Bệnh nhân kể, trong khoảng 20 năm nay, bệnh nhân xuất hiện tiểu máu ngay sau khi quan hệ tình dục với vợ. Có lúc là máu đỏ tươi, có lúc là máu cục, không đau đớn. Tiểu những lần sau đó lại hoàn toàn bình thường. Bệnh nhân đã đi khám và điều trị 7 bệnh viện trong suốt 20 năm qua, cả thuốc tây y và đông y nhưng không khỏi.
Khoảng 2 tháng nay, mức độ của bệnh tăng lên, xuất hiện chảy máu cả khi dương vật cương tự nhiên không liên quan đến quan hệ tình dục, tần suất 2-3 lần / 1 tuần. Bệnh nhân thực sự lo lắng và quyết định đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Sau khi làm một số xét nghiệm chuyên sâu, cộng với chụp cộng hưởng từ, bác sĩ nam khoa đã loại trừ được các nguyên nhân ác tính hay nhiễm khuẩn; và qua nội soi niệu đạo ngược dòng để chẩn đoán, bác sĩ đã phát hiện nguyên nhân gây chảy máu là do có nhiều mạch máu nông ở bề mặt niệu đạo giãn mỏng thành từng đám và rất dễ chảy máu.
Bệnh nhân được chẩn đoán là "Giãn vỡ mạch máu niệu đạo/Theo dõi u máu niệu đạo", sau đó được chỉ định phẫu thuật nội soi đốt các mạch máu giãn bằng Laser holmium. Và kết quả là 1 tháng sau phẫu thuật , bệnh nhân đã có thể quan hệ tình dục bình thường mà không có bất kì dấu hiệu nào của chảy máu đường tiểu.
Tiểu máu khi cương là một tình trạng lâm sàng rất hiếm gặp, liên quan chủ đến những dị dạng bất thường của mạch máu trong niệu đạo. Theo y văn trên thế giới, phần lớn các dị dạng bất thường đó là của bệnh lý U máu niệu đạo.
U máu niệu đạo là một bệnh lý hoàn toàn lành tính, có thể gặp ở cả nam và nữ, nhưng chủ yếu là nam giới. Vị trí của u máu thường ở niệu đạo sau, và thường ở giữa ụ núi và cơ thắt ngoài niệu đạo. Do là dị dạng mạch máu, nên thành của u máu niệu đạo rất mỏng và dễ rách vỡ khi áp lực dòng máu tăng lên, đặc biệt khi dương vật cương.
Kích thước u máu rất thay đổi, có thể chỉ khoảng 2-3mm, cũng có thể lên vài cm. U máu niệu đạo cũng có thể nằm ngay bề mặt nông của niệu đạo hoặc sâu bên dưới, có thể phẳng hoặc có cuống. U máu niệu đạo chỉ điều trị khi nó gây nên triệu chứng cho người bệnh như tiểu khó, tiểu máu khi cương.
Về điều trị cho u máu niệu đạo: ưu tiên điều trị ngoại khoa , trong trường hợp bệnh nhân không muốn phẫu thuật hoặc không đủ điều kiện phẫu thuật, có thể điều trị nội khoa (nhưng thường tỷ lệ tái phát cao). Điều trị ngoại khoa cho u máu niệu đạo hiện nay chủ yếu sử dụng phương pháp nội soi ngược dòng đốt vùng có u máu. Năng lượng sử dụng đốt u máu có thể là dòng điện đơn cực, hoặc sử dụng Laser, đều cho hiệu quả điều trị rất khả quan. Một nghiên cứu trên thế giới với 39 bệnh nhân sau nội soi đốt u máu niệu đạo bằng điện đơn cực với thời gian theo dõi sau mổ trung bình 16 tháng cho thấy tỉ lệ tái phát ~5%.
Mặc dù tiểu máu khi cương không phải là dấu hiệu của một bệnh lý nguy hiểm, nhưng thực sự gây hoang mang cho người bệnh. Khi có triệu chứng trên, hãy đến khám tại các cơ sở chuyên khoa để được điều trị hợp lý.
Chuyên đề "Sức khỏe quý ông" được tòa soạn báo điện tử Dân Việt bắt đầu triển khai từ ngày 15/9/2021 đều đặn vào thứ tư và chủ nhật hàng tuần với sự giúp đỡ của các bác sĩ đầu ngành Khoa Nam học và Y học giới tính - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Không chỉ dữ liệu khoa học, các câu chuyện, tình huống được đề cập trong bài viết là hoàn toàn có thật, là cơ sở tin cậy để bạn đọc tham khảo.
Chúng tôi hy vọng sẽ phần nào giải đáp được những thắc mắc không dễ chia sẻ của đấng mày râu, từ đó giúp các anh hướng đến "phong độ, bản lĩnh" trước phái đẹp, cũng như tâm lý vững vàng, thành công hơn trong cuộc sống.