Dân Việt

Nam Định muốn xóa sổ khu thủy sản 431ha Cồn Xanh: KCN bên cạnh bỏ hoang, sao nỡ lấy đất của dân (Bài 3)

Đỗ Lực- Nguyễn Tiến 31/03/2022 15:44 GMT+7
Trong khi UBND tỉnh Nam Định ban hành chủ trương thu hồi hơn 430ha đất nuôi trồng thủy sản khu vực Cồn Xanh (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) để phát triển dự án gang thép, thì cách đó không xa dự án khu công nghiệp (KCN) Dệt may Rạng Đông rộng gần 600 ha được triển khai từ năm 2015 đến nay mới sử dụng được 10% diện tích.

Hàng trăm hộ dân nuôi trồng thủy hải sản khu vực Cồn Xanh lo lắng liệu có xảy ra kịch bản KCN Dệt may Rạng Đông thứ 2, khi quy hoạch KCN nhưng không có doanh nghiệp hoạt động?

Liệu có lặp lại kịch bản thu hồi xong rồi.... bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực đất đai?

Như Báo điện tử Dân Việt đã đưa tin, thời gian gần đây, hàng trăm hộ dân nuôi trồng thủy hải sản khu vực Cồn Xanh (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) đang phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm, tái nghèo, khi đầu tư số tiền tỷ vào nuôi trồng thủy hải sản chưa kịp thu hồi vốn thì đã phải "đối mặt" với chủ trương thu hồi đất để phát triển KCN của UBND tỉnh Nam Định.

Người dân nơi đây trăn trở không phải không có lý khi cách đó không xa đang tồn tại KCN Dệt may Rạng Đông gần 600ha được triển khai đã nhiều năm, nhưng đến nay số doanh nghiệp hoạt động trong KCN này cũng chỉ là con số không tròn trĩnh.

"Trước đây, UBND tỉnh Nam Định có chủ trương làm KCN Dệt may Rạng Đông, hàng trăm hộ nuôi trồng thủy hải sản phải từ bỏ giấc mơ làm giàu từ nuôi tôm, cá để bàn giao đất cho nhà nước thực hiện dự án. Thế nhưng, đến nay, chúng tôi hoàn toàn thất vọng về dự án này. Sau 8 năm thực hiện, dự án dường như vẫn "đứng im" khi chưa có 1 doanh nghiệp nào đi vào hoạt động. Người dân mất đất sản xuất, phải đi tha hương cầu thực, làm thuê, làm mướn ở xứ người; còn đất sản xuất thu hồi làm KCN thì vẫn bỏ trống không có doanh nghiệp hoạt động…", một người dân bị thu hồi đất phục vụ dự án KCN Dệt may Rạng Đông nói.

Đại diện cho những hộ dân có diện tích đất nuôi trồng thủy sản bị thu hồi để phục vụ dự án gang thép ở khu vực Cồn Xanh (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định),ông Nguyễn Cao Cương (xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Hưng) bày tỏ quan điểm sẵn sàng chấp hành chủ trương của nhà nước, bàn giao đất để thực hiện dự án. Thế nhưng, điều làm những người dân nuôi trồng thủy sản khu Cồn Xanh trăn trở là gần 5.000 lao động liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy hải sản khu Cồn Xanh sẽ làm gì, khi bị mất nghề? Liệu có lại tái lập kịch bản thu hồi đất thực hiện dự án nhưng 8 năm sau vẫn không có doanh nghiệp nào hoạt động?

Nam Định muốn xóa sổ khu nuôi trồng thủy sản 431ha Cồn Xanh: Nơi đất KCN dùng không hết, nơi đất sản xuất không có - Ảnh 1.

Sau 8 năm triển khai dự án, đến nay KCN Dệt may Rạng Đông vẫn vắng bóng doanh nghiệp hoạt động. Ảnh: Báo PLVN

Ông Nguyễn Văn Túc, 79 tuổi ở xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng bày tỏ quan điểm: "UBND tỉnh Nam Định nên xem lại việc lấy đất phát triển thủy sản của người dân để làm công nghiệp. Bởi, trước đó năm 2015 UBND tỉnh Nam Định cũng cho thu hồi gần 600ha đất nuôi trồng thủy sản của người dân khu vực Rạng Đông để làm KCN Dệt may Rạng Đông, nhưng đến nay sau nhiều năm triển khai đất khu này vẫn bỏ trống".

Theo ông Túc, nên chăng, tỉnh Nam Định nên điều chỉnh lại quy hoạch của KCN Dệt may Rạng Đông, đưa dự án nhà máy thép xanh số 1 Xuân Thiện và dự án nhà máy thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng vào KCN này. Như vậy, vừa lấp được chỗ trống trong KCN, mà vẫn phát triển được khu nuôi trồng thủy hải sản khu vực Cồn Xanh, lại vẫn tạo được công ăn việc làm cho người dân tại chỗ cũng như các nơi khác.

Theo tìm hiểu của PV, trước đó với kỳ vọng xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông thành trung tâm sản xuất, thương mại, dịch vụ về dệt may và thời trang hàng đầu Việt Nam, UBND tỉnh Nam Định đã quy hoạch KCN Dệt may Rạng Đông thành 3 giai đoạn phát triển. Cụ thể, giai đoạn 1, KCN đầu tư sản xuất 1 tỷ mét vải trên diện tích 519,6ha; giai đoạn 2, dự án nâng sản lượng vải lên 1,5 tỷ mét, hoàn thiện chuỗi cung ứng trên diện tích 850ha; giai đoạn 3, thành phố hiện đại phục vụ thương mại, dịch vụ dệt may - thời trang sẽ được hình thành trên diện tích 675 ha.

Nam Định muốn xóa sổ khu thủy sản 431ha Cồn Xanh: KCN bên cạnh bỏ hoang, sao nỡ lấy đất của dân (Bài 3) - Ảnh 3.

Người dân đang rất lo ngại khi tỉnh Nam Định muốn thu hồi toàn bộ khu nuôi trồng thủy sản Cồn Xanh để làm dự án cán thép Xuân Thiện Nam DDIiinhj. Ảnh:"NC

Kỳ vọng là vậy, tuy nhiên đến nay sau 8 năm triển khai dự án, hiện KCN Dệt may Rạng Đông vẫn chưa hoàn thiện xong hạ tầng. Và chưa có 1 doanh nghiệp nào đi vào hoạt động. Việc thu hồi gần 600ha đất thủy sản, đất canh tác nông nghiệp để làm KCN Dệt may Rạng Đông đến nay người dân ở đây đang rất nuối tiếc.

Ông Phan Thanh Dũng- Chủ tịch UBND Thị trấn Rạng Đông- đơn vị được giao quản lý hành chính KCN Dệt may Rạng Đông cho hay, đến nay hạ tầng KCN mới san lấp được khoảng 50%. Hiện có khoảng 10% đất có doanh nghiệp ký hợp đồng đăng ký sử dụng. Tuy nhiên, tất cả những đơn vị này cũng đang chỉ dừng lại ở việc đang triển khai xây dựng, đến nay chưa có một đơn vị nào đi vào hoạt động.

Trước nội dung PV đề nghị cho biết, đến nay KCN Dệt may Rạng Đông đã triển khai được bao nhiêu %, có khoảng bao nhiêu doanh nghiệp đầu tư vào?, ông Nguyễn Hoàng Anh- Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định cho hay, đến nay tỷ lệ lấp đầy chiếm khoảng 10%. Ông Nguyễn Hoàng Anh, từ chối cung cấp nhiều thông tin khác với lý do đang lái xe…

Nam Định muốn xóa sổ khu thủy sản 431ha Cồn Xanh: KCN bên cạnh bỏ hoang, sao nỡ lấy đất của dân (Bài 3) - Ảnh 4.

Các khu ao nuôi trồng thủy sản ở Cồn Xanh được người dân khai hoang, gây dựng từ hơn 20 năm nay đã mang lại nguồn lợi thủy sản lớn cho người dân và địa phương. Ảnh: NC

Thay đổi quy hoạch chóng vánh?

Trước thông tin, HĐND tỉnh Nam Định xóa bỏ Nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã thông qua vào năm 2018, nhiều người dân nuôi trồng thủy hải sản khu vực Cồn Xanh không khỏi ngỡ ngàng.

Nam Định muốn xóa sổ khu nuôi trồng thủy sản 431ha Cồn Xanh: Nơi đất KCN dùng không hết, nơi đất sản xuất không có - Ảnh 2.

Theo quy hoạch của Nam Định, dự án nuôi tôm công nghệ cao- bạc tỷ của người dân khu vực Cồn Xanh sẽ phải nhường đất cho khu công nghiệp. Ảnh: NC

Ông Nguyễn Văn Lộc- một hộ dân làm nghề nuôi cá bống bớp ở Cồn Xanh cho biết: "Việc xóa bỏ quy hoạch phát triển khu nuôi trồng thủy hải sản để phát triển khu công nghiệp đồng nghĩa với việc khu nuôi trồng thủy sản khu vực Cồn Xanh bị xóa tên. Việc lớn như vậy, nhưng những người dân chúng tôi chưa bao giờ được chính quyền địa phương thông báo"

Ông Lộc cũng cho biết, những thông tin về quy hoạch Cồn Xanh thành nơi phát triển công nghiệp cũng không được công khai, đến nay dân chúng tôi hoàn toàn không biết lấy đất để làm những dự án gì, lộ trình thực hiện như thế nào. Nếu biết, thì năm qua chúng tôi đã không tiếp tục đổ tiền bạc vào đầu tư nuôi tôm, cá rồi…

Cũng theo những hộ dân khu vực Cồn Xanh, trước đây, để phát triển khu vực nuôi trồng thủy sản khu Cồn Xanh, các cấp chính quyền huyện Nghĩa Hưng đã kêu gọi người dân ra khai hoang, đầu tư; rồi HĐND tỉnh Nam Định còn ban hành cả Nghị quyết thông qua kế hoạch phát triển kinh tế thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… trong đó quy hoạch khu vực Cồn Xanh là khu nuôi trồng thủy sản.

Vì có chủ trương như thế của tỉnh, nên hàng trăm hộ dân đã cầm cắm nhà cửa, đất đai để đầu tư vào nuôi cá, tôm. Việc Nam Định thay đổi quy hoạch Cồn Xanh thành nơi phát triển công nghiệp khiến hàng trăm hộ dân rơi vào tình cảnh "sống dở, chết dở".

Theo tìm hiểu của Dân Việt, từ giữa đến cuối năm 2021, chính quyền các xã vẫn tiến hành ký hàng loạt hợp đồng cho thuê đất đối với người dân ở khu vực Cồn Xanh để nuôi trồng thủy sản. Điều này, có nghĩa là việc triển khai dự án "rất có vấn đề".

Nam Định muốn xóa sổ khu thủy sản 431ha Cồn Xanh: KCN bên cạnh bỏ hoang, sao nỡ lấy đất của dân (Bài 3) - Ảnh 7.

Nếu dự án cán thép Xuân Thiện đưa vào Cồn Xanh người dân còn lo ngại ảnh hưởng đến khu rừng ngập mặn do Đan Mạch và Nhật Bản tài trợ như này. Ảnh: NC

"Nếu đã có chủ trương giao đất để làm dự án gang thép cho Công ty Xuân Thiện, thì sao xã vẫn ký hợp đồng cho thuê đất đối với người dân. Chúng tôi là những người nông dân quanh năm chỉ biết cần mẫn thả từng con cá, con tôm để mưu sinh. Sao nỡ ép chúng tôi vào đường cùng như thế"- ông Nguyễn Cao Cương bức xúc nói.

"Tới đây, vào tháng 4/2022, theo nội dung thông báo về việc thu hồi giải phóng mặt bằng nuôi trồng thủy sản, người dân chúng tôi buộc phải trả lại toàn bộ phần diện tích đất nuôi trồng thủy sản để bàn giao cho nhà đầu tư. Thực tế, quy trình nuôi trồng cá, tôm của chúng tôi phải trải qua thời gian 3 - 4 năm mới có thể tiến hành đánh bắt thu hoạch. Trong trường hợp bị thu hồi đất thì người dân chúng tôi sẽ không còn khu vực nào để tiếp tục canh tác, sản xuất.

Vậy cuộc sống của hơn 400 hộ dân, hàng nghìn người dân canh tác, nuôi trồng thủy sản sẽ đi về đâu? Đây chính là những thiệt hại, tổn thất vô cùng nghiêm trọng cho bà con trong trường hợp dự án được triển khai. Như vậy không khác gì đẩy người dân chúng tôi vào nguy cơ mất công ăn việc làm và mất trắng toàn bộ công sức, trí lực và tài sản từ thời ông cha chúng tôi gây dựng nên. Chúng tôi tự hỏi: Liệu những người nông dân đều có phải trở thành công nhân? hàng ngàn người dân trên 50 tuổi thì được nhà máy, xí nghiệp hay công ty nào tiếp nhận và công ăn, việc làm, thu nhập sẽ ở đâu???"

(Ông Nguyễn Cao Cương- đại diện cho các hộ dân nuôi trồng thủy sản ở Cồn Xanh)