Vì sao hoàng đế nhà Tống sợ trái ý vua Lê Ngọa Triều?

Anh Tú Chủ nhật, ngày 20/03/2022 20:31 PM (GMT+7)
Đại Việt sử ký toàn thư chép: (Vua Long Đĩnh) sai sứ đem biếu nhà Tống con tê ngưu thuần. Vua Tống cho rằng tê ngưu từ xa đến, không hợp thủy thổ muốn trả lại, nhưng sợ trái ý vua, sai đợi cho sứ nước ta về rồi thả ra biển. Vua lại xin áo giáo mũ trụ giát vàng, vua Tống bằng lòng cho.
Bình luận 0

Nhắc đến vua Ngọa Triều (từ giờ gọi là Long Đĩnh cho hợp phép ghi sử) nhà Tiền Lê thì chúng ta thường liên tưởng đến một vị hôn quân với những chuyện hoang dâm bạo ngược. Nhưng điều này không hẳn đã đúng vì sử sách mô tả ông do các sử gia nhà Lý viết thì không khách quan còn về sau này thì lại không có tư liệu để khắc họa chính xác một đấng quân vương trong lịch sử.

Vì sao hoàng đế nhà Tống sợ trái ý vua Lê Ngọa Triều? - Ảnh 1.

Những việc như kiểu vua hành hạ tù binh bằng cách nhốt trong cũi cho thủy triều dâng lên thì chết đuối (khá giống cách tử hình của IS bây giờ) hay cho thuồng luồng ăn thị, bắt (tù nhân) treo lên cây cao rồi sai người ở dưới chặt cây, rồi chuyện, nhà vua đặt mía trên đầu bậc tu hành là đức Tăng thống Quách Mão mà róc, rồi giả vờ sút tay dao phập vào đầu Quách Mão chảy máu ra, vua cười rầm lên.... mà Việt Nam sử lược dẫn đều cần phải bàn lại trong dịp khác.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ nói về chính sách ngoại giao của Long Đĩnh. Long Đĩnh vốn là con thứ của vua Lê Hoàn, cũng không được vua chọn là người truyền ngôi. Sau khi Long Việt (tức Lê Trung Tông) nối ngôi được 3 ngày thì Long Đĩnh sai người hại chết. Mấy anh em còn đánh nhau mãi rồi Long Đĩnh mới giữ vững được ngôi. Có thể thấy việc Long Đĩnh lên ngôi là không chính danh và đó là cái cớ mà nhà Tống có thể mang quân vào với chiêu bài dẹp phản thần, tặc tử...

Thực tế thì quan quân nhà Tống khi đó chưa khi nào thôi dã tâm xâm chiếm nước ta. Đại việt sử ký toàn thư chép: Mùa hạ, tháng 6 (1006), trí Quảng Châu là Lãng Sách dâng thư nói: "Này nhân Giao Chỉ có loạn, xin cho thần và Duyên biên an phủ sứ Thiệu Việp cùng nhau bàn tính công việc tâu lên. Bọn thần dựa theo lời của bọn Hoàng Khánh Tập hơn nghìn người ở Giao Chỉ, do Liêm Châu4 đưa đến, nói rằng các con của Nam Bình Vương (tức vua Lê Hoàn) đều đặt trại sách phân tán các nơi, quan thuộc lìa tan, nhân dân lo sợ, xin đem quân sang đánh dẹp, bọn Khánh Tập nguyện làm tiên phong, có thể hẹn ngày lấy được. Nếu triều đình chuẩn lời thỉnh cầu, thì xin lấy binh đóng đồn ở các châu tuộc Quảng Nam (thuộc Quảng Đông, Quảng Tây) và cho thêm 5 nghìn quân mạnh ở Kinh Hồ, thủy bộ cùng tiến, có thể bình định được ngay".

Cũng theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục: Từ cuối niên hiệu Ứng Thiên (1004), Minh Đề vâng mạng sang Tống, vì trong nước rối loạn, không về được, phải đóng lại Quảng Châu. Đến đây, vua Tống xuống chiếu bảo An phủ sứ là Thiệu Việp cấp người và thuyền để cho về. Thiệu Việp nhân dịp này, tính chiếm lấy nước ta, bèn dâng bức địa đồ thuỷ lục từ Ung Châu đến Giao Châu. Vua Tống đưa bức địa đồ ấy cho các cận thần xem và bảo: Giao Châu là nơi lam sơn chướng khí, nếu đem quân sang đánh, chắc sẽ tổn hại nhiều. Vậy ta chỉ nên cẩn thận giữ lấy đất đai của ông cha".

Vua Tống khi đó một là lo chống các thế lực từ phía bắc nên không muốn phát động chiến tranh phía nam, hai là cũng sợ sau lần Hầu Nhân Bảo thua Lê Hoàn (cũng tranh thủ lúc nước ta rối ren đến xâm lược và thảm bại). Nhưng nếu chỉ cần nhận ra nước Việt kiệt quệ thì nhà Tống sẽ không ngần ngại xuất binh để xâm lược.

Và trong chính sách ngoại giao, vua Long Đĩnh rất khôn khéo để chặn dã tâm của nhà Tống, làm vua Tống không dám mơ tưởng xâm lược nước ta. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: (1007) Nhà vua sai Minh Sưởng và chưởng thư ký là Hoàng Thành Nhã đem con tê trắng sang biếu nhà Tống, dâng biểu xin cửu kinh và kinh sách đại tạng. Nhà Tống ưng thuận cho cả.

Đại Việt sử ký toàn thư nói rõ thêm: Sai sứ đem biếu nhà Tống con tê ngưu thuần. Vua Tống cho rằng tê ngưu từ xa đến, không hợp thủy thổ muốn trả lại, nhưng sợ trái ý vua, sai đợi cho sứ nước ta về rồi thả ra biển. Vua lại xin áo giáo mũ trụ giát vàng, vua Tống bằng lòng cho.

Khi đọc đến đây thì ta chỉ thấy vua Tống lúc đó cũng sợ làm mếch lòng Đại Việt nên không dám khước từ lễ vật, phải tặng đồ hậu hĩnh. Nhưng suy nghĩ thêm thì chúng ta có thể thấy ẩn ý của Long Đĩnh trong việc đổi chác khi cho người đi sứ. Việc tặng tê ngưu (thực ra là tê giác) là bằng chứng để cho nhà Tống thấy bờ cõi Đại Việt đã yên, dẹp được những vùng xa xôi nên mới có vật quý hiếm là tê giác để mang sang biếu.

Việc xin kinh tạng cũng có hàm ý sâu xa. Theo quan niệm của người Trung Quốc xưa thì mỗi triều đại giai đoạn đầu sẽ là dùng "võ công" để lấy thiên hạ, khi thiên hạ bình yên thì sẽ thực hiện chính sách vỗ về gọi là "văn trị". Việc Long Đĩnh xin kinh tạng là muốn cho nhà Tống thấy Đại Việt đã thanh bình dẹp xong binh đao và giờ ổn định đến mức có thể tập trung cho "văn trị". Nhưng Long Đĩnh cũng không quên xin bộ giáp trụ để khẳng định mình là người thạo việc binh chẳng kém gì cha.

Qua đây có thể thấy Long Đĩnh là vua giỏi, tiếc thay mất khi mới chưa đầy 24 tuổi và lại có quá ít sách sử tài liệu ghi chép về con người thực của ông trong một giai đoạn lịch sử đầy biến cố.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem