Theo đó, Chính phủ đồng ý với chủ trương kéo dài thời gian thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Chính phủ giao NHNN chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 để trình Quốc hội theo quy định.
Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hết hiệu lực vào ngày 15/8 năm nay. Tuy nhiên do lo ngại nợ xấu tăng cao ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đề nghị thời gian áp dụng nghị quyết số 42 của Quốc hội kéo dài đến ngày 15/8/2025.
Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết sau gần 5 năm thực hiện, Ngân hàng Nhà nước cho biết xử lý nợ xấu đã đạt kết quả tích cực. Khách hàng tự nguyện, chủ động và hợp tác hơn trong việc trả nợ tổ chức tín dụng.
Theo thống kê từ ngày 15/8/2017 đến ngày 30/11/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 373.300 tỷ đồng nợ xấu; trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 193.300 tỷ đồng; xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 98.400 tỷ đồng...
Tổng số nợ xấu được xử lý trong thời gian áp dụng nghị quyết 42 đạt trung bình khoảng 5.660 tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2.140 tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi nghị quyết số 42 có hiệu lực.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng. Nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng liên tục từ năm 2020 đến nay, đến cuối tháng 12 năm ngoái tăng cao ở mức 1,9%.
Đánh giá một cách thận trọng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho công ty quản lý nợ và tài sản của các tổ chức tín dụng và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức cao là 7,42%.
Trường hợp dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và chưa được kiểm soát thì nợ xấu tiếp tục tăng cao, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn nợ xấu có thể cao hơn mức 7,5%. Như vậy, nguy cơ nợ xấu gia tăng trở lại do dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mọi hoạt động của nền kinh tế.
Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc tiếp tục kéo dài cơ chế xử lý nợ xấu theo nghị quyết 42 là rất cần thiết.
Theo dự báo của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được dự báo có thể lên mức 2,3-2,5% và nợ xấu gộp sẽ khoảng 6% trong năm 2022, và có thể còn ở mức cao hơn từ năm 2024.
Để trách " sốc" nợ xấu tăng cao, đặc biệt trong nửa cuối năm, từ đầu năm đến nay các ngân hàng rầm rộ rao bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Thậm chí, có ngân hàng dù chấp nhận mất toàn bộ tiền lãi phát sinh vẫn khó bán nợ xấu.
Chẳng hạn, BIDV bán đấu giá tài sản là khoản nợ của Công ty TNHH Thép Việt Nga với số dư nợ gốc và nợ lãi tính đến 2/7/2021 là 475 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc của khoản vay là 267 tỷ và dư nợ lãi, phí phạt chậm trả là 208 tỷ đồng theo hợp đồng tín dụng hai bên thực hiện từ năm 2010.
Đáng chú ý, đây đã là lần thứ 10 BIDV rao bán khoản nợ này. Trong 9 lần rao bán trước đó, dù đã liên tục giảm giá khởi điểm của khoản nợ, ngân hàng vẫn thanh lý bất thành.
Trong lần rao bán thứ 10, giá khởi điểm BIDV đưa ra chỉ là 269 tỷ, tương đương số dư nợ gốc ngân hàng đã cho Thép Việt Nga vay. Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng đã chấp nhận mất toàn bộ tiền lãi phát sinh trong hợp đồng tín dụng đã ký nhà sản xuất thép có địa chỉ tại Khu công nghiệp Đức Hòa 1, huyện Đức Hòa Đông, tỉnh Long An.