Trò chuyện với phóng viên Dân Việt, anh Nguyễn Thế Hiếu, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp (KCN) Thuận Đạo (huyện Bến Lức, Long An) cho biết: Nơi làm việc của anh Hiếu thuộc khu vực phát triển công nghiệp. Những năm qua, giá đất liên tục biến động, tăng cao. Với thu nhập của anh rất khó để tự mua đất, xây nhà ở.
"Chúng tôi rất mong muốn chính quyền các cấp cùng doanh nghiệp đầu tư nhiều khu nhà ở dành cho công nhân. Như vậy, chúng tôi có thể thuê hoặc mua với giá cả phù hợp với thu nhập, túi tiền. Có được nơi ở ổn định, tốt hơn, chúng tôi sẽ càng an tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp", anh Hiếu nói.
Còn chị Lê Thị Liên (công nhân làm việc tại huyện Đức Hòa, Long An) chia sẻ: Những năm vừa qua, dù chi tiêu tiết kiệm nhưng trước giá cả hàng hóa, xăng dầu cứ liên tục tăng cao, thêm nhiều khoản chi tiêu khác như lo cho con ăn học, trả tiền thuê phòng trọ, những khoản phát sinh lúc ốm đau, bệnh tật nên số tiền dành dụm trước đó của chị Liên chẳng còn bao nhiêu.
"Thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một khoảng thời gian dài tôi phải nghỉ ở nhà. Không biết bao giờ tôi mới dành dụm đủ tiền để mua nhà ở", chị Liên bộc bạch.
Theo anh Huỳnh Thanh Hùng (đồng nghiệp với chị Liên), vợ chồng anh mong muốn có nhà ở ổn định từ nhiều năm trước. Song với đồng lương ít ỏi và phải chi phí cho những khoản sinh hoạt hàng ngày. Đến hiện tại nghĩ đến chuyện có nhà ở đối với vợ chồng anh Huỳnh chỉ là mơ ước.
"Về lâu dài, vợ chồng tôi dự tính về quê sinh sống, chứ đi làm thế này cuộc sống khó mà ổn định", anh Huỳnh nói.
Chưa có nhiều nguồn đầu tư nhà ở cho công nhân
Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An - ông Nguyễn Văn Trang nhận định: Phát triển nhà ở xã hội cho công nhân cần rất nhiều kinh phí, trong khi ngân sách của tỉnh chưa thể cân đối để bố trí nguồn vốn đầu tư mà phải thực hiện theo hình thức xã hội hóa.
Nhiều doanh nghiệp cũng chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân đòi hỏi doanh nghiệp phải chung tay ủng hộ, thực hiện.
"Mặt khác, nhà ở xã hội còn bị khống chế về đối tượng và mức lợi nhuận không được vượt quá 10%. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa quan tâm, tích cực tham gia đầu tư, làm cho các dự án nhà ở xã hội chậm triển khai thực hiện", ông Trang cho biết.
Theo đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Long An được quy hoạch gồm có: 31 KCN và 62 cụm công nghiệp (CCN). Trong đó, có 16 KCN và 22 CCN đã hoạt động, với số lượng công nhân hơn 160.000 người.
Số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở tại các KCN, CCN vẫn còn khoảng 30%, tương ứng gần 50.000 người. Do tiếp giáp TP.HCM và cửa ngõ miền Tây, tương lai công nghiệp ở tỉnh tiếp tục có nhiều bước phát triển mạnh và cần thu hút thêm lượng lớn công nhân, lao động đến làm việc.
Cũng theo vị đại diện này, mới đây UBND tỉnh Long An đã vừa phê duyệt đầu tư 16 dự án nhà ở công nhân. Song cho tới thời điểm này mới có 3 dự án được đưa vào hoạt động. Cụ thể, khu lưu trú công nhân Long Hậu thuộc KCN Long Hậu, diện tích hơn 38.000m2 gần 600 căn hộ, bố trí cho 1.600 người; khu nhà ở công nhân Đông Quang thuộc KCN Hải Sơn, diện tích hơn 7.300m2, với 522 căn hộ bố trí cho 1.700 người; khu nhà ở xã hội Tân Đức có diện tích khoảng 14.400m2 với 458 căn hộ, bố trí cho 1.850 người.