Hơn 1 năm nay, ông Đỗ Đức Cường (xã Lộc Khánh, Lộc Ninh, Bình Phước) đã áp dụng hiệu quả cách nhân nuôi men vi sinh để ủ thức ăn chăn nuôi.
Men vi sinh sẽ làm chín các loại tinh bột nhanh hơn, tốt hơn mà không phải đun nấu, cải thiện chất lượng dinh dưỡng thức ăn do hoạt động của vi sinh vật sản sinh ra.
Ưu điểm của việc ủ chín thức ăn bằng men vi sinh là thành phần nguyên liệu được bảo quản gần như nguyên trạng. Thức ăn được ủ men vi sinh không có độc tố, mùi vị thơm ngon, hấp dẫn gia súc.
Nguồn dinh dưỡng từ thức ăn được tận dụng hết, giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Giá thành chế biến thấp, dễ áp dụng với mọi quy mô chăn nuôi, thời gian bảo quản dài.
"Hiện nay, nhiều hộ trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, hướng tới sản phẩm hữu cơ. Tự phối trộn thức ăn cũng là cách làm mang lại hiệu quả kinh tế".
Ông Trần Phú Cường - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bình Dương
Theo ông Cường, thức ăn được lên men với lượng nước rất ít, gọi là lên men khô ẩm; thức ăn cũng có thể lên men với nhiều nước, gọi là lên men nước.
Để làm men vi sinh ủ thức ăn, ông Cường sử dụng nguyên liệu ban đầu gồm có 1 gói men vi sinh (dành cho người), 1 lít mật rỉ đường, và sữa. Có thể sử dụng loại sữa có đường, khoảng 1kg; thêm 1 chai sữa Proby cho trẻ em hoặc sữa chua cũng được. Tất cả nguyên liệu này được pha trộn bằng nước ấm để quá trình lên men, hòa tan hỗn hợp nhanh hơn.
Men vi sinh làm chín thức ăn chăn nuôi bằng phương pháp sinh học. Vì thế, quá trình tự sản xuất thức ăn mang lại nhiều lợi ích trực tiếp cho người chăn nuôi.
Ngoài cám gạo, bột bắp, bột đậu nành, các loại phế phẩm nông nghiệp như thân cây chuối, thân cây bắp cũng có thể ủ men vi sinh làm thức ăn.
"Từ khi sử dụng men vi sinh ủ thức ăn, đàn lợn gần 100 con của gia đình lớn nhanh hơn so với lợn ăn thức ăn công nghiệp, trong cùng khoảng thời gian chăn nuôi" - ông Cường nói.
Chăn nuôi theo hướng hữu cơ
Từ đợt giá lợn giảm cuối năm 2021, ông Trần Văn Phú ở xã Vĩnh Hòa (huyện Phú Giáo, Bình Dương) đã nuôi lợn bằng hỗn hợp thức ăn tự trộn tại trang trại của mình.
Nguyên liệu trộn chủ yếu là đậu nành, bột bắp, bột cá, cám xay, hoàn toàn không sử dụng chất tăng trọng. Vì thế, nguồn thịt lợn cung cấp cho thị trường từ trại của ông luôn có giá trị cao hơn thịt lợn nuôi từ thức ăn công nghiệp.
Theo ông Phú, trong 1 mẻ thức ăn tự trộn, cám bắp chiếm 60%; cám gạo từ 10-12%. Còn lại là bã đậu nành, premix, bột cá và dầu ăn. Trong đó, 2 thành phần chính là cám bắp và cám gạo được đem ủ lên men trước. Sau 48 tiếng, cám ủ được đem trộn với đậu nành, bột cá, dầu ăn, premix. Trong vòng 3-5 tiếng phải cho ăn hết thức ăn vừa phối trộn.
Ông Phú cho biết, chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ là không sử dụng các chế phẩm công nghiệp, các chất tạo nạc và các chất kích thích khác. Cũng vì ăn thức ăn hữu cơ, lợn ít bệnh do hạn chế lượng kháng sinh.
Bằng cách tự phối trộn, lượng thức ăn cho lợn giảm hơn 20% so với chăn nuôi truyền thống, lợn tăng trọng nhanh nên thời gian nuôi rút ngắn.
Đây là cách nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường về nguồn thịt sạch, an toàn. Hiệu quả trước mắt với người chăn nuôi là giảm chi phí thức ăn đầu vào; giảm ô nhiễm chuồng trại.
Thịt lợn nuôi bằng thức ăn hữu cơ tươi màu, dẻo thơm nên được khách hàng ưa chuộng. "Giá bán lợn tại trại luôn cao hơn giá thị trường từ 1.000-2.000 đồng/kg" - ông Phú cho biết.