bố trên website của Bộ Công Thương), nhất là các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm (danh sách công bố theo Quyết định của Bộ Công Thương) để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Ngoài ra, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cấp tín dụng; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp đảm bảo an toàn và tuân thủ các quy định pháp luật.
Việc xem xét, thẩm định và quyết định cấp tín dụng, tăng thêm hạn mức tín dụng đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nêu trên thực hiện theo cơ chế tín dụng hiện hành. Trong trường hợp phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện thì kịp thời báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để được xem xét xử lý.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị/Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại chỉ đạo sát sao trong toàn hệ thống; tăng cường công tác lãnh đạo, kiểm tra, giám sát, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có đủ điều kiện theo quy định; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác tín dụng.
Đối với các ngân hàng phát sinh dư nợ, định kỳ hàng tháng yêu cầu báo cáo về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (thông qua Vụ Tín dụng các ngành kinh tế tình hình cấp tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu).
Được biết, Bộ Công Thương đã giao 10 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, nhập khẩu từ 2,4- 2,5 triệu m3 xăng dầu để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong 3 tháng tới.
Theo Bộ Công Thương, trước mắt trong quý II/2022, nguồn cung xăng dầu trong nước sẽ được đảm bảo thông qua việc tăng cường nhập khẩu mặt hàng này.
Bộ Công Thương sẽ phân giao lại tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu bổ sung cho các thương nhân kinh doanh đầu mối. Theo đó, các doanh nghiệp đầu mối sẽ được phân giao chỉ tiêu nhập khẩu khoảng 2,4-2,5 triệu m3 xăng dầu, gồm lượng xăng dầu thiếu hụt do sản xuất trong nước không đạt kế hoạch sản lượng và 20% lượng nhập khẩu bổ sung để đảm bảo cho nhu cầu phục hồi kinh tế.
Bộ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất, cung ứng xăng dầu trong nước và đến giữa tháng 5/2022 sẽ xây dựng phương án phân giao tổng nguồn cụ thể cho 6 tháng cuối năm 2022.
Cụ thể, tại Quyết định số 242/QĐ-BCT về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong Quý II/2022.
Cụ thể, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) được giao nhập khẩu thêm 1.065.567 m3; Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) 488.688 m3; Công ty TNHH Thủy bộ Hải Hà 140.401 m3.
Ngoài ra, nhiệm vụ nhập khẩu xăng dầu được giao cho các doanh nghiệp đầu mối gồm: Công ty TNHH Hải Linh; Công ty CP Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu; Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil; Tổng Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ; Công ty CP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp; Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức; Công ty CP Hóa dầu Quân đội.
Bộ Công Thương lưu ý, số lượng xăng dầu kinh doanh tạm nhập, tái xuất không tính vào lượng nhập khẩu xăng dầu giao bổ sung tại Quyết định này.