Tại cuộc họp giao ban của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết, hiện TP.HCM quản lý hơn 100.000 F0; trong đó có gần 95.000 trường hợp điều trị tại nhà và cơ sở cách ly; hơn 4.800 ca ở tầng 2, hơn 500 ca ở tầng 3.
Đáng lo ngại là số ca cần hỗ trợ hô hấp và thở máy xâm lấn đang tăng dần 5-7 ca mỗi ngày và hiện nay có 97 ca phải thở máy xâm lấn. PGS.TS Tăng Chí Thượng dự báo, số ca thở máy tăng có thể dẫn tới số ca tử vong sẽ nhích lên trong thời gian tới; hiện nay, số ca tử vong dao động từ 1-3 trường hợp/ngày.
Qua phân tích 63 trường hợp nặng, Sở Y tế TP.HCM ghi nhận 60 trường hợp có bệnh nền. Trong đó, 6 trường hợp (chiếm 10%) không biết mình có bệnh lý nền cho đến khi nhập viện; gần 43% các trường hợp thở máy do bệnh nền, bệnh cấp tính, không phải do Covid-19; gần 56% thở máy do Covid-19 nặng.
Đặc biệt, chỉ có 5 trường hợp (trong số 63 trường hợp) sử dụng thuốc Molnupiravir trước khi nhập viện. Gần 67% trường hợp không thông báo y tế địa phương khi biết mình mắc bệnh và không điều trị Molnupiravir trước nhập viện. Hầu hết các ca bệnh nặng là người thuộc nhóm nguy cơ nhưng có đến 65% chưa có tên trong danh sách người thuộc nhóm nguy cơ tại các địa phương.
Về tình hình số trường hợp mắc Covid-19 trong trường học, tuần qua ghi nhận hơn 44.100 trường hợp, tăng so với tuần trước đó (tuần trước có gần 37.500 trường hợp).
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhận xét số lượng F0 đang ở mức cao và dấu hiệu gia tăng số ca trở nặng, phải có biện pháp để kìm và giảm xuống các trường hợp trở nặng cũng như các trường hợp mắc mới.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, điểm đáng chú ý, 2/3 số trường hợp trở nặng lại chưa tiêm đủ vaccine; điều đó cho thấy vai trò của vaccine hết sức quan trọng.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đánh giá chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ đã đạt kết quả rõ ràng, tuy vậy vẫn xuất hiện người có nguy cơ cao nhưng chưa được phát hiện, chỉ phát hiện khi mắc Covid-19 trở nặng nhập viện điều trị.
Trong nâng chất công tác quản lý F0, theo ông Đức phải ứng dụng công nghệ thông tin, giảm tối đa quy trình thủ tục, tránh phiền hà cho F0 để F0 dễ dàng khai báo khi mắc bệnh, thuận lợi nhận sự chăm sóc cũng như dễ dàng thông báo hoàn thành thời gian cách ly điều trị.
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức lưu ý là phải rà soát các phát sinh liên quan đến các khu cách ly, khu điều trị mà trước đây các địa phương đã mượn ở các cơ sở, nhất là trường học. Bởi, một số trường đang chuẩn bị cho năm học mới, rất cần khôi phục lại cơ sở vật chất. Đồng thời, phải rà soát, giải quyết đầy đủ chế độ chính sách đối với các lực lượng tham gia phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM.
Tính đến 18h ngày 16/3, TP.HCM ghi nhận có 576.226 trường hợp mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố, bao gồm 575.270 trường hợp mắc trong cộng đồng, 956 trường hợp nhập cảnh.
Hiện thành phố đang điều trị 5.326 bệnh nhân, trong đó có 384 trẻ em dưới 16 tuổi, 97 bệnh nhân nặng đang thở máy, 2 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 16/3 có 742 bệnh nhân nhập viện, 689 bệnh nhân xuất viện, 2 trường hợp tử vong trong ngày.
Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, tính đến 15h 16/3, tất cả 21 quận huyện và TP.Thủ Đức đã báo cáo và lập được danh sách quản lý là 213.773 người thuộc nhóm nguy cơ cao (người trên 65 tuổi và có bệnh nền); đã thực hiện triển khai xét nghiệm tầm soát cho 102.153 người, qua đó đã phát hiện 1.253 mắc Covid-19 và những trường hợp này đã được xử lý theo hướng dẫn.