"Hai năm qua, phòng trọ để không 2-3 tháng không có người hỏi thuê vì dịch Covid-19 học sinh không đi học, người đi làm hạn chế khiến nhiều dự tính của gia đình tôi bị đổ bề", đó là chia sẻ của chị Ngọc, chủ hệ thống phòng trọ ở Mỹ Đình than thở với phóng viên Dân Việt.
Năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 ảnh hưởng nặng nề chưa từng thấy và kéo dài đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của cuộc sống và khiến cuộc sống của nhiều gia đình đảo lộn.
"Đầu tháng 4/2021, gia đình tôi xây dựng lại hệ thống hơn 30 phòng trọ kết hợp 20 phòng cũ với mong muốn sẽ có nhiều lựa chọn cho khách hàng từ sinh viên, công nhân và những người có điều kiện kinh tế tốt đều có thể đáp ứng.
Tuy nhiên, vừa làm được khoảng 2 tháng thì dịch bùng phát và giãn cách xã hội luôn 2 tháng khiến công trình phải dừng hoạt đồng. Sau giãn cách, công nhân trở lại thành phố ít hơn, giá cả vật liệu leo thang khiến nhà thôi bị đội chi phí lên rất nhiều. Đến cuối năm xây xong, người thuê vẫn chưa có khi sinh viên chưa trở lại Hà Nội, công nhân đi làm lại ít, càng nghĩ càng thấy xót ruột", chị Ngọc lắc đầu thở dài.
Trải qua thời gian giãn cách xã hội sau 2 tháng, người dân, công nhân, sinh viên đều chưa ồ ạt quay trở lại các thành phố lớn để học tập và làm việc. Đặc biệt, sinh viên vẫn học trực tuyến đến Tết Nguyên đán nên số nhiều chủ trọ bất lực nhìn phòng trống mà chẳng thể làm gì.
"Sinh viên là nguồn khách chính gia đình tôi, nhưng nhiều phòng về quê từ đợt trước giãn cách (tháng 7/2021) để lại đồ đạc và đến Tết vẫn không quay lại. Trong khi đó, tiền phòng thì sinh viên đóng tháng 1 cũng chẳng gọi điện bảo giữ phòng. Sau 2 tháng, mở phòng để cho thuê lại chịu mất trắng tiền trước đó, nhưng mấy tháng chẳng ai thuê, nhiều phòng trống đến Tết luôn", ông Huyên - Xuân đỉnh, Bắc từ Liêm, Hà Nội chia sẻ.
Không chỉ chủ trọ bất lực nhìn tài sản của mình bỏ không nhiều tháng trời, đọng vốn xây dựng mà ngay cả môi giới bất động sản cho thuê cũng ngao ngán vì dịch. Lượng khách hàng giảm, phân khúc bình dân không làm mà phân khúc cao cấp kén khách.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, anh Phúc Thành, môi giới bất động sản nhà thuê cho biết: "Khách hàng của tôi chủ yếu là những người đi làm, hộ gia đình nên thuê nhà cả nhà hoặc ở phân khúc tầm trung khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, dịch bệnh nên từ cuối năm ngoái lượng khách giảm đi rõ rệt, giá giảm mà vẫn không có khách. Tôi thuê lại cả nhà rồi cho thuê lại từng phòng, phòng khoảng 3 triệu đồng thì túc tắc vẫn có khách chứ trên 5 triệu/tháng bỏ trống rất nhiều nên mấy tháng cuối năm toàn phải bù lỗ".
Khác với phân khúc nhà thuê giá rẻ dành cho sinh viên khoảng dưới 2 triệu đồng/tháng, phân khúc nhà cho thuê tầm trung gặp nhiều khó khăn bởi người dân "thắt lưng, buộc bụng" khiến cả chủ trọ cũng như môi giới lao đao tìm khách lấp phòng trống nhưng vẫn phải bù lỗ.
Mặc dù dịch bệnh hiện nay vẫn diễn biến phức tạp với số ca mắc Covid-19 liên tục lập kỷ lục ở Hà Nội. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, trạng thái bình thường mới được thiết lập nên thị trường nhà cho thuê đã có dấu hiệu phục hồi.
Theo chị Ngọc, nhiều trường đại học xung quanh khu vực Mỹ Đình như đại học Thương mại, đại học Quốc gia Hà Nội, đại học Công nghiệp bắt đầu cho học sinh quay trở lại trường học. Do đó, những phòng trống từ năm ngoái gần như đã được lấp đầy.
Khi được hỏi về giá thuê phòng trọ có tăng do giá xăng và để bù lại tình trạng thất thu của năm ngoái, chị Ngọc không ngần ngại cho biết, giá có tăng nhẹ từ sau Tết. Đặc biệt, khi giá xăng liên tục tăng, các mặt hàng đều tăng giá theo nên chị cũng bắt buộc phải tăng giá phòng trọ.
Những phòng giá rẻ tăng 150 nghìn đồng/tháng, phòng trên 3 triệu đồng tăng 300 nghìn đồng/tháng (tăng thêm 10%). Đáng nói hơn, ngoài tăng tiền phòng, tiền điện được tính theo giá kinh doanh và đã tăng 1.000 đồng/số, nước tăng từ 28.000 đồng/khối lên 40.000 đồng/khối.
Trong khi đó, chú Huyên cho biết, từ lúc xăng tăng đến nay, các nhà có phòng cho thuê ở khu vực Xuân Đỉnh này đều đã tăng giá. Tuy nhiên, nhà chú Huyên chỉ tăng những phòng có giá cho thuê trên 3 triệu đồng với mức tăng 200 nghìn đồng/phòng. Còn với những phòng khoảng 2 - 2,5 triệu đồng vẫn giữ giá chỉ điều chỉnh giá dịch vụ như điện, nước, thang máy hay vệ sinh chung. Nguyên nhân là bởi hầu hết những phòng này đều là sinh viên thuê nên rất khó tăng giá vì họ căn nhắc từng đồng một.
Theo khảo sát của phóng viên, giá thuê nhà, phòng trọ ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) cũng có biến động nhẹ so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Hiện nay, công nhân các nhà máy thuộc khu công nghiệp này đã trở lại công việc nên lượng phòng trống gần như đã không còn.
Cô Hằng, chủ dãy nhà trọ cho công nhân thuê ở xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội cho biết: "Sau đợt dịch năm ngoái, một phần công nhận đã về quê, số lượng còn lại vẫn làm việc nhưng hầu hết ăn ở tại nhà máy do họ là F0 hoặc F1. Nhiều người ở nhà máy cả tháng nên thanh toán tiền phòng cho tôi và bảo dọn phòng hộ họ rồi cho thuê. Tuy nhiên, rất nhiều phòng trống đến Tết vẫn không cho thuê được vì không có khách hỏi.
Sau Tết, công nhân đã quay trở lại làm việc và phòng đã cho thuê gần hết. Giá phòng trọ ở đây ở mức rẻ vì dành cho công nhân, trung bình khoảng 1 - 1,2 triệu đồng/tháng, giờ chỉ dám tăng thêm khoảng 100 nghìn đồng với những phòng chưa cho thuê, chứ phòng cũ vẫn phải giữ giá, có chăng chỉ thêm điện, nước và phí sinh hoạt thôi".
"Nếu thời điểm cuối năm ngoái, tháng có khi chả chốt được phòng nào thì bây giờ người dân đi làm quay trở lại nên tính đến thời điểm này tháng 3, tôi đã cho thuê được 5 phòng và hiện vẫn còn khoảng 3 phòng nữa chưa có khách.
Tuy nhiên, trong hội môi giới nhà cho thuê, nhiều người đã rục rịch tăng giá trong khoảng 1 tuần vừa qua vì giá xăng. Trung bình mỗi phòng cho thuê giá 5 triệu đồng sẽ tăng khoảng 400 nghìn đồng/tháng, nếu cho thuê cả nhà giá sẽ tăng 500 nghìn đồng/tháng. Khách hàng ký hợp đồng trên 2 năm tôi sẽ không tăng giá vì họ đặt cọc số tiền cũng khá lớn rồi. Trong khi đó, giá dịch vụ như điện, nước, tháng máy sẽ điều chỉnh linh hoạt theo giá cả thị trường, cái nhà thì tôi không quyết định được", anh Thành khẳng định.
Giá xăng tăng không chỉ ảnh hưởng đến những mặt hàng thiết yếu mà tác động đến nhiều mặt của cuộc sống. Những tưởng phòng trọ là loại hình kinh doanh ổn định về giá nhất, nhưng thời điểm này cũng không nằm ngoài xu hướng tăng giá chung của thị trường. Nhìn chung, có thể thấy giá xăng tăng nhiều mặt hàng ngay lập tức tăng theo, nhưng giá xăng giảm thì khó để những mặt hàng ăn theo giảm.
Theo một số chuyên gia trong ngành, thị trường bất động sản cho thuê sẽ được phục hồi và tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2022. Đặc biệt, khi trạng thái bình thường mới đã được thiết lập, việc tăng trưởng trở lại là điều gần như chắc chắn.