Theo đó, khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra, Berlin đã đưa ra một quyết định lịch sử khi đảo ngược chính sách không bao giờ gửi vũ khí tới các khu vực xung đột.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết chính phủ của ông sẽ gửi 1.000 vũ khí chống tăng và 500 hệ thống phòng không Stinger tới Ukraine. Ông cũng ủy quyền cho Hà Lan gửi cho Kiev 400 súng phóng lựu do Đức sản xuất và yêu cầu Estonia chuyển 9 khẩu pháo từ thời Đông Đức cho Ukraine.
Tuy nhiên, quân đội Ukraine đã nhận được rất ít nguồn cung cấp vũ khí từ Đức - chỉ bằng 1/5 số tên lửa mà nước này cam kết.
Ông Oleksiy Reznikov, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine đã nói với Paul Grob, người đứng đầu Đại hội Thế giới Ukraine (UWC) rằng, hầu hết số vũ khí mà Đức cam kết gửi cho Ukraine đều vướng "bộ máy quan liêu" và không được giao.
"Người Đức đã đưa ra một quyết định lịch sử rất quan trọng rằng họ sẽ cung cấp vũ khí và hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Khi chúng tôi gặp Bộ Ngoại giao Đức, họ liên tục nói rằng "các lô vũ khí đang đến, chúng đang đến", nhưng người Ukraine nói với chúng tôi rằng "không có gì xảy ra", ông Grob tuyên bố.
Quân đội Ukraine đã chống trả quyết liệt cuộc tiến công của Nga, thành công khiến nó bị đình trệ ở nhiều nơi.
Andrij Melnyk - Đại sứ Ukraine tại Đức nói với tờ báo General Anzeiger rằng: “Ở Berlin, các chính trị gia đều ca ngợi sự dũng cảm của người Ukraine. Điều đó khiến tôi phát điên. Những gì chúng tôi cần là ba thứ: Vũ khí, vũ khí và vũ khí!".
Trong khi đó, theo Express, Vương quốc Anh hiện là nước đóng vai trò tích cực hàng đầu trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Hiện tại, Chính phủ Anh đã chuyển giao hơn 3.600 tên lửa chống tăng cho quân đội Ukraine trên tiền tuyến. Tên lửa của Anh-Thụy Điển chỉ nặng 12,5kg và dài hơn 1m, giúp bộ binh Ukraine có thể dễ dàng sử dụng.
Chúng có tầm bắn tối đa chỉ 800 mét và đã chứng tỏ hiệu quả chết người. Chính phủ Anh dự kiến sẽ gửi hàng trăm chiếc khác với chi phí 120 triệu bảng Anh cho Ukraine.