Chiến sự Nga - Ukraine là một sự kiện khủng khiếp gây ra thiệt hại lớn về người và kinh tế cho cả hai quốc gia. Tuy nhiên, những bi kịch của xung đột khu vực này cũng sẽ vang dội trên toàn cầu, gây ra nhiều thiệt hại hơn không chỉ gồm hậu quả của các cuộc đấu tranh bạo lực và khốn khổ mà chúng ta thấy trên truyền hình và internet. Những gợn sóng này sẽ bao gồm sự thiếu hụt, gián đoạn chuỗi cung ứng, giá cả cao hơn, tăng trưởng chậm hơn, ảnh hưởng đến việc làm và thậm chí có thể là suy thoái toàn cầu. Và dĩ nhiên trong câu chuyện nóng bỏng này, kinh tế Châu Âu cũng không được miễn trừ khỏi những cú sốc này.
Trong tháng đầu tiên khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, tình trạng lạm phát trên toàn Liên minh châu Âu đã đạt mức cao kỷ lục tới 6,2%, phần lớn là do chi phí năng lượng tăng cao, cơ quan thống kê Eurostat của EU nhận định. Và EU hy vọng lạm phát sẽ được giữ trung bình ở mức 5,1% vào cuối năm nay. Mức cao nhất xảy ra cách đây 25 năm trước là 5,6%.
"Nền kinh tế khu vực đồng euro đã phải đối mặt với một số thách thức trong những tháng qua", Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết trong một bài phát biểu nhanh, bà còn khẳng định: "Bây giờ, do chiến sự mà người châu Âu sẽ phải đối mặt với lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế chậm hơn trong ngắn hạn, và nói thêm rằng ngân hàng trung ương của 19 quốc gia khu vực đồng Euro có kế hoạch thực hiện các lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Nga".
Malta và Pháp ghi nhận tỷ lệ lạm phát thấp nhất ở mức 4,2% trong tháng 2/2022, trong khi Estonia và Séc đứng đầu 10%. Lithuania, giáp với đồng minh của Nga là Belarus đã báo cáo lạm phát 14% trong suốt tháng 2 vừa qua.
Phía EU hy vọng mức lạm phát sẽ được kiểm soát trung bình ở mức 5,1% vào cuối năm nay. Nhưng theo những dự báo "khắc nghiệt" hơn, lạm phát có thể tăng vượt 7%.
Hiện tại, đại diện Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, tình trạng lạm phát có thể quay trở lại với mức độ tác động cực đoan khốc liệt như cả khu vực từng chứng kiến trước khi giá nhiên liệu năng lượng tăng đột biến gần đây, và tác động của trận lạm phát này sẽ còn kéo dài ngay cả sau khi cuộc chiến sự Nga- Ukraine qua đi.
Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, châu Âu phải đối mặt với lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế chậm hơn trong bối cảnh Nga tham chiến ở Ukraine. Vấn đề này có trong bài phát biểu của bà tại hội nghị The ECB và Its Watchers XXII tổ chức tại Frankfurt, Đức hôm 17/3, bà nói rằng: "Chúng tôi nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn do chiến sự gây ra và sự không chắc chắn mà nó đang tạo ra theo mọi hướng cho khu vực này".
"Vì lý do này, tất cả các quyết định chính sách tiền tệ của chúng tôi trong những tháng tới nhất thiết phải được điều chỉnh cập nhật liên tục và phải thông báo nhanh chóng, bởi nền kinh tế suy thoái từ cuộc chiến sự có tác động rất lớn vào dữ liệu khi xây dựng chính sách tiền tệ cho cả một châu lục", bà nói thêm.
Hiện tại, các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga sẽ làm suy yếu trung gian tài chính và thương mại, chắc chắn nó sẽ gây ra một cuộc suy thoái sâu sắc ở đó. Sự giảm giá của đồng rúp đang thúc đẩy lạm phát, nó sẽ tiếp tục làm giảm mức sống của người dân Nga. Nhưng năng lượng là kênh lan tỏa chính của châu Âu vì Nga là nguồn nhập khẩu khí đốt tự nhiên quan trọng.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng rộng hơn cũng có thể là do hậu quả. Những tác động này sẽ thúc đẩy lạm phát và làm chậm quá trình phục hồi của Châu Âu sau đại dịch. Đông Âu sẽ chứng kiến chi phí tài chính tăng cao và gia tăng người tị nạn. Dữ liệu của Liên hợp quốc cho thấy, khu vực này đã hấp thụ phần lớn trong số 3 triệu người vừa chạy trốn khỏi Ukraine. Trong khi đó, các chính phủ châu Âu cũng có thể phải đối mặt với áp lực tài khóa từ việc chi tiêu bổ sung cho ngân sách an ninh năng lượng và quốc phòng.
Lagarde cũng lưu ý rằng, nền kinh tế khu vực đồng euro đã phải đối mặt với một số thách thức trong những tháng qua, chẳng hạn như sự phục hồi kinh tế sau đại dịch, chi phí năng lượng cao hơn , hạn chế từ phía nguồn cung và áp lực giá cả.
Bà nói: "Chúng tôi không còn động lực tức thời, toàn diện nào để kiểm soát tình trạng lạm phát tại Châu Âu theo như những gì chúng tôi vạch ra ở trước thời kỳ đại dịch, mà cộng thêm cuộc chiến sự Nga-Ukraine lần này nữa, do đó, chúng tôi đã bắt đầu điều chỉnh chính sách để khi các điều kiện cần thiết được thỏa mãn, chúng tôi có thể thực hiện thêm các bước hướng tới bình thường hóa chính sách, đảm bảo tính ổn định cao nhất có thể có cho khu vực trong mọi kịch bản tình huống có thể xảy ra".
Đồng thời, bà cũng lưu ý rằng, năng lượng và thực phẩm chiếm khoảng 2/3 lạm phát kể từ tháng 6 năm ngoái, do phía cung không bắt kịp nhu cầu sau khi nền kinh tế toàn cầu mở cửa trở lại. Trong khi đó, theo bà giá năng lượng dự kiến sẽ tiếp tục cao hơn trong thời gian dài, với giá khí đốt tự nhiên tăng tới 73% và giá dầu tăng 44% kể từ đầu năm 2022.
Bà giải thích: "Áp lực lạm phát lương thực có khả năng gia tăng. Nga và Ukraine chiếm gần 30% tổng lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu và giá lúa mì đã tăng hơn 30% kể từ đầu năm nay; Belarus và Nga cũng sản xuất khoảng một phần ba lượng kali trên thế giới, một thành phần quan trọng, cùng với khí đốt tự nhiên để sản xuất phân bón vốn đã thiếu hụt".
Trước đó, vào ngày 10/3, Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết rằng, họ sẽ sớm rút lui khỏi các nỗ lực kích thích kinh tế trước tình trạng lạm phát kỷ lục có nguy cơ tăng cao hơn bao giờ hết, khi giá năng lượng tăng cao trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Ở một góc độ nào đó, động thái này là một lựa chọn khó khăn vì cuộc chiến sự cũng khiến châu Âu phải chịu một tác động tiềm tàng đối với kịch bản tăng trưởng kinh tế của chính mình. Christine Lagarde cho biết ngân hàng đang giữ cho các lựa chọn của mình ở dạng mở và có thể sửa đổi các "lối ra kích thích" tùy thuộc vào những gì xảy ra với nền kinh tế Châu Âu. Điều đó thật khó để trả lời ngay bây giờ vì sự không chắc chắn lớn về tác động của cuộc chiến sự.
Bà nói: "Triển vọng cho nền kinh tế Châu Âu sẽ phụ thuộc vào diễn biến của cuộc chiến sự Nga-Ukraine, cũng như tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế, tài chính và các biện pháp khác".
Hiện tại, Hội đồng quản trị 25 thành viên của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) do Lagarde đứng đầu đã quyết định kết thúc việc mua trái phiếu trong quý III năm nay. Trước đó, họ cho biết họ sẽ giảm số tiền này xuống còn 20 tỷ euro (22 tỷ đô la) mỗi tháng vào ba tháng cuối năm và sẽ tiếp tục triển khai chính sách này về lâu dài nếu đó là cần thiết.
Nhưng ngân hàng đã không dời lịch trình tăng lãi suất đầu tiên, đồng thời đưa ra lời hứa rằng, lãi suất sẽ tăng ngay sau khi kết thúc việc mua trái phiếu. Họ chỉ nói rằng những thay đổi về tỷ giá lãi suất sẽ diễn ra "một thời gian sau khi" kết thúc giao dịch mua trái phiếu và nó "sẽ diễn ra dần dần".
Trong một cuộc họp báo, Lagarde đã từ chối về việc liệu có thể tăng lãi suất trong năm nay hay không. Sau khi kết thúc giao dịch mua trái phiếu, "có thể là tuần sau và có thể là vài tháng sau", bà nói, tùy thuộc vào lạm phát và tăng trưởng.
Andrew Kenningham, nhà kinh tế trưởng về châu Âu tại Capital Economics cho biết: "ECB đã báo hiệu rằng, họ lo ngại về sự gia tăng mạnh của lạm phát hơn là cú sốc tiêu cực đối với nhu cầu gây ra từ cuộc chiến ở Ukraine".
Người ta đã giả định rằng, giá dầu và khí đốt cao và đại dịch làm tắc nghẽn nguồn cung chỉ là tạm thời. Nhưng phương trình đó đang thay đổi khi lạm phát dường như vừa tồi tệ hơn vừa kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu. Lo ngại về việc cắt giảm dầu khí đã khiến giá năng lượng vốn đã cao thậm chí còn cao hơn, dẫn đến những dự đoán rằng, lạm phát chỉ có thể tăng cao hơn trong ngắn hạn.
Mặt khác, tăng trưởng kinh tế có nguy cơ gặp rủi ro trong khu vực đồng tiền chung Euro, do châu Âu phải hứng chịu nhiều hơn với cuộc chiến trên lục địa và phụ thuộc nhiều hơn vào dầu khí của Nga so với Mỹ và Trung Quốc.
Các cú sốc thị trường hàng hóa hoặc chiến sự mở rộng có thể thúc đẩy một viễn cảnh ngày tận thế cho nền kinh tế toàn cầu. Thiệt hại nghiêm trọng đối với cơ sở hạ tầng của Ukraine và các lệnh trừng phạt mở rộng đối với Nga đối với hàng hóa xuất khẩu có thể khiến giá thực phẩm, năng lượng và kim loại trên thế giới tăng vọt. Nếu các nền kinh tế khác không thể bước vào để lấp đầy khoảng trống, thì tình trạng thiếu hụt và vòng xoáy lạm phát này có thể làm sụp đổ nền kinh tế toàn cầu và Hoa Kỳ.
Tương tự như vậy, xung đột mở rộng bao gồm cả NATO cũng có thể gây ra suy thoái toàn cầu, khi lao động và tài nguyên được tái sử dụng cho nỗ lực chiến tranh thay vì hướng tới các hoạt động nâng cao GDP như đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục hoặc năng lượng tái tạo.
Điểm mấu chốt là chừng nào chiến tranh còn âm ỉ ở Đông Âu, nó sẽ làm mờ bức tranh kinh tế toàn cầu. Trong môi trường này, các CEO và giám đốc điều hành của họ phải chống chọi với sự bất ổn liên tục và xoay trục một lần nữa để bảo vệ lợi nhuận, nhà đầu tư, tài năng và khách hàng của họ. Dù là phương án nào, từ việc tăng giá, chuyển hướng chuỗi cung ứng, tạm dừng hoạt động, thoái vốn hay thậm chí là giữ nguyên, các công ty phải có sự chu đáo, chiến lược, minh bạch và có tính an toàn cao hơn trong cách tiếp cận của mình.
Hậu quả của cuộc chiến sự của Nga với Ukraine đã gây rúng động không chỉ các quốc gia đó, mà còn cả khu vực và thế giới, đồng thời cho thấy tầm quan trọng của mạng lưới an toàn toàn cầu và các thỏa thuận khu vực nhằm hỗ trợ các nền kinh tế.
"Chúng ta đang sống trong một thế giới dễ bị sốc hơn", Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Kristalina Georgieva gần đây đã nói với các phóng viên tại một cuộc họp giao ban ở Washington. "Và chúng tôi cần sức mạnh của cả tập thể để đối phó với những cú sốc sắp xảy đến".
Ngoài tác động lan tỏa toàn cầu, các quốc gia có tiếp xúc trực tiếp với thương mại, du lịch và tài chính sẽ cảm thấy thêm áp lực. Các nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu dầu sẽ thâm hụt tài chính và thương mại lớn hơn và áp lực lạm phát nhiều hơn, mặc dù một số nhà xuất khẩu như ở Trung Đông và châu Phi có thể được hưởng lợi từ giá cao hơn.
Trong khi đó, giá lương thực và nhiên liệu tăng nhanh có thể gây ra nguy cơ bất ổn lớn hơn ở một số khu vực, từ châu Phi cận Sahara và châu Mỹ Latinh đến Caucasus và Trung Á, trong khi tình trạng mất an ninh lương thực có thể sẽ tiếp tục gia tăng ở các khu vực của châu Phi và Trung Đông.
Việc đánh giá những dư âm này là khó và về lâu dài, cuộc chiến sự Nga-Ukraine có thể làm thay đổi cơ bản trật tự kinh tế và địa chính trị toàn cầu, nếu thương mại năng lượng thay đổi, chuỗi cung ứng được cấu hình lại, mạng lưới thanh toán bị phân mảnh và các quốc gia phải xem xét lại việc nắm giữ tiền tệ dự trữ. Căng thẳng địa chính trị gia tăng càng làm tăng thêm rủi ro phân tán kinh tế, đặc biệt là đối với thương mại và công nghệ.
Huỳnh Dũng – Theo Anews/Imf/Barrons/Courthousenews