CTCP Cảng Hải Phòng (HNX: PHP) vừa công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 ghi nhận doanh thu thuần gần 2.285 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ và lãi ròng hơn 696 tỷ đồng, tăng 23%.
Theo giải trình của PHP, doanh thu cung cấp dịch vụ tăng do sản lượng hàng hóa thông qua cảng tăng. Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính tăng do tỷ giá đồng yên Nhật đối với vốn vay ODA giảm.
Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản PHP có hơn 6.102 tỷ đồng, tăng gần 300 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng gấp đôi lên 309 tỷ đồng. Doanh nghiệp có 2.751 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là các khoản tiền được gửi có kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng tại các nhà băng trong nước với lãi suất từ 4,9%/năm đến 5,7% năm.
Liên quan đến số dư khoản phải trả người lao động 189 tỷ đồng treo trên báo cáo tài chính, Cảng Hải Phòng (PHP) cho biết, còn số 189 tỷ đồng là tổng hợp số liệu không chỉ của Cty Mẹ- Cảng Hải Phòng mà là tổng hợp của nhiều công ty thành viên Cảng Hải Phòng là cổ đông chi phối. Số lượng nhân viên là hơn 3500 lao động (trong đó, số nhân viên tại Cảng Hải Phòng mẹ là 1.498 người).
Đây là quỹ tiền lương phải trả cho người lao động tháng 12/2021 (sẽ được chi vào từ mùng 7-12 của tháng sau theo thỏa ước lao động), quyết toán tiền lương quý IV/2021 và một số khoản chi cho người lao động trong dịp Tết. Vì vậy, trên thực tế doanh nghiệp thực hiện tốt các chế độ chính sách, không nợ các khoản lương, BHXH, BHYT.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả PHP còn 1.105 tỷ đồng tính đến cuối năm 2021. Nợ vay tài chính chiếm chủ yếu tổng nợ vay với hơn 636 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khoản phải trả người lao động cũng neo cao với 189 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dù kết quả kinh doanh ổn định với lãi ròng đều trên mức nửa nghìn tỷ đồng mỗi năm, song khoản mục nợ người lao động của PHP luôn neo ở mức cao trong 1 thời gian dài, và có chiều hướng ngày càng tăng lên trong những năm gần đây.
Tính đến cuối năm 2021, tổng số nhân viên tại PHP mẹ là 1.498 người, và hơn 3.500 lao động (hợp nhất).
Như vậy, với gần 189 tỷ đồng nợ phải trả là các khoản lương của tháng 12/2021, thưởng và chi cho người lao động dịp Tết, theo thỏa ước lao động, ước tính trung bình mỗi lao động của Cảng Hải Phòng (bao gồm công ty mẹ và công ty thành viên được hợp nhất) sẽ được nhận về khoảng 54 triệu đồng/lao động.
Ngoài ra, tại báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021, kiểm toán viên đã đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến tài sản thuộc cầu cảng số 4, 5 và bãi container Cảng Chùa Vẽ.
Cụ thể, theo kiểm toán viên, Tại thời điểm 31/12/2021, Công ty đang ghi nhận tại chỉ tiêu "Tài sản cố định hữu hình" trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất đối với các tài sản thuộc cầu cảng số 4, 5 và bãi container Cảng Chùa Vẽ với tổng nguyên giá gần 280 tỷ đồng, giá trị còn lại hơn 149 tỷ đồng. Nguồn vốn hình thành nên các tài sản này được ghi nhận tại chỉ tiêu "Vay và nợ thuê tài chính dài hạn" giá trị tương ứng hơn 342 tỷ đồng.
Đây là các tài sản thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp Cảng Hải Phòng giai đoạn 2 do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ. Hiện tại, Công ty đang trình các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án khai thác các tài sản này.
Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, Công ty đã tạm nộp vào ngân sách Nhà nước một số khoản có liên quan đến dự án nên trên, bao gồm: Khấu hao của các tài sản thuộc cầu cảng 4, 5 và bãi container Cảng Chùa Vẽ trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến ngày 31/12/2018 là 44.8 tỷ đồng, chi phí lãi vay ODA Nhật Bản tạm tính là 149.3 tỷ đồng.
Thực hiện theo Nghị quyết của HĐQT, Công ty đã dừng trích khấu hao, dừng ghi nhận chi phí lãi vay kể từ ngày 01/01/2020 đối với các tài sản thuộc cầu cảng số 04, 05 và bãi container Cảng Chùa Vẽ để chờ được phê duyệt phương án quản lý chính thức đối với tài sản này. Tuy nhiên, Công ty cũng chưa ghi nhận và phản ánh khoản chi phí thuê các tài sản nêu trên vào BCTC hợp nhất 2021.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu kiểm tra lại quá trình cổ phần hóa của Công ty (trong điều kiện hồ sơ quyết toán giá trị vốn Nhà nước tại thời điểm cổ phần hóa của Công ty chưa được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt). Khi có sự phê duyệt chính thức của Cơ quan quản lý về phương án vay, trả nợ, Công ty sẽ thực hiện các điều chỉnh cần thiết đối với BCTC hợp nhất 2021.
Giải trình cho vấn đề này, Công ty cho biết, ý kiến ngoại trừ này đã được nêu từ giai đoạn công ty chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ ngày 01/07/2014 và đã được PHP giải trình bằng văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội về việc giải trình ý kiến ngoại trừ của kiểm toán trong BCTC từ năm 2014 đến năm 2019. Cho đến ngày 31/12/2021, Cơ quan quản lý chưa phê duyệt phương án xử lý đối với các tài sản cầu số 4, số 5 và bãi container cảng Chùa Vẽ nên vẫn tồn tại ý kiến kiểm toán ngoại trừ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/3, cổ phiếu PHP hiện đang giao dịch ở mức 27.100 đồng/cp, giảm 1,09% so với phiên giao dịch liền kề.