Dân Việt

Hoàng đế Lê Ngọa Triều là ai và có thật xấu xa như trong sử sách?

MA 22/03/2022 20:30 GMT+7
Trong tâm trí người Việt Nam, Lê Long Đĩnh (hay Lê Ngọa Triều) là ông vua xấu xa đồi bại nhất trong lịch sử dân tộc. Có phải như vậy không?

Ông vua bị “đóng đinh” trong lịch sử

Học giả Trần Trọng Kim đã đúc kết toàn bộ sự nghiệp của ông vua cuối cùng nhà tiền Lê - Lê Long Đĩnh (Lê Ngọa Triều) bằng một đoạn sau đây trong Việt Nam sử lược: "Long Đĩnh là người bạo - ngược, tính hay chém giết, ác bằng Kiệt, Trụ ngày xưa.

Khi đã giết anh rồi, lên làm vua thường cứ lấy sự giết người làm trò chơi: có khi những tù phạm phải hình, thì bắt lấy rơm tẩm dầu quấn vào người rồi đốt sống; có khi bắt tù trèo lên cây rồi ở dưới sai người chặt gốc cho cây đổ; có khi bỏ người vào sọt rồi đem thả xuống sông.

Hoàng đế Lê Ngọa Triều là ai và có thật xấu xa như trong sử sách? - Ảnh 1.

Hình ảnh hoàng đế Lê Long Đĩnh dóc mía trên đầu nhà sư.

Làm những điều ác như thế thì lấy làm thích chí. Một hôm lấy mía để lên đầu nhà sư mà róc vỏ, rồi thỉnh - thoảng giả tảng nhỡ tay bổ dao vào đầu sư chảy máu ra, trông thấy thế làm vui cười. Còn khi ra buổi chầu, có ai tấu sớ điều gì thì cho những thằng hề nói khôi - hài hay là nhại tiếng làm trò.

Long Đĩnh làm vua được 2 năm đổi niên -hiệu là Cảnh - thụy (1008-1009). Sang năm sau là năm Kỷ - Dậu (1009) thì mất, làm vua được 4 năm, thọ 24 tuổi.

Vì lúc sống dâm-dục quá độ, mắc bệnh không ngồi được, đến buổi chầu thì cứ nằm mà thị triều, cho nên tục gọi là Ngọa-triều".

Việt Nam sử lược là cuốn sách lịch sử Việt Nam đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ, được biên soạn rất công phu, giá trị lớn nhất của nó là hệ thống lại toàn bộ lịch sử nước nhà (cho đến thời Pháp thuộc) một cách súc tích, dễ hiểu, bởi vậy đây là cuốn sách lịch sử được phổ cập rộng lớn nhất trong thế kỷ 20. Nhiều thế hệ người Việt Nam tiếp cận một cách hệ thống lịch sử nước nhà chủ yếu thông qua cuốn sách này. Với đoạn sử phổ cập đó, Lê Long Đĩnh được "đóng đinh" trong tâm trí người Việt Nam là ông vua gian ác đồi bại nhất trong lịch sử. Tất cả các sách giáo khoa lịch sử từ đó đến nay cũng đều mô tả Lê Long Đĩnh đúng như vậy.

Nhưng đoạn viết về Lê Long Đĩnh trong Việt Nam sử lược và trong các sách giáo khoa lịch sử sau này, là lược chép lại từ Đại Việt sử ký toàn thư và một số cuốn sử cũ khác viết bằng chữ Hán. Mà Đại Việt sử ký toàn thư chép về Lê Long Đĩnh không chỉ có như vậy.

Người đầu tiên thỉnh kinh Phật về nước

Trong một lần trao đổi về lịch sử Phật giáo, một vị thiền sư nhắc rằng, Lê Long Đĩnh là ông vua đầu tiên cử người đi lấy kinh Đại Tạng cho Phật giáo, rằng sư Vạn Hạnh, thiền sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu cũng như các cao tăng khác thời đó đều được Lê Long Đĩnh rất trọng vọng... Nghe quá lạ so với những gì mà mình được học và vì thế chúng ta cần lật giở những trang sử có liên quan đến Lê Long Đĩnh.

Trong Việt Nam Phật giáo sử lược (in lần đầu năm 1943), thiền sư Thích Mật Thể viết: "Niên hiệu Ứng Thiên thứ 14 (1008), sau khi nước ta đã hòa với Tống rồi, vua Đại Hành sắc ông Minh Xưởng và ông Hoàng Thành Nhã sang sứ nước Trung Hoa, cống hiến đồ thô sản và xin vua Tống ban cho bộ "Cửu kinh" và "Đại Tạng kinh". Vua Tống trao cho những bộ ấy và cho sứ giả đưa về. Đó là lần đầu tiên nước ta cho người sang cầu kinh bên Trung Hoa vậy".

Do nhầm lẫn hoặc cũng có thể do ghét Lê Long Đĩnh, thiền sư Thích Mật Thể đã viết đoạn này không đúng, vì Lê Đại Hành mất năm 1005. Lê Long Đĩnh làm vua từ năm 1006 và đến năm 1008 vẫn giữ niên hiệu Ứng Thiên của vua cha. Đại Việt sử ký toàn thư chép như sau: "Đinh Mùi/Ứng Thiên/năm thứ 14 [1007], (Vua vẫn dùng niên hiệu Ứng Thiên; Tống Cảnh Đức năm thứ 4). Mùa xuân, (vua Lê Long Đĩnh) sai em là Minh Xưởng và Chưởng thư ký là Hoàng Thành Nhã dâng tê ngưu trắng cho nhà Tống, xin kinh Đại Tạng". Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục cũng chép: "Đinh Mùi, năm thứ 14 (1007)...  Nhà vua (Lê Long Đĩnh) sai Minh Xưởng và chưởng thư ký là Hoàng Thành Nhã đem con tê trắng sang biếu nhà Tống, dâng biểu xin cửu kinh và kinh sách Đại Tạng. Nhà Tống ưng thuận cho cả". Như vậy "lần đầu tiên nước ta cho người sang cầu kinh bên Trung Hoa" chính là do vua Lê Long Đĩnh.

"Cửu kinh" gồm Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu, Hiếu Kinh, Luận Ngữ, Mạnh Tử và Chu Lễ là 9 bộ sách vĩ đại nền tảng của văn minh Trung Hoa lần đầu tiên "nhập" vào nước ta là do Lê Long Đĩnh lấy về. Còn kinh Đại Tạng là gì? Đó là Đại Tạng Kinh chữ Hán - bảo vật vô giá của Phật giáo và của văn hóa thế giới. Bộ sách đó, theo lịch sử Phật giáo, là một bộ sách vĩ đại được rất nhiều thế hệ các cao tăng Trung Hoa vượt qua biết bao gian truân khổ ải dày công thu thập, sưu tầm và dịch thuật suốt 1.000 năm, từ thế kỷ thứ nhất đến cuối thế kỷ thứ 10 (đời Tống Thái Tổ) mới in thành sách lần đầu tiên gồm 5.000 quyển (riêng việc khắc bản phải mất 12 năm). Bộ sách đó không chỉ là tổng vựng các kinh sách Phật giáo mà còn hàm chứa rất nhiều lĩnh vực triết học, lịch sử, văn học, nghệ thuật, thiên văn, toán học, y dược... Một ông vua lần đầu tiên biết đem những di sản vĩ đại như vậy về nước để xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc, liệu có thể gọi là hôn quân? Và một ông vua đã trực tiếp sai em mình đi xin kinh sách về cho Phật giáo, ông vua đó có thể nào "lấy mía để trên đầu nhà sư mà róc"?

“Tư duy kinh tế”

Lê Long Đĩnh là ông vua biết chỉnh đốn triều chính. Một năm sau khi lên ngôi ông đã "Sửa đổi quan chế và triều phục của các quan văn võ và tăng đạo, theo đúng như nhà Tống" (theo Đại Việt sử ký toàn thư). Nhưng không chỉ có vậy. Đại Việt sử ký toàn thư còn chép: "Kỷ Dậu, /Cảnh Thụy/ năm thứ 2 (1009)... Vua (Lê Long Đĩnh) lại xin được đặt người coi việc tại chợ trao đổi hàng hóa ở Ung Châu, nhưng vua Tống chỉ cho mua bán ở chợ trao đổi hàng hóa tại Liêm Châu và trấn Như Hồng thôi". Thế kỷ thứ 11, không chỉ nước ta mà hầu khắp thế giới, kinh tế đều tự cấp tự túc. Phải có một "tư duy kinh tế" vượt xa thời đại mới biết "xin đặt người coi việc tại chợ trao đổi hàng hóa ở Ung Châu", tức là sâu trong nội địa Trung Quốc, việc đó giống như việc đặt Văn phòng đại diện thương mại ở nước ngoài bây giờ. "Tư duy kinh tế" đó mãi mấy trăm năm sau mới được biết đến ở phương Tây. Một hôn quân có nghĩ ra được điều này không?

Đại Việt sử ký toàn thư chép tiếp: "(1009)... Vua đi Ái Châu, đến sông Vũ Lung. Tục truyền người lội qua sông này phần nhiều bị hại, nhân thế vua sai người bơi lội qua lại đến ba lần, không hề gì. Xuống chiếu đóng thuyền để ở các bến sông Vũ Lung, Bạt Cừ, Động Lung bốn chỗ để chở người qua lại".  Cũng trong năm 1009: "Bọn Ngô đô đốc, Kiểu hành hiến dâng biểu xin đào kênh, đắp đường và dựng cột bia ở Ái Châu. Vua xuống chiếu cho lấy quân và dân ở châu ấy đào đắp từ cửa quan Chi Long qua Đỉnh Sơn đến sông Vũ Lung" (sách đã dẫn). "... Đến Hoàn Giang, sai Phòng át sứ là Hồ Thủ Ích đem hơn 5 nghìn quân của châu Hoan Đường, sửa chữa đường từ sông Châu Giáp đến cửa biển Nam Giới để quân đi cho tiện" (sách đã dẫn).

Rõ ràng chỉ mấy tháng trước khi chết (Lê Long Đĩnh chết vào tháng 10 năm đó), Lê Long Đĩnh còn chăm lo việc đào kênh, mở mang đường sá và đến tận nơi xem xét rồi xuống chiếu đóng thuyền bè đi lại cho dân. Một ông vua suốt ngày ham mê tửu sắc không đi lại được đến mức phải "ngọa triều", ông vua đó có thể làm được những chuyện có ý nghĩa như vậy không?

Không ngồi được sao 6 lần cầm quân đánh giặc?

Ngoài những chuyện lớn nói trên, Lê Long Đĩnh còn nhiều lần cầm quân dẹp giặc. Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư, ngay trong năm đầu tiên làm vua: "Ngự Bắc Vương cùng Trung Quốc Vương chiếm trại Phù Lan làm phản. Vua thân đi đánh". Tiếp đó: "... đem quân đánh Ngự Man Vương ở Phong Châu. Ngự Man Vương phải chịu hàng... Từ đấy về sau các vương và giặc cướp đều hàng phục cả" (sách đã dẫn).  Và giữa lúc đánh trại Phù Lan "chợt thấy trạm báo tin là giặc Cử Long vào cướp đã đến cửa biển Thần Đầu (nay là cửa biển Thần Phù). Vua về đến sông Tham đi sang Ái Châu để đánh giặc Cử Long" (sách đã dẫn).

Năm đó Lê Long Đĩnh 3 lần thân chinh dẹp loạn. Năm 1008 "Vua thân đi đánh hai châu Đô Lương, Vị Long" (sách đã dẫn). Tiếp đó "lại tự làm tướng đi đánh Hoan Châu và châu Thiên Liễu" (sách đã dẫn). Và tháng 7 cùng năm "vua thân đi đánh các châu Hoan Đường, Thạch Hà" (sách đã dẫn). Như vậy là chỉ trong 4 năm làm vua, Lê Long Đĩnh đã 6 lần trực tiếp làm tướng cầm quân ra trận, lần cuối cùng chỉ cách 2 tháng trước khi ông mất. Cầm quân đánh giặc liên miên như vậy phải là một người cường tráng, người "dâm dục quá độ, mắc bệnh không ngồi được" sao có thể làm nổi ?

Sự thật hay lời đồn?

Về chuyện Lê Long Đĩnh giết anh để lên làm vua cũng cần xem xét. "Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Sách Dã sử chép rằng: Đại Hành băng, Trung Tông vâng di chiếu nối ngôi. Long Đĩnh làm loạn, Trung Tông vì anh em cùng mẹ không nỡ giết, tha cho. Sau Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông." (sách đã dẫn). Chúng ta thấy gì trong đoạn này? Thứ nhất, chuyện này Đại Việt sử ký toàn thư chép lại từ "Dã sử". Dã sử có thể tin được nếu có căn cứ để đối chiếu hoặc nó hợp logic, nếu không nó chỉ có giá trị như một lời đồn. Thứ hai, đã là dã sử mà còn nói "Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông". Quy cho người khác tội chủ mưu giết người thì phải có chứng cứ. Ai làm chứng và tài liệu nào chứng minh việc Lê Long Đĩnh "sai bọn trộm cướp"? Chắc chắn là không có ai cả và không có bất cứ tài liệu nào. Một lời đồn đã là không có cơ sở, một lời đồn nói về một việc không thể có chứng cứ càng không có cơ sở.

Vả lại, theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục: “Khi vua Long Việt bị giết, bầy tôi đều chạy trốn cả, chỉ có Điện tiền quân Lý Công Uẩn ôm thây vua mà khóc. Long Đĩnh cho là trung nghĩa cất lên làm chức Tứ sương quân phó chỉ huy sứ”. Giết vua, giết anh là bất trung bất nghĩa. Kẻ bất trung bất nghĩa khó mà trọng dụng được người trung nghĩa. Vì vậy việc Lê Long Đĩnh giết anh chỉ nên coi cùng lắm là một "nghi án" mà thôi, không nên đem ra làm một sự thật dạy cho học trò. Cũng như cái chết của Lê Long Đĩnh, Ngô Thì Sĩ chép trong Đại Việt sử ký tiền biên như sau: "Lý Thái Tổ rất căm phẫn trước tội ác giết anh cướp ngôi của Khai Minh Vương (tức Lê Long Đĩnh), nhân lúc Khai Minh Vương bệnh tật, sai người vào đầu độc giết đi rồi giấu kín việc đó, nên sử không được chép". Lời đó của Ngô Thì Sĩ chúng ta chưa bao giờ coi là sự thật cả, sao lại coi việc Lê Long Đĩnh giết anh là sự thật?