Trong hậu cung của nhà Thanh có hàng ngàn cung nữ, thái giám hầu hạ cho hoàng đế. Những người này đều do Phủ Nội Vụ cai quản. Mặc dù thân phận của họ là nô bộc nhưng không có nghĩa cả đời không thể ngóc đầu lên được. Có người từng được hoàng thượng sủng ái và trở thành chủ tử. Hoàng hậu Hiếu Cung Nhân là một người như thế, bà chính là mẹ ruột của hoàng đế Ung Chính.
Về thân thế của hoàng hậu Hiếu Cung Nhân, hoàng đế Ung Chính nhiều lần tự nhận mình xuất thân từ "Gia tộc xưa của triều đại, danh gia vọng tộc". Thế nhưng thông qua các tư liệu lịch sử, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra đây chỉ là sự cường điệu hóa của Ung Chính nhằm nâng cao địa vị của mẹ mình. Theo cuốn "Bát Kỳ thông chí" có ghi chép lại, ông nội của hoàng hậu Hiếu Cung Nhân là Ngạch Sâm, sống ở vùng Diệp Hách, từng làm chức "Bố Đạt Y Thái".
"Bố Đạt Y Thái" là chức quan gì? Thực tế, đây chỉ là tổng quản của thiện phòng, là đầu bếp chính phụ trách nấu ăn ở trong cung. Tất nhiên người làm công việc này thì không có thân phận cao quý gì. Vì thế, xuất thân của hoàng hậu Hiếu Cung Nhân hoàn toàn không hiển hách như lời mà Ung Chính nói.
Vào tháng 2 năm Khang Hi thứ 12, hoàng hậu Hiếu Cung Nhân lúc bấy giờ mới 14 tuổi tham gia vào cuộc tuyển chọn cung nữ. Nhờ vào dung mạo xinh đẹp và tài năng xuất chúng của mình, bà đã được chọn. Cùng vào cung với bà còn có một nữ tử khác tên là Vạn Lưu Ha Thị (Định Phi), bà chính là mẹ của thập nhị hoàng tử, sống thọ đến 97 tuổi.
Hoàng hậu Hiếu Cung Nhân là một người xinh đẹp, khiêm nhường và không thích tranh đấu. Điều này đã khiến Khang Hi siêu lòng. Không lâu sau đó, Khang Hi đã đưa bà vào hậu cung. Vào năm Khang Hi thứ 17, bà hạ sinh Tứ hoàng tử Dận Chân.
Sự ra đời của Dận Chân đã khiến hoàng hậu Hiếu Cung Nhân hoàn toàn thay đổi số phận của mình. Lúc bấy giờ, hoàng hậu Hiếu Cung Nhân chưa có thân phận gì nên sau khi hoàng tử đầy tháng thì Khang Hi Đế đem con của bà đưa cho Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu Đông thị nuôi dưỡng. Một năm sau, Khang Hi phong cho bà làm Đức tần. Do mới được sắc phong, nên tước vị của bà xếp sau cùng trong số các tần phi khi ấy.
Có lẽ bản thân hoàng hậu Hiếu Cung Nhân cũng không thể ngờ rằng, vào năm Khang Hi thứ 17, đứa con đầu lòng mà mình sinh ra sau này lại trở thành hoàng đế Đại Thanh.
Sau đó, hoàng hậu Hiếu Cung Nhân liên tục hạ sinh cho Khang Hi năm người con. Bao gồm lục a ca, thất, cửu công chúa, thập nhị công chúa và thập tứ a ca. Việc hạ sinh được sáu người con này đã khiến Hiếu Cung Nhân hoàng hậu trở thành phi tần sinh nhiều con nhất cho Khang Hi. Vào năm Khang Hi thứ 20, hoàng đế đã phong cho bà thành Đức Phi, xếp vào hàng tứ phi.
Vậy nhưng, những năm tháng cuối đời của hoàng hậu Hiếu Cung Nhân lại không được vui vẻ gì. Chủ yếu vì hai người con trai của bà là tứ a ca Dận Chân và thập tứ a ca Dận Trinh. Vào những năm cuối thời Khang Hi, 2 vị hoàng tử này đã trở thành ứng viên sáng giá kế vị ngai vàng.
Đặc biệt là thập tứ a ca Dận Trinh, vị hoàng tử này do chính tay hoàng hậu Hiếu Cung Nhân nuôi dưỡng, có thể nói là bà đã dành rất nhiều tâm huyết cho thập tứ a ca. Dận Trinh cũng không làm cho bà thất vọng. Vào những năm cuối thời Khang Hi, thập tứ a ca đã được phong làm đại tướng quân vùng biên thùy phía tây bắc. Việc ông kế vị ngai vàng là điều mà mọi người đều mong đợi.
Nhưng điều khiến mọi người bất ngờ là tứ a ca Dận Chân lại là người lên ngôi hoàng đế, dù vị hoàng tử này không hề nổi bật. Đây là điều mà hoàng hậu Hiếu Cung Nhân chưa bao giờ nghĩ đến. Dận Chân mặc dù là con trai đầu bà sinh ra nhưng không phải do bà tự tay nuôi nấng, vì thế mà tình cảm cũng không sâu sắc.
Thêm vào đó, khi Ung Chính (tên húy là Dận Chân) lên ngôi, ông đã cho bắt giam thập tứ a ca Dận Trinh khiến Hiếu Cung Nhân hoàng hậu vô cùng tức giận. Thế là bà đã làm ra một số hành động vô lý như không chuyển tới cung của hoàng thái hậu, không chấp nhận phong hiệu của hoàng thái hậu, không chấp nhận bái lễ... Vào tháng giêng năm Ung Chính đầu tiên, hoàng đế Ung Chính soạn chỉ dụ, tấn dâng tôn hiệu cho Hoàng thái hậu là Nhân Thọ Hoàng thái hậu.
Ngoải ra, các nhà sử học cho rằng cái chết của Nhân Thọ hoàng thái hậu cũng là một bí ẩn. Vào tháng 5 năm Ung Chính đầu tiên, Nhân Thọ hoàng thái hậu, người mới làm thái hậu được nửa năm, đột ngột qua đời trong cung Vĩnh Hòa, hưởng thọ 64 tuổi.
Về cái chết của Nhân Thọ hoàng thái hậu, lập luận phổ biến nhất là bà bị Ung Chính ép chết. Tuy nhiên, lời đồn này không có cơ sở để khẳng định. Về tình về lý mà nói, Ung Chính không có khả năng ép chết mẹ mình. Tuy nhiên, Nhân Thọ hoàng thái hậu cũng không phải chết một cách bình thường. Nhiều sử gia cho rằng bà đã tự sát và sau khi qua đời hoàng thái hậu được an táng trong hoàng lăng.