Chỉ còn 2,5 tháng nữa các sĩ tử sẽ bước vào kỳ thi lớp 10 năm 2022 với 3 môn Toán, Ngữ Văn và Tiếng Anh. Việc bỏ môn thi thứ 4 vừa là cơ hội, vừa là thách thức khi thí sinh cần phải cố gắng đạt điểm cao ở cả 3 môn. Trong khi môn Toán và Văn được ra đề theo hình thức tự luận thì môn tiếng Anh thường được đưa ra với hình thức trắc nghiệm.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Lê Hồng Ngọc, hiện là giáo viên tiếng Anh Trường THCS Hà Nội - Thăng Long đã có một số lời khuyên cho các thí sinh trong giai đoạn ôn tập nước rút này. Cô Hồng Ngọc từng học 3 năm lớp chuyên Anh ở THPT, top 5 khối D vào Đại học Bách Khoa Hà Nội, tham gia chương trình 8 IELTS và Chứng chỉ giảng dạy Quốc tế TESOL.
Thời điểm này, các sĩ tử nên rà soát lại toàn bộ các chủ điểm ngữ pháp đã học từ năm lớp 7, mặc dù kiến thức phần nhiều sẽ nằm trong chương trình lớp 9. Việc củng cố lại từ gốc sẽ giúp thí sinh yên tâm hơn khi làm bài thi.
Những phạm trù ngữ pháp như câu bị động, câu điều kiện, liên từ là những phần có khả năng cao xuất hiện trong đề thi thì cần được rà soát lại để tránh mất điểm đáng tiếc. Bên cạnh đó, cần học thuộc các dấu hiệu phân biệt thì và các cấu trúc tương đương cho bài viết lại câu để tránh mất điểm trong các phần này.
Với sự hỗ trợ của nternet, thí sinh có thể tìm các tài liệu tổng hợp ngữ pháp, các dạng bài thi sát với đề thi thật một cách đơn giản và nhanh chóng. Tuy nhiên, hãy chú ý lựa chọn sách có bản quyền và các nguồn đáng tin cậy để tránh gặp phải các tài liệu sai kiến thức – điều nguy hiểm bậc nhất trong quá trình ôn thi.
Các bạn hãy nhớ không cần luyện đề và ôn tràn lan, mà hãy tìm những tài liệu đáng tin cậy, được đánh giá cao và tái bản nhiều lần. Trong quá trình tự ôn luyện, cần đặt thời gian để có chiến lược kiểm soát thời gian làm bài phù hợp.
Ngoài ra, thí sinh nên đăng ký tham gia các buổi thi thử được tổ chức trực tiếp ở các trường tư thục và tổ chức giáo dục có uy tín. Điều này sẽ giúp thí sinh có sự chuẩn bị tốt trước khi thi chính thức và biết được các điểm mạnh – yếu của bạn thân để ôn luyện kịp thời các phần còn chưa tốt. Lưu ý là nên chọn các trường có đề thi thử khó hơn đề thi thật nhưng vẫn theo form chuẩn để hạn chế tâm lý chủ quan của thí sinh.
Ngoài ngữ pháp, từ vựng chính là yếu tố quan trọng để phân loại thí sinh. Từ vựng cần được nạp liên tục bằng cách đọc văn bản tiếng Anh, đặt câu để biết cách sử dụng trong ngữ cảnh. Mỗi ngày nên đặt mục tiêu luyện tập bao nhiêu từ, làm các dạng bài về Điền từ vựng vào chỗ trống để ghi nhớ kỹ hơn.
Ngoài nghĩa của từ, chú ý tra từ điểm để nắm được cách phát âm IPA và trọng âm, phục vụ cho 2 dạng bài đầu tiên trọng đề là Chọn từ có phần phát âm khác và Tìm trọng âm của từ. Mở rộng từ vựng bằng cách tìm thêm từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, các câu thành ngữ (idioms) có chứa từ vựng.
Nếu có một sự chuẩn bị tốt, thí sinh sẽ giảm bớt được sự căng thẳng, nhưng không có nghĩa là hoàn toàn không lo lắng và hồi hộp. Hãy bắt đầu với các dạng bài là thế mạnh của bạn thân và chinh phục nó trước khi bắt đầu với các phần khác.
Lưu ý là với dạng đề trắc nghiệm, thí sinh cố hoàn thành hết các câu hỏi trong thời gian quy định để không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào. Hãy sử dụng phương án loại trừ với các câu hỏi khó và tự tin vào một chút may mắn của bản thân để quyết đoán đưa ra đáp án. 0.25 điểm thi có thể quyết định việc trượt hay đỗ của một thí sinh.
Ngoài các vật dụng cơ bản, với môn Tiếng Anh, đừng quên mang theo đồng hồ cá nhân và bút highlight (đánh dấu). Đồng hồ giúp thí sinh kiểm soát thời gian làm bài, trong khi đó bút highlight sẽ giúp tìm từ khoá trong bài đọc hiểu, rút ngắn thời gian tìm ra đáp án.
Luôn nhớ dành ít nhất 5 phút để soát lại các câu hỏi bằng cách tìm lỗi sai và xem lại các phương án chưa chọn đã hợp lý hay chưa. Đặc biệt với các dạng bài sắp xếp từ thành câu hoàn chỉnh hoặc Viết lại câu dựa trên từ cho sẵn, hãy chú ý tới các lỗi nhỏ trong bài thi, bởi một chữ "s" thừa hay một mạo từ (a, an, the) đặt sai có thể là những lỗi nhỏ khiến cho đáp án từ đúng thành sai. Sự cầu toàn, tỉ mỉ và chi tiết luôn cần phát huy cao độ khi làm các đề bài trắc nghiệm.