Xuất khẩu thủy sản 2 tháng chạm mốc 1,5 tỷ USD
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, xuất khẩu cá tra tăng mạnh nhất, với con số tăng trưởng 127% đạt 171 triệu USD, lũy kế 2 tháng đầu năm, cá tra đạt doanh số 384 triệu USD, tăng 93%. Xuất khẩu tôm trong tháng qua cũng tăng 50% so với cùng kỳ đạt 237 triệu USD, đưa kết quả 2 tháng đầu năm lên 550 triệu USD, tăng 46%.
Xuất khẩu các mặt hàng hải sản đều tăng mạnh từ 30-90% so với tháng 2/2021. Xuất khẩu cá ngừ tháng 2 đạt 68 triệu USD, 2 tháng đầu năm mang về 156 triệu USD, tăng 83%. Xuất khẩu mực, bạch tuộc tháng 2 đạt 34 triệu USD, tăng 47% và 2 tháng đầu năm mang về con số 97 triệu USD, tăng 45%.
Tại Mỹ, thủy sản đông lạnh đang được ưa chuộng hơn thủy sản tươi sống. Trong tháng 2, Mỹ tiếp tục tăng mạnh nhập khẩu thủy sản Việt Nam, tăng 85% với 146 triệu USD và 2 tháng cuối năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này đạt 346 triệu USD, tăng 84% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều tăng trưởng 2-3 con số thì xuất khẩu sang Nhật trong tháng 2 chỉ tăng 8% đạt 75 triệu USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm thị trường này nhập khẩu 209 triệu USD thủy sản từ Việt Nam, tăng 15%.
Xuất khẩu sang Trung Quốc đã có những tín hiệu hồi phục tích cực từ tháng 1 và tiếp tục tăng mạnh 135% trong tháng 2 đạt 91 triệu USD. Hai tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 168 triệu USD, tăng 91% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiệp Hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) dự báo xuất khẩu những tháng tới tiếp tục đà tăng trưởng khả quan vì nhu cầu từ các thị trường đang mạnh. Vasep cho rằng, xuất khẩu thuỷ sản trong quý I/2022 có thể sẽ mang về khoảng 2 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch XK thủy sản năm 2022 sẽ đạt 9,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, chiến sự Nga – Ukraine ít nhiều cũng tác động đến việc xuất khẩu sang Nga và Ukraine dù 2 thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng xuất khẩu thủy sản Việt Nam: Nga chiếm 2%, Ukraine chiếm 0,3%. Xung đột này sẽ làm tăng giá xăng dầu và kéo theo hàng loạt các chi phí đầu vào khác tăng lên, ảnh hưởng đến giá thành và lợi nhuận của các công ty thủy sản. Theo đó, các hoạt động khai thác thủy sản sẽ bị ảnh hưởng mạnh hơn so với thủy sản nuôi.
Năm 2021 là thời gian đầy khó khăn với ngành thủy sản. Tuy vậy, doanh nghiệp ngành này này vẫn đạt được kết quả tăng trưởng vượt bậc, thậm chí có doanh nghiệp còn đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao nhất lịch sử hoạt động. Đơn cử, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UpCoM: MPC) duy trì mức doanh thu trên 13.000 tỷ/năm trong nhiều năm qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên sàn lại có mức tăng trưởng doanh thu đạt 2 con số như: CTCP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC); CTCP Thực Phẩm Sao Ta (Fimex Viet Nam; HoSE: FMC)...
CTCP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) - doanh nghiệp đầu ngành cá tra ghi nhận doanh thu đạt 2.693 tỷ đồng tăng 39% so với cùng kỳ năm 2020; lãi ròng tăng đến 171% đạt 455 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận quý cao nhất kể từ giữa năm 2018 đến nay.
Doanh nghiệp cho biết, thị trường xuất khẩu đều phục hồi mạnh vào cuối năm, đặc biệt là Mỹ. Doanh thu xuất khẩu sang Mỹ đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế cả năm, VHC có doanh thu lên 9.054 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.110 tỷ đồng,lần lượt tăng tăng 29% và hơn 54% so với năm trước đó.
Năm 2022, sau tháng đầu năm khởi sắc, tổng doanh thu của Công ty tiếp tục tăng trưởng trong tháng 2/2022, đạt 1.075 tỷ đồng, tăng 137% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 30% so với tháng trước. Trong đó, sản phẩm chủ lực là cá tra phile tăng 160%, đạt 785 tỷ đồng và chiếm hơn nửa tổng doanh thu tháng. Tăng mạnh nhất vẫn là doanh thu dòng tạp phẩm (miscellaneous) với mức tăng 852% lên 118 tỷ đồng.
Về thị trường xuất khẩu, doanh số xuất khẩu của Vĩnh Hoàn vào thị trường Mỹ tháng 2/2022 so với cùng kỳ năm ngoái tăng mạnh 221% lên 627 tỷ đồng, Trung Quốc tăng 73%, châu Âu tăng 19%. Trong khi đó, doanh số thị trường nội địa (đa phần qua công ty con Sa Giang) đạt 192 tỷ đồng, tăng 147%. So với tháng trước, thị trường Mỹ tăng 89% và Trung Quốc tăng 170%, ngược lại châu Âu giảm 44% và nội địa giảm 5%.
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, doanh thu của Vĩnh Hoàn đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Fimex; HoSE: FMC) ghi nhận trong quý IV/2021 doanh thu đạt 1.444,4 tỷ đồng tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2020. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 12,9% lên 14%.
Lợi nhuận gộp tăng 29,8% đạt 201,8 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 82,5%, tương ứng tăng thêm 7,42 tỷ đồng lên 16,41 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 13,8%, tương ứng tăng thêm 12,63 tỷ đồng lên 104,4 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Lợi nhuận sau thuế đạt 110,4 tỷ đồng tăng 73,6% so với cùng kỳ năm trước, EPS đạt 1.867 đồng.
Theo FMC, lợi nhuận tăng vọt so với cùng kỳ chủ yếu do lợi nhuận từ thu hoạch tôm tự nuôi, làm giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận đáng kể cho hiệu quả hoạt động chung của công ty.
Lũy kế trong năm 2021, doanh thu FMC đạt 5.199,1 tỷ đồng tăng 17,8%, lợi nhuận sau thuế đạt 286,93 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.
FMC cho biết năm 2021 là năm nuôi tôm thành công nhất trong lịch sử 10 năm theo đuổi nuôi tôm của Fimex Viet Nam, góp phần bù đắp cho mảng chế biến của công ty trong năm vừa qua.
Năm 2021, FMC đặt kế hoạch tổng doanh thu 4.650 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 250 tỷ đồng. Theo đó kết thúc năm 2021 FMC đã hoàn thành vượt 12% mục tiêu về doanh thu và vượt 15,6% mục tiêu về lợi nhuận.
Cũng mới đây, Fimex đã công bố kết quả kinh doanh tháng 2/2022 với doanh số tiêu thụ đạt 11,3 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản xuất tôm thành phẩm đạt 1.276 tấn, tăng 41% và thành phẩm nông sản đạt 148 tấn, gấp 2,8 lần cùng kỳ năm 2021.
Trước đó, kết thúc tháng 1, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh số tiêu thụ cao kỷ lục lên tới 28,9 triệu USD, bằng 190% so với cùng kỳ năm 2021. Luỹ kế 2 tháng đầu năm 2022, Công ty thu về 40,2 triệu USD doanh số tiêu thụ.
Công ty cổ phần Camimex Group (HoSE: CMX) cũng báo cáo doanh thu quý 4/2021 tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước đó và lợi nhuận tăng 24% lên 24 tỷ đồng. Tính cả năm doanh nghiệp này có doanh thu 2.190 tỷ đồng, lãi gần 83 tỷ đồng, lần lượt tăng 54% và 38% so với năm liền trước.
Theo số liệu Tổng Cục Hải Quan, 2 tháng đầu năm, doanh số xuất khẩu của Camimex đạt 10,3 triệu USD tăng 71,6% so với cùng kỳ.
Về phần CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI (HoSE: IDI), phản ánh diễn biến thị trường, kết quả kinh doanh quý IV/2021 của doanh nghiệp cũng đánh dấu màn trở lại ngoạn mục với lợi nhuận sau thuế toàn quý đạt 84.55 tỷ, cao gần gấp 2,5 lần cùng kỳ và là mức cao nhất kể từ quý I/2019. Kết quả khởi sắc trong quý IV/2021 đã kéo lại toàn bộ 2021, giúp công ty có mức tăng trưởng về lãi suất so với 2020, mặc dù vẫn chưa về lại được mức trước đại dịch.
Hai tháng đầu năm doanh số xuất khẩu của IDI đạt 18 triệu USD tăng tới 111,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, năm 2021, mức tăng chung của cổ phiếu ngành thủy sản đạt 54,3%, cao hơn mức tăng của chỉ số VN-Index tới hơn 20,5%. Các doanh nghiệp có hiệu quả tốt nhất gồm IDI tăng 98%, FMC tăng 58, VHC tăng 56%, MPC tăng 53%, ANV tăng 41% và CMX tăng 22%.
Theo phân tích từ SSI, việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19 chưa có sự chắc chắn khi có sự xuất hiện của các biến thể mới, vì vậy kế hoạch xuất khẩu của ngành thủy sản trong năm 2022 được đánh giá là khiêm tốn, ở mức 9 tỷ USD.
Báo cáo của SSI chỉ ra triển vọng của ngành thủy sản trong năm 2022 được kỳ vọng vào nhu cầu toàn cầu có thể sẽ tăng mạnh từ việc mở cửa trở lại của các nền kinh tế, song bên cạnh đó là áp lực chi phí nguyên liệu thô kéo dài và chi phí vận chuyển cao.
Mặt khác, VASEP cho biết diện tích nuôi cá tra trong cả nước đang giảm 30-50% so với cùng kỳ, điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung tạm thời trong quý I/2022 đồng thời việc tăng thêm chi phí cho cá nguyên liệu có thể làm giảm biên lợi nhuận của các công ty sản xuất trong quý này, do rất khó để kết chuyển hoàn toàn chi phí sang giá bán bình quân. Vì, chu kỳ nuôi cá tra là 6 tháng và giá cá nguyên liệu đã tăng nên tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ giảm dần trong quý II/2022.
Trên cơ sở đó, SSI tính toán mã VHC kỳ vọng đạt tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2022 là 30% so với cùng kỳ (dựa trên giả định giá bán bình quân cá tra philê tăng 10% trong năm 2022) và và mã FMC ước tính đạt 49% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ sản lượng tăng 25% từ việc mở rộng công suất gần đây, trong khi giá bán bình quân được dự báo sẽ duy trì ổn định trong năm 2022.
"Do ngành thủy sản đã được định giá lại để phản ánh sự thay đổi trong năm 2021 và động lực tích cực trong năm 2022, chúng tôi tin rằng sẽ có nhiều thách thức để ngành được định giá lại tiếp do những biến động và tính chất chu kỳ vốn có của ngành," báo cáo của SSI nêu.