Vụ cô gái 22 tuổi tử vong vì nâng mũi: Những biến chứng nguy hiểm khi phẫu thuật nâng mũi

Diệu Linh Thứ năm, ngày 17/03/2022 23:09 PM (GMT+7)
Vụ cô gái 22 tuổi tử vong vì nâng mũi lại thêm một lần nữa báo động về tình trạng phẫu thuật thẩm mỹ ở các cơ sở y tế không được cấp phép. Theo các chuyên gia y tế, phẫu thuật nâng mũi có rất nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bình luận 0

Dù đã được cứu chữa hết sức nhưng cô gái 22 tuổi đã tử vong vì nâng mũi sau 2 tháng hôn mê.

Trước đó, ngày 14/1/2022, nạn nhân Phạm Thị Diễm H. đến nhà riêng của một chủ cơ sở thẩm mỹ viện mỹ (phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) để nâng mũi. Sau khi được bác sĩ tiền mê thì nạn nhân đã hôn mê và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai.

Tuy nhiên, dù được cứu chữa bệnh nhân vẫn không tỉnh lại. Ngày 25/2, bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện tỉnh Long An và này 16/3 thì tử vong.

Vụ cô gái 22 tuổi tử vong vì nâng mũi: Những biến chứng nguy hiểm khi phẫu thuật nâng mũi - Ảnh 1.

Vụ cô gái 22 tuổi tử vong vì nâng mũi: Sau hơn 2 tháng hôn mê, cô gái đã không qua khỏi. Ảnh GK

Đáng nói, ca phẫu thuật này được thực hiện ở nhà riêng của chủ cơ sở thẩm mỹ. Theo báo chí đưa tin, chủ cơ sở thẩm mỹ cho biết đã cho mượn nhà để 2 người khác thực hiện ca phẫu thuật nâng mũi chứ nạn nhân không phải khách hàng của mình.

Trong khi đó, theo quy định của Bộ Y tế, phẫu thuật nâng mũi phải được thực hiện tại cơ sở y tế được cấp phép, nơi có đầy đủ các thuốc, trang thiết bị y tế, bác sĩ để cấp cứu nếu như có biến chứng xảy ra.

Gần đây đã có rất nhiều cô gái trẻ tử vong hoặc gặp các biến chứng nghiêm trọng khi phẫu thuật nâng mũi, tiêm filler, hút mỡ bụng… Dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng những vụ tai biến do làm đẹp tại các cơ sở y tế chui vẫn xảy ra. 

Từ vụ cô gái 22 tuổi tử vong vì nâng mũi: Phẫu thuật nâng mũi có nhiều nguy cơ biến chứng nếu không được thực hiện ở cơ sở y tế được cấp phép

Theo các bác sĩ, phẫu thuật nâng mũi bao gồm: Nâng mũi bằng phẫu thuật (Nâng mũi bằng sống nhân tạo silicone hoặc nâng mũi bằng bọc sụn) và Nâng mũi bằng tiêm chất làm đầy filler.

Cả hai phương pháp phẫu thuật nâng mũi này đều có rất nhiều nguy cơ nếu như không được thực hiện tại các cơ sở y tế được cấp phép và được thực hiện bởi các bác sĩ được đào tạo chính quy, có kỹ thuật.

Cụ thể, nâng mũi bằng phẫu thuật có thể gặp các nguy cơ chất liệu độn lộ rõ ra dưới da, nhất là vùng đầu mũi, thậm chí làm da bị thủng nếu sử dụng thanh độn kém chất lượng. 

Vụ cô gái 22 tuổi tử vong vì nâng mũi: Những biến chứng nguy hiểm khi phẫu thuật nâng mũi - Ảnh 2.

Một bệnh nhân bị áp xe (nhiễm trùng) mũi sau nâng mũi bằng phương pháp đặt sụn silicon tại Spa điều trị tại Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí, Quảng Ninh. Ảnh BVCC

Hơn nữa, đặc biệt đối với trường hợp mũi gặp những biến chứng thường gặp sau thẩm mỹ nâng mũi là mũi bị vẹo, mũi nghiêng, lệch sang bên, tụt sóng, lộ chất liệu độn, dị ứng, lệch sống mũi. 

Ngoài ra nếu phẫu thuật không đảm bảo vô trùng vết mổ còn bị sưng tấy, nhiễm trùng gây hoại tử, nhiễm trùng máu gây nguy hiểm tính mạng... 

Còn tiêm filler nâng mũi cũng có nguy cơ gặp nhiều biến chứng. 

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà – Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt Thẩm mỹ (Bệnh viện (BV) Việt Đức, khi tiêm filler nâng mũi, nếu người tiêm không được đào tạo kiến thức về tạo hình thẩm mỹ có thể sẽ tiêm nhầm filler vào mạch máu, vùng quanh ổ mắt, thuốc sẽ đi vào não, gây tắc động mạch não, đột quỵ, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao.

Còn nếu tiêm nhầm filler vào trung tâm võng mạc sẽ gây hiện tượng mù mắt, vùng da quanh mắt hoại tử, gây biến dạng sau này.

Tại Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận không ít các cô gái đến các cơ sở thẩm mỹ chui, thậm chí vào hàng cắt tóc gội đầu để tiêm filler nâng mũi, tạo cằm… dẫn đến biến chứng nghiêm trọng. Nhẹ thì điều trị lâu ngày mới khỏi, nặng thì mù mắt, mũi má bị hoại tử, biến dạng…

Vụ cô gái 22 tuổi tử vong vì nâng mũi: Những biến chứng nguy hiểm khi phẫu thuật nâng mũi - Ảnh 3.

Từ vụ cô gái 22 tuổi tử vong vì nâng mũi: Khi có nhu cầu làm đẹp, người dân hãy tìm đến các cơ sở y tế được cấp phép. Ảnh minh họa Pixabay

Bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình -Thẩm mỹ và Hàm mặt (BV E) chia sẻ, bệnh viện đã tiếp nhận những trường hợp tiêm filler vào đúng mạch máu gây tắc mạch, hoại tử vùng có mạch máu chi phối. Hay trường hợp tiêm silicon bị chảy dịch mủ vùng tiêm.

Cũng không ít ca nhiễm trùng do quá trình thực hiện thẩm mỹ, người thực hiện thẩm mỹ không có chuyên môn đưa kim, dao xuyên qua da không đúng kỹ thuật hoặc vô trùng không cẩn thận.Theo bác sĩ Minh, chi phí xử lý những ca biến chứng sau phẫu thuật đắt hơn nhiều tiền phẫu thuật thẩm mỹ, mất nhiều tháng trời mới điều trị khỏi, thậm chí để lại hậu quả vĩnh viễn.

Vụ cô gái 22 tuổi tử vong vì nâng mũi: Chị em hãy làm đẹp một cách thông thái

"Chị em hãy làm đẹp một cách thông thái, tránh tiền mất tật mang. Chị em cần biết: Ở spa, thẩm mỹ viện chỉ được thực hiện các dịch vụ làm đẹp không xâm lấn (chăm sóc da, xăm thẩm mỹ (tê bôi), tắm trắng).

Còn dịch vụ làm đẹp có xâm lấn (tiêm filler, botox, căng chỉ, nâng mũi ...) bắt buộc phải do bác sĩ làm và thực hiện tại ít nhất là Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Đặc điểm nhận biết là biển hiệu trước cửa (bác sĩ đứng tên phòng khám, giấy phép hoạt động, thời hiệu hoạt động của phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ".

Bác sĩ Nguyễn Đình Minh

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem