Theo New York Times, mong muốn giúp đỡ Ukraine, nhưng đồng thời không chọc giận Nga, đã dẫn đến những bất đồng phức tạp và sự bối rối trong các quyết sách của chính quyền Tổng thống Biden. Theo tài liệu này, Mỹ đã đồng ý cung cấp vũ khí chống tăng hạng nhẹ cho quân đội Ukraine, nhưng từ chối cung cấp máy bay chiến đấu.
"Nhà Trắng cũng sẽ không điều máy bay của mình và máy bay NATO lên bầu trời Ukraine, vì các quan chức ở Washington lo ngại rằng điều này sẽ kích động hỏa hoạn trên toàn cầu", nhà báo lưu ý.
Theo quan điểm của tác giả, một chiến lược cân bằng mong manh hiện đang lan rộng khắp mọi khía cạnh của nền chính trị Mỹ.
Cũng theo New York Times, chính quyền Tổng thống Mỹ đang cố gắng duy trì sự cân bằng khi áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, cung cấp vũ khí cho Ukraine hoặc cung cấp thông tin tình báo cho nước này.
Theo bài báo, ông Biden sẽ không muốn xảy ra một cuộc xung đột quy mô lớn với một đối thủ có vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, ông không muốn cắt bỏ những cách tiềm năng để giảm leo thang tình hình ở Đông Âu.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield phát biểu trong cuộc phỏng vấn với CNN, được phát sóng ngày 20/3 cho biết, Mỹ không muốn leo thang ở Ukraine và do đó không có ý định gửi quân đội của mình đến quốc gia này.
"Tổng thống Mỹ đã nói rất rõ ràng chúng tôi sẽ không triển khai quân Mỹ trên bộ ở Ukraine. Chúng tôi không muốn leo thang, đưa điều này thành một cuộc chiến. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ hỗ trợ các đồng minh NATO", đại diện thường trực Mỹ cho biết khi trả lời câu hỏi về ý tưởng sứ mệnh gìn giữ hòa bình của NATO ở Ukraine.
Trong khi đó, bình luận về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, Đại tá Mỹ về hưu Douglas McGregor cho rằng gần đây câu chuyện về lệnh ngừng bắn đã trở nên thường xuyên hơn, thậm chí bản thân Ngoại trưởng Antony Blinken cũng nói về thỏa thuận khả thi giữa Moscơ và Kiev. Đồng thời, Đại tá McGregor lưu ý rằng các thỏa thuận phải mang ý nghĩa là Mỹ sẽ ngừng sử dụng Ukraine "như tàu chiến chống Nga".