Dân Việt

Tổng chủ biên nói gì khi giáo viên và học sinh lo lắng vì có tới 100 tổ hợp môn lựa chọn?

Tào Nga 28/03/2022 06:59 GMT+7
PV báo Dân Việt đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 xoay quanh vấn đề đang "nóng" của giáo dục là chương trình lớp 10 trong năm học tới.

Theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ năm học 2021-2022, thay vì 13 môn như hiện nay, học sinh lớp 10 sẽ học 12 môn. Cụ thể ngoài 7 môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, nội dung giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp), học sinh được chọn 5 trong số 10 môn học lựa chọn được thiết kế theo 3 nhóm tương ứng với 3 định hướng nghề nghiệp là khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Kinh tế và Pháp luật); khoa học tự nhiên (các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học); công nghệ - nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật).

Học sinh sau khi học xong THCS căn cứ vào năng lực, sở trường và đam mê của bản thân sẽ lựa chọn một trong 3 định hướng trên khi học lên THPT để chuẩn bị cho hướng đi sau này.

Tuy nhiên, việc chọn 5 môn lựa chọn khiến xảy ra xác suất có thể tới hơn 100 tổ hợp môn trong chương trình lớp 10 mới. Điều này đang khiến nhà trường, gia đình và dư luận quan tâm. 

PV báo Dân Việt đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tổng chủ biên nói gì khi giáo viên và học sinh lo lắng vì có tới 100 tổ hợp môn lựa chọn? - Ảnh 1.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: LĐ

Chào ông, xin ông cho biết việc thiết kế chương trình mới ở trung học phổ thông (THPT) để học sinh chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp sẽ mang lại ý nghĩa gì cho giáo dục Việt Nam?

- Theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội và Quyết định số 404 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) thì GDPT gồm hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học và trung học cơ sở), giai đoạn giáo dục nghề nghiệp (THPT). Việc thiết kế chương trình mới ở THPT để học sinh chọn môn học vừa bảo đảm phù hợp với định hướng nghề nghiệp của học sinh, vừa giảm số môn học bắt buộc để tránh quá tải cho các em.      

Vậy nhà trường sẽ tổ chức dạy học thế nào khi mỗi học sinh chọn mỗi tổ hợp khác nhau trong khi có tới hơn 100 tổ hợp môn học?

- Việc này thực ra đơn giản hơn suy nghĩ của người ngoài cuộc. Mỗi học sinh học sinh sẽ lựa chọn môn học theo cách sau:

Đăng ký học các chuyên đề của 3 môn học phù hợp nhất với định hướng nghề nghiệp của mình. Ví dụ học sinh có dự định vào các ngành Luật, Kinh tế, Giáo dục công dân, Giáo dục học, Tâm lí học ở bậc đại học có thể chọn học chuyên đề của các môn Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật; thời lượng học mỗi cụm chuyên đề của một môn là 1 tiết/tuần.

Chọn thêm 2 môn học ở nhóm khác để bảo đảm giáo dục toàn diện. Ví dụ học sinh có dự định vào các ngành Luật, Kinh tế, Giáo dục công dân, Giáo dục học, Tâm lí học ở bậc đại học có thể chọn các môn Sinh học, Tin học, mỗi môn chỉ học 2 tiết/tuần.

Còn về các trường thì cách làm đơn giản nhất là:

Tổ chức các lớp học cố định để học các môn học như từ trước tới nay.

Tổ chức các lớp học môn học lựa chọn và chuyên đề, xác định sĩ số mỗi lớp theo đúng quy định. Nếu số học sinh đăng kí vào một lớp vượt quá sĩ số quy định thì chuyển học sinh vào lớp khác theo nguyện vọng 2 (và nguyện vọng 3, nếu cần). Căn cứ để lựa chọn học sinh vào các lớp chuyên đề là "độ dốc" của điểm thi đầu vào hoặc điểm tổng kết môn học tương ứng của mỗi học sinh ở THCS.

Ngoài lo lắng của học sinh và phụ huynh, thực tế cũng có nhiều giáo viên băn khoăn sẽ xảy ra việc học sinh lựa chọn học không đồng đều giữa các môn, có giáo viên sẽ quá tải và có nhiều giáo viên bị... thất nghiệp. Ý kiến của ông thế nào?

- Việc này đã được Bộ GDĐT chỉ đạo Ban Phát triển Chương trình tính toán. Đối với các môn học bắt buộc thì không có gì thay đổi. Đối với các môn học lựa chọn, căn cứ số lượng giáo viên các môn trong biên chế của mình, nhà trường tổ chức lớp học như từ trước tới nay và điều hòa việc tổ chức các lớp học phù hợp với tình hình thực tế như tôi đã nói. Cho nên sẽ không thể xảy ra tình trạng giáo viên môn này quá tải, còn giáo viên môn khác không có việc làm. 

Bộ GDĐT đã có Công văn số 5512 ngày 18/12/2020 hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT 2018, trong đó có việc xây dựng kế hoạch giáo dục, đồng thời cũng đã triển khai một mô-đun bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục về xây dựng kế hoạch giáo dục. Căn cứ hướng dẫn của Bộ, các sở giáo dục và đào tạo cũng đã có văn bản hướng dẫn các trường. Trên thực tế thì không có sự lúng túng hay hoang mang, lo lắng ở các cơ sở giáo dục.

Nhiều tổ hợp có thể gây khó khăn cho học sinh không khi ở lứa tuổi này nhiều em không biết mình thích gì, định hướng gì và tâm lý sẽ thay đổi liên tục không, thưa ông?

- Trong Ban soạn thảo Chương trình Giáo dục phổ thông có các chuyên gia toán học, cho nên không phải bây giờ mới tính được về mặt lí thuyết sẽ có bao nhiêu tổ hợp. Nhưng trong tính toán, chúng ta không thể quên 2 dữ kiện quan trọng là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường. Làm tính mà không đủ dữ kiện thì kết quả sẽ không chính xác. Trên cơ sở quy định của chương trình, nguyện vọng của học sinh, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của mình, các trường sẽ xác định những tổ hợp phù hợp với thực tế.

Còn về phía học sinh, nếu các em có nguyện vọng thay đổi môn học lựa chọn mà nhà trường có điều kiện đáp ứng nguyện vọng ấy (ví dụ, sĩ số lớp học không vượt quá quy định) thì nhà trường sẽ bảo lưu kết quả học tập cũ để các em được lên lớp, nếu đủ điều kiện, nhưng các em phải sắp xếp thời gian học lại các môn học mới.  

Trong thời gian vừa qua ông đã nhận được phản hồi từ dư luận về thiết kế lựa chọn môn học thế nào?

- Ngay trong quá trình soạn thảo Chương trình Giáo dục phổ thông, báo chí cũng đã phản ảnh một số thắc mắc về việc dạy học phân hóa ở cấp THPT và chúng tôi đã giải thích cặn kẽ điều này. Nay, sắp triển khai chương trình lớp 10, một số bài báo lại nhắc đến vấn đề này. Báo chí cũng đưa ý kiến của một số thầy cô hiệu trưởng về quan niệm và cách tổ chức lớp học của trường mình. Đó là những ý kiến rất thực tế và xác đáng. 

Tôi tin rằng những ý kiến này sẽ giúp dư luận yên tâm. Và chắc chắn dư luận cũng đồng tình với việc thực hiện giáo dục phân hóa ở cấp THPT để học sinh không phải học quá nhiều môn học, tập trung thời gian cho những môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em.

Cảm ơn ông đã chia sẻ!