Mấy tuần nay, chủ đề được chị em quan tâm nhiều nhất là chuyện hàng hóa tăng giá, từ những thứ nhỏ như bó rau, cân đường, lạng muối cho đến bình gas, hộp sữa cho con đều đồng loạt nhích dần lên. Thu nhập chỉ gói gọn chừng đó mà chi phí hàng tháng tăng lên nên nhiều người phải tìm cách cân đối lại chi tiêu.
Tính sơ sơ với giá cả hiện tại, tiền đi chợ của mỗi gia đình đều tăng lên một đến hai triệu mỗi tháng. Chưa kể nhà nào có con nhỏ, dùng thêm bỉm sữa thì chi phí sinh hoạt sẽ tăng hơn nhiều. Trước tình hình đó, mỗi người đều tìm cách để “vượt bão giá” tùy theo hoàn cảnh của mình.
Chị Hoa (35 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ, trước đây, vợ chồng chị đi làm mỗi người mỗi xe, đến giờ trưa chị tranh thủ về nhà nghỉ ngơi rồi trở lại cơ quan. Nhưng bây giờ, chị chọn cách đem cơm đi làm ở lại buổi trưa, đến chiều chồng ghé chở về. Hai vợ chồng di chuyển cùng một cung đường, công ty chồng xa hơn chỗ làm của chị nên đi chung sẽ tiết kiệm được tiền xăng.
Chị cũng bỏ thói quen đi chợ hàng ngày ở chợ xép gần nhà. Ngày cuối tuần, chị dậy sớm đi chợ lớn ở cách nhà khoảng 3 cây số để mua đồ giá rẻ. Chịu khó đi chợ xa, một tuần một lần sẽ tiết kiệm được một khoản tiền. Chị mua luôn thực phẩm đủ dùng trong một tuần, mỗi thứ bớt được vài nghìn nhưng cộng lại sẽ giảm được một khoản chi phí đáng kể.
Các loại rau củ được sơ chế sạch sẽ, bỏ ngăn mát tủ lạnh, ăn theo thứ tự rau lá trước, củ quả sau sẽ giữ được tươi ngon như mới mua cho cả tuần. Các món ăn cũng được nấu đơn giản hơn, chủ yếu luộc, xào, kho, hạn chế các món hầm có sử dụng bếp ga.
Chị cũng tận dụng các mối quan hệ ở quê để mua được thực phẩm sạch mà giá mềm. Khi nghe tin nhà nào ở quê chuẩn bị tát ao hay thịt heo, chị đều đặt trước. Sau đó nhờ người nhà lên bằng xe buýt, chỉ khoảng 30 phút sau, thực phẩm được chuyển đến tận nhà chị vẫn đảm bảo tươi ngon.
Chị Quyên (29 tuổi, kinh doanh tại nhà) cho biết, nhà chị có hai con nhỏ nên chi phí sinh hoạt hàng tháng khá cao. Khi giá cả tăng cao, chị cũng đau đầu với khoản bỉm sữa cho các bé.
Người lớn ăn uống sao cũng được nhưng con trẻ phải đảm bảo dinh dưỡng, ngoài khẩu phần ăn hàng ngày còn mua thêm các thực phẩm bồi bổ để tăng sức đề kháng. Chị chọn cách đổi bỉm giá rẻ thay vì dùng loại hàng đắt tiền như trước đây, kết hợp giữa sữa tươi và sữa bột để giảm chi phí.
Việc mua sắm quần áo được hạn chế lại để tập trung vào việc ăn uống. Trước đây, chị có thói quen thích ăn gì là đặt ship nhưng bây giờ, chị chọn cách chế biến tại nhà để tiết kiệm tiền. Ngoài ra, chị còn tận dụng các chương trình khuyến mãi bình ổn giá ở các siêu thị để đặt hàng thực phẩm với giá rẻ.
Hải My (25 tuổi, nhân viên bán hàng điện máy) thay đổi phương tiện di chuyển hàng ngày từ xe máy sang xe đạp và xe buýt khi giá xăng tăng. My tâm sự, thay vì đi xe máy, cô chọn mua vé tháng xe buýt đi từ nhà đến chỗ làm dù phải đi bộ một đoạn đường để đỡ chi phí.
Nếu trước đây My sẽ đi ăn cơm trưa cùng bạn ở cửa hàng thì hiện tại, cô chọn cách đem cơm đi làm. Dù phải thức dậy sớm một chút nhưng nấu cơm đi làm sẽ tiết kiệm hơn và đỡ phát sinh chi tiêu. My còn hạn chế lướt các trang mua sắm hay săn hàng vào những ngày giảm giá để khỏi đặt hàng linh tinh tốn kém. Cô cũng giảm bớt số lần đi uống trà sữa, cà phê vì hàng tháng khoản tiền chi phí tăng lên.
Cô tính thời gian tới sẽ tìm bạn ở ghép chứ không thuê phòng một mình nữa vì chủ nhà thông báo sắp tăng tiền nhà trọ. My còn tham gia vào những nhóm “mua chung” trên mạng để được nhận ưu đãi giá rẻ.
Tuy nhiên, My cho rằng, những giải pháp đó chỉ tạm thời trong lúc “bão giá”, về lâu dài, cô muốn tìm việc làm thêm để gia tăng thu nhập chứ không thể loay hoay tìm cách cắt giảm chi phí sinh hoạt.