Dân Việt

Dịch Covid-19 bao giờ thành "bệnh truyền nhiễm nhóm B"?

Diệu Linh 18/03/2022 06:10 GMT+7
Chương trình phòng chống dịch Covid-19 vừa được Chính phủ ban hành ngày 17/3 có nội dung: nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.

Theo đó, Chương trình phòng chống dịch Covid-19 có nội dung: "Thực hiện linh hoạt nguyên tắc "ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch" theo quy mô và phạm vi hẹp nhất có thể, phù hợp với diễn biến dịch bệnh;

Áp dụng linh hoạt công thức chống dịch "5K + vaccine, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác;

Chương trình phòng chống dịch Covid-19 vừa được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành tại Nghị quyết 38/NQ-CP ngày 17/3/2-2022. Theo đó, chương trình được thực hiện trong 2 năm: 2022-2024.

Nếu trường hợp dịch bệnh kết thúc sớm hơn hoặc kéo dài sang năm 2024, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ xem xét việc tiếp tục thực hiện Chương trình này hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B;

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện giám sát thường xuyên, định kỳ và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá nguy cơ lây nhiễm".

Bệnh truyền nhiễm nhóm A và nhóm B khác nhau thế nào? Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A từ bao giờ?

Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 phân ra các bệnh truyền nhiễm nhóm A B C theo các đặc điểm sau đây:

Bệnh truyền nhiễm nhóm A

Bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và có tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Dịch Covid-19 bao giờ thành "bệnh truyền nhiễm nhóm B"? - Ảnh 2.

Trong vòng hơn 2 năm qua, Việt Nam có gần 7,2 triệu ca Covid-19 với gần 42.000 người tử vong (Điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM. Ảnh BYT)

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt, cúm A-H5N1, dịch hạch, đậu mùa, sốt xuất huyết do virus Ebola, Lassa hoặc Marburg gây ra, bệnh sốt Tây sông Nile, bệnh sốt vàng, bệnh tả, viêm đường hô hấp cấp nặng do virus và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh và chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Ngày 29/1/2020, Bộ Y tế quyết định bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019 - nCov) (nay gọi là bệnh Covid-19 do virus SARS-CoV-2 – PV) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Bệnh truyền nhiễm nhóm B

Bệnh truyền nhiễm nhóm B là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Các bệnh truyền nhiễm nhóm B bao gồm: Bệnh do virus Adeno, bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), bệnh bạch hầu, cúm, dại, ho gà, lao phổi, bệnh do liên cầu lợn ở người, lỵ Amip, lỵ trực trùng, quai bị, sốt Dengue, sốt xuất huyết Dengue, sốt rét, sốt phát ban, bệnh sởi, tay chân miệng, bệnh than, bệnh thủy đậu, thương hàn, uốn ván, bệnh Rubeon, viêm gan virus, viêm màng não do não mô cầu, viêm não virus, bệnh xoắn khuẩn vàng da, tiêu chảy do virus Rota.

Như vậy, như vậy, hiện nay Covid-19 vẫn là bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và có tỷ lệ tử vong cao.

Kể từ đầu dịch đến nay (từ tháng 1/2020) Việt Nam có 7.174.423 ca nhiễm, đứng thứ 20/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân.

Đáng nói, chỉ trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 7.166.780 ca, trong đó có 3.683.171 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. 

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.683 ca, chiếm tỷ lệ 0,6% so với tổng số ca nhiễm. Hầu hết số ca tử vong đều trong đợt dịch thứ 4.

Dịch Covid-19 bao giờ thành "bệnh truyền nhiễm nhóm B"? - Ảnh 3.

Hiện tại Việt Nam vẫn đang có gần 3,5 triệu ca Covid-19 đang được điều trị, theo dõi, trong đó đại đa số là theo dõi và chăm sóc tại nhà (Một ca Covid-19 theo dõi tại nhà tại TP.HCM. Ảnh BYT)

Dịch Covid-19 hiện nay thế nào?

Đánh giá về tình hình dịch Covid-19 hiện nay, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, chuyên gia dịch tễ, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, hiện nay Việt Nam vẫn trong tình trạng đại dịch, dịch Covid-19 vẫn là bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Vì vậy một số biện pháp phòng dịch nhất định phải thực hiện như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A như kiểm dịch biên giới, bắt buộc đeo khẩu trang, các bệnh viện sẵn sàng chống dịch… Chúng ta chưa trở lại bình thường như trước khi chưa có dịch.

Dịch Covid-19 hiện nay đang trong quá trình chuyển từ đại dịch sang bệnh lưu hành (bệnh đặc hữu) chứ chưa thể coi nó là bệnh lưu hành được.

"Tỷ lệ mắc trong dân cư còn đang cao, số lượng người tử vong hằng ngày còn cao, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng chưa đạt đến mức mong muốn (phải trên 90%). Khả năng lây nhiễm hiện nay vẫn còn cao.

Để đạt được trạng thái bệnh lưu hành thì hệ số lây nhiễm phải trở về gần bằng 1 và tỷ lệ miễn dịch cộng đồng bao gồm những đã tiêm vaccine, những người đã bị nhiễm tự nhiên phải trên 90%; Số người tử vong hằng ngày giảm xuống và loại virus này ổn định hơn; Không có thêm các biến chủng nguy hiểm gây ra các làn sóng dịch.

Trong tuần qua, các chuyên gia WHO họp bàn, quyết định công bố, đại dịch Covid-19 thành dịch lưu hành, nhưng chưa đi đến được thống nhất, vì tỷ lệ tiêm vaccine nhiều nước còn thấp, vẫn còn khả năng có thêm những biến thể", PGS Nga nhận định.

PGS Nga cũng cho biết, nếu không xếp Covid-19 vào bệnh truyền nhiễm nhóm A thì sẽ có sự khác biệt lớn giữa trách nhiệm phòng chống dịch và khám chữa bệnh. Nếu dịch bệnh nhóm A thì Nhà nước sẽ hỗ trợ toàn bộ và có nhiều biện pháp bắt buộc phòng dịch.

Dịch Covid-19 bao giờ thành "bệnh truyền nhiễm nhóm B"? - Ảnh 4.

Khả năng lây nhiễm cao, số ca tử vong vẫn cao, virus còn nhiều ẩn số... là những nguyên nhân khiến cho đến lúc này, Covid-19 vẫn được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A- đặc biệt nguy hiểm (Tiêm vaccine Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh HCDC)

Còn khi đã thành dịch nhóm B, dịch lưu hành thì người dân phải tự bảo vệ, dự phòng và chi trả cho công tác khám chữa bệnh.

PGS Nga cũng phân tích thêm, hiện nay, điều kiện để coi Covid-19 bệnh dịch lưu hành (đặc hữu) còn có nhiều ý kiến khác nhau, chưa thống nhất.

Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là dịch ổn định, không biến động lớn về ca mắc, ca tử vong. Bên cạnh đó, miễn dịch cộng đồng đạt ở mức cao để ngăn chặn bùng phát dịch diển rộng, hệ số lây nhiễm trở về gần bằng 1.

Ngoài ra, hệ thống y tế có đủ năng lực để điều trị, cấp cứu người bệnh mà không bị quá tải. Một yếu tố quan trọng khác là tâm lý người dân đã ổn định, không lo sợ, kỹ năng tự bảo vệ sức khoẻ đã được nâng cao.

Đối chiếu với các điều kiện đó, thì Việt Nam dịch vẫn đang tăng lên, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng chưa đạt mức cao, hệ số lây nhiễm còn cao. Hệ thống y tế không quá tải, số ca tử vong đã ổn định, do đó Việt Nam đang trong quá trình chuyển sang bệnh lưu hành.

Hiện nay, mỗi ngày Việt Nam vẫn có 170.000-180.000 ca Covid-19, gần 100 ca tử vong. Nguy cơ lây nhiễm bệnh vẫn rất cao với số ca mắc trên thực tế có thể cao hơn nhiều so với con số 180.000 ca mỗi ngày hiện nay.

Số ca tử vong mỗi ngày vẫn cao hơn số cả tử vong cả năm của nhiều bệnh truyền nhiễm có số ca cao nhất Việt Nam từ trước đến nay như sốt xuất huyết, bệnh dại…

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đánh giá, virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron; kể cả trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ.

Ví dụ như biến chủng Omicron đã ghi nhận các biến thể phụ BA.1, BA.2, BA.3 và các biến chủng này có thể né được miễn dịch, gây tái nhiễm; do đó tỷ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm là rất khó xác định và chưa có tính ổn định.

Do đó, Bộ Y tế đánh giá, chưa thể coi Covid-19 là bệnh lưu hành, bệnh đặc hữu. Covid-19 vẫn là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, cần phải "dè chừng".