Liên quan đến vụ xô xát ở thủy điện Mây Hồ (thị xã Sa Pa), thông tin mới nhất Dân Việt nắm được, phía doanh nghiệp thi công thủy điện Mây Hồ là Công ty TNHH Xây dựng An Phú sẽ hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân và 2 thôn trên địa bàn xã Ngũ Chỉ Sơn là 520 triệu đồng.
Clip toàn cảnh vụ xô xát tại thủy điện Mây Hồ.
Bên cạnh đó, việc thi công hạng mục đập đầu mối thủy điện Mây Hồ cũng sẽ phải tạm dừng đến khi giải quyết xong việc bồi thường cho các hộ dân và đưa ra được phương án đền bù cho các hộ nuôi cá bị ảnh hưởng do quá trình thi công công trình.
Đồng thời, phía người dân cũng cam kết sẽ không tiếp tục gây rối, mất trật tự an ninh tại địa phương làm ảnh hưởng đến quá trình thi công của dự án sau khi đã có phương án hỗ trợ, đền bù cho các hộ theo thỏa thuận.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân sự việc mới giải quyết triệt để được vấn đề, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.
Theo quy định của pháp luật, hành vi xâm phạm trái pháp luật đến sức khỏe của người khác, cố ý gây ra thương tích cho người khác là hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm có thể sẽ bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả nạn nhân bị thương tích từ 11 % trở lên hoặc dưới 11 % nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm k, khoản 1, Điều 134 Bộ luật hình sự, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự.
Theo ông Cường, diễn biến sự việc qua clip cho thấy một nhóm người dùng gậy và gạch đá ném vào nhau. Những người này hoàn toàn có thể nhận thức được rằng hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công nhau hoàn toàn có thể gây ra thương tích nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi nên những hành vi này có thể được xác định là hành vi cố ý gây thương tích.
Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ trong cuộc ẩu đả này có người nào thực hiện hành vi có tính chất là tự vệ, phòng vệ chính đáng hay không.
Trường hợp hai bên đều có mục đích gây thương tích cho nhau bằng cách vụt gậy, ném đá vào người nhau, đây là những hành vi vi phạm pháp luật.
Những người tham gia đánh nhau nơi công cộng đều bị xem xét xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng. Người nào gây thương tích cho người khác có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích nếu hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự.
Những người không bị xử lý về tội cố ý thương tích nhưng có tham gia đánh nhau, gây mất an ninh trật tự có thể bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng... Với những người có mặt trên hiện trường nhưng không tham gia đánh nhau mà có những hành vi can ngăn, những người này là những người làm chứng, họ không bị xử lý bằng các chế tài của pháp luật.
Cơ quan điều tra cần xác minh làm rõ để phân loại vai trò, trách nhiệm, hành vi của từng người. Về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý, người nào sai phạm đến đâu phải xử lý đến đó, nếu đến mức có thể truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ xem xét xử lý hình sự.
Ngoài ra, cần làm rõ những người lạ mặt xuất hiện trong vụ xô xát này có phải là người của công ty hay không, những hung khí mà những người này sử dụng lấy từ đâu, có sự chuẩn bị từ trước hay không, mục đích của những người này có mặt ở đây để làm gì.
Nếu trường hợp có căn cứ cho thấy có người đã thuê, mướn những người này đến gây thương tích cho những người dân thì những người thuê, mướn sẽ bị xử lý hình sự với vai trò chủ mưu, kể cả trường hợp những người đó không có mặt trên hiện trường.
"Đây là vụ việc có nguy cơ gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, xâm phạm đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của công dân. Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần phải giải quyết kịp thời, triệt để, đúng pháp luật mới đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trên địa bàn" – Tiến sĩ Cường nêu quan điểm.