Dân Việt

Chiến sự Nga - Ukraine tạo thời cơ mới cho Trung Quốc về công nghệ tiên tiến

Huỳnh Dũng 17/03/2022 11:45 GMT+7
Liệu sự cô lập ngày càng tăng của Nga từ phương Tây có thể củng cố sự thúc đẩy của Trung Quốc về khả năng tự lực về công nghệ tiên tiến quan trọng?

Moscow đang đối mặt với hàng loạt hạn chế từ Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu về cuộc xâm lược Ukraine, đặt ra câu hỏi về tương lai của mối quan hệ thương mại, phát triển và đầu tư công nghệ tiên tiến của nước này với Trung Quốc. Điều này bao gồm một loạt các lĩnh vực bao gồm hàng không dân dụng, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ lưỡng dụng ứng dụng trong cả dân sự và quân sự.

Mới đây, Cortney Weinbaum, nhà khoa học quản lý cấp cao tại Rand Corporation tin rằng, các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể thúc đẩy Nga đẩy mạnh buôn bán công nghệ tân tiến, quan trọng với Trung Quốc trong ngắn hạn. Tuy nhiên, mục tiêu dài hạn của Bắc Kinh vẫn còn nguyên vẹn khi nước này luôn tìm cách tự chủ trong các công nghệ quan trọng để đảm bảo an ninh kinh tế, quốc phòng.

Chiến tranh Ukraine cung cấp 'động lực mới' để Trung Quốc tìm kiếm sự tự chủ về công nghệ giữa các lệnh trừng phạt của Nga?. Ảnh: @AFP.

Chiến tranh Ukraine cung cấp 'động lực mới' để Trung Quốc tìm kiếm sự tự chủ về công nghệ giữa các lệnh trừng phạt của Nga? Ảnh: @AFP.

Weinbaum nói: "Bắc Kinh đã cố gắng thúc đẩy các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển và sản xuất công nghệ tân tiến quan trọng trong nhiều thập kỷ qua. Động cơ là một ví dụ về điều này; Trung Quốc đã nỗ lực trong nhiều năm để sản xuất động cơ máy bay hiệu quả, nhưng họ vẫn còn lúng túng và dựa vào các hệ thống công nghệ chế tạo của Nga. Vì thế, cuộc chiến này có thể cung cấp động lực mới để Bắc Kinh giảm bớt sự phụ thuộc vào Moscow, nhưng mong muốn này thì khó thành được".

Theo Weinbaum, Bắc Kinh muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga trong nhiều năm qua, nhưng làm sao họ có thể thành công trong tương lai khi họ đã thất bại trong quá khứ?. Weinbaum đã đồng viết một báo cáo nghiên cứu do Rand công bố vào tháng 2 vừa qua, xem xét những điểm mạnh và điểm yếu của Trung Quốc trong nền tảng công nghiệp tân tiến quan trọng của nước này.

Báo cáo "Đánh giá điểm mạnh và điểm yếu hệ thống của cơ sở công nghiệp quốc phòng Trung Quốc" cho thấy, Trung Quốc phụ thuộc vào Mỹ và các đồng minh trong một số lĩnh vực, bao gồm nhân tài, nguyên liệu, linh kiện tiên tiến và sở hữu trí tuệ. Cũng theo báo cáo đó, Trung Quốc cũng phụ thuộc vào Nga và Ukraine, và ở một mức độ nào đó, họ cũng phụ thuộc vào Pháp đối với máy bay và động cơ hải quân, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số công nghệ tân tiến quan trọng nhập khẩu của Trung Quốc từ năm 2015 đến năm 2020.

Để phá vỡ thế độc quyền của Boeing và Airbus, Trung Quốc và Nga đã tìm cách phát triển máy bay phản lực chở khách thân rộng, mặc dù việc ra mắt máy bay CR929 đã bị một loạt các lần trì hoãn kể từ năm 2015. Đặc biệt, chiếc máy bay này sẽ cần phải dựa vào các nhà cung cấp nước ngoài cho cấu trúc hai động cơ của nó, vì cả Trung Quốc và Nga đều không thể chế tạo một động cơ phù hợp cho máy bay chở khách thân rộng kiểu như thế này.

Chiến sự Nga- Ukraine liệu có giúp Trung Quốc tự chủ về công nghệ tiên tiến? - Ảnh 2.

Trung Quốc sẽ không muốn bị ràng buộc với Nga về lâu dài, nhưng có khả năng tìm kiếm các cơ hội trong tương lai để gỡ rối cho mình. Ảnh: @AFP.

Trong khi đó, ngành hàng không dân dụng của Nga hiện cũng bị Mỹ và các đồng minh trừng phạt khi nước này leo thang chiến tranh ở Ukraine. Ở đây, các công ty hàng không vũ trụ của Mỹ chẳng hạn như Boeing và Raytheon Technologies đã đình chỉ hoạt động ở Nga và tuần trước, chính phủ Anh cho biết họ sẽ chặn xuất khẩu hàng hóa và công nghệ liên quan đến hàng không và vũ trụ sang Nga.

Chia sẻ rõ hơn về vấn đề này, Scott Kennedy, cố vấn cấp cao và chủ tịch ủy thác về kinh tế và kinh doanh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết: "Dự án CR929 đã chết. Và do máy bay sẽ phụ thuộc nhiều vào các nhà cung cấp phương Tây, nên nó hiện sẽ bị cấm vĩnh viễn, nên tôi thấy không có con đường nào để hoàn thành thành công chiếc máy bay này". Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang phát triển máy bay phản lực thân hẹp C919 nhưng hầu hết các bộ phận cũng được nhập khẩu từ các nhà sản xuất nước ngoài, bao gồm động cơ, hệ thống điện tử hàng không, hệ thống điều khiển, thông tin liên lạc và thiết bị hạ cánh.

Bên cạnh các dự án thương mại như CR929 mong để đạt đến đỉnh cao sự đổi mới hơn trong sản xuất tiên tiến, Trung Quốc và Nga cũng đã tìm cách tăng cường hợp tác trong nghiên cứu và phát triển công nghệ.

Vào năm 2019, Chủ tịch Tập Cận Bình và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã nhất trí mở rộng hợp tác công nghệ khi hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng, quan hệ Trung Quốc-Nga đã bước vào "kỷ nguyên mới của quan hệ đối tác toàn diện và chiến lược", được thúc đẩy bởi các sáng kiến bao gồm thiết lập khoa học và công viên công nghệ, trung tâm nghiên cứu, cũng như trao đổi học thuật.

"Về lâu dài, ngay cả khi Putin không cải thiện tình hình thì cuộc xung đột kéo dài có khả năng sẽ cản trở nỗ lực thu hút các công ty công nghệ hàng đầu thế giới của Nga". Theo Weinbaum, Trung Quốc sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc giảm bớt các mối quan hệ kinh tế của họ với Nga.

"Chừng nào Nga chưa cải thiện tình hình chiến sự thì mạng lưới trừng phạt xung quanh Nga sẽ mở rộng và nó sẽ ảnh hưởng luôn tới bất kỳ ai khác tìm cách hợp tác với nước Nga trong lúc này. Trong khi đó, các mối quan hệ kinh tế của Trung Quốc với phương Tây lớn hơn theo cấp số nhân so với các mối quan hệ với Nga. Weinbaum cũng tin rằng, Trung Quốc sẽ không muốn bị ràng buộc với Nga về lâu dài, nhưng có khả năng tìm kiếm các cơ hội trong tương lai để gỡ rối cho mình, đồng thời cũng muốn duy trì những lợi ích chiến lược có được từ một liên minh địa chính trị Trung - Nga để đối đầu với Mỹ trong nhiều lĩnh vực.