Theo bản tin mới nhất của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dù tác động của chiến sự Nga - Ukraine, giá cà phê Robusta trên thị trường toàn cầu vẫn tăng trở lại vào giữa tháng 3/2022, sau khi duy trì ở mức thấp trong những ngày đầu tháng.
Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.222 USD/tấn, tăng 132 USD/tấn (tương đương mức tăng 6,3%) so với đầu tháng 3/2022.
Giá cà phê Robusta có dấu hiệu phục hồi trở lại sau các quyết định nâng lãi suất cơ bản của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương Brazil, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) nhằm nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu, sự phục hồi này chưa vững chắc. Chiến sự Nga Ukraine có thể sẽ làm trì trệ việc tiêu thụ khoảng 3 triệu bao cà phê do các lệnh cấm vận ở phương Tây, bất chấp Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) vừa điều chỉnh dự báo toàn cầu dư thừa 1,2 triệu bao thành thiếu hụt 3,1 triệu bao trong niên vụ cà phê 2020/2021.
Có thể thấy, trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine nhưng giữa tháng 3/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng trở lại theo giá thế giới.
Ngày 19/3/2022, giá cà phê tại thị trường nội địa tăng 2.000 đồng/kg so với ngày 8/3/2022, lên mức cao nhất 41.800 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk; mức thấp nhất 41.200 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng; tại tỉnh Gia Lai và Đắk Nông ở mức 41.700 đồng/kg.
Tuy nhiên, dù vậy, chiến sự Nga - Ukraine cũng có thể khiến xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Nga bị ảnh hưởng, dù thị trường Nga chỉ chiếm 4,2% tổng lượng và 4,5% tổng trị giá xuất khẩu cà phê của cả nước
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Nga trong tháng 2/2022 đạt 4.830 tấn, trị giá 12,6 triệu USD, giảm 12% về lượng, nhưng tăng 19,9% về trị giá so với tháng 02/2021.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Nga đạt 15.400 tấn, trị giá 37,1 triệu USD, tăng 20,6% về lượng và tăng 53,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nông nghiệp Nga (RSHB), mức tiêu thụ cà phê trong năm 2021 của Nga đạt 303.000 tấn, trong đó 243.639 tấn là nhập khẩu. Tiêu thụ cà phê ở Nga đã tăng đáng kể trong 30 năm qua.
Số liệu công bố từ Trung tâm Chuyên môn Công nghiệp Nga cho biết, hiện nay, trung bình người Nga uống khoảng 300 tách cà phê mỗi năm, tương đương với 60 lít/người/năm.
Đối với cà phê hòa tan, sản lượng tiêu thụ ở Nga vào năm 2021 lên tới 93.000 tấn. Năm 2021, mức tiêu thụ cà phê hòa tan và một số hình thức chế biến khác (chiết xuất, cô đặc và tinh chất) bình quân đầu người của cả nước là 0,7 kg/người.
Nga hiện là thị trường xuất khẩu cà phê lớn thứ 7 của nước ta nhưng sản lượng xuất khẩu cà phê sang Nga trong tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam không quá lớn, do đó, theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu, chiến sự Nga - Ukraine không tác động lớn đến xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, tác động về hoạt động vận chuyển là khá lớn, trong bối cảnh cước phí vận chuyển hiện vẫn ở mức cao.
Trong khi đó, đối với ngành vận tải biển toàn cầu, Nga và Ukraine cung cấp 275.000 trong tổng 1,9 triệu thuyền viên làm việc trên các tàu thương mại trên khắp thế giới, lớn hơn cả Philippines, nước cung cấp lao động trong ngành hàng hải lớn nhất thế giới.
"Nhiều khả năng nhập khẩu cà phê của Nga giảm trong thời gian tới, trong bối cảnh thu nhập của người dân giảm" - Cục Xuất nhập khẩu nhận định.