Chiêu thức lừa đảo rất tinh vi nổi lên trong thời gian gần đây có thể kể đến đó là cố tình "chuyển tiền nhầm" vào tài khoản ngân hàng.
Thủ đoạn này không mới, tuy nhiên đã được nâng cấp thêm về mức độ tinh vi, đánh vào tâm lý cả tin hoặc thiếu hiểu biết về quy định pháp luật của nạn nhân để thực hiện hành vi lừa đảo.
Theo đó, tài khoản ngân hàng của Khách hàng (tạm gọi là Khách hàng X) nhận được số tiền, không rõ người gửi với nội dung chuyển khoản mập mờ "Cho X vay trong 40 ngày".
Một tài khoản Zalo lạ, chủ động nói chuyện và cho biết Khách hàng X đã được một Công ty tài chính giải ngân số tiền trên. Sau đó, kẻ giả mạo này yêu cầu Khách hàng X thanh toán số tiền "vay" kia kèm theo lãi suất cắt cổ.
Với chiêu thức lừa đảo "hỗ trợ trả lại tiền nhầm", kẻ lừa đảo theo dõi mạng xã hội, tìm kiếm những trường hợp Khách hàng đăng bài trên Facebook/Zalo/… thông báo nhận được tiền do "chuyển nhầm" vào tài khoản, đang có nhu cầu trả lại tiền.
Đối tượng này giả danh nhân viên ngân hàng, kẻ lừa đảo liên hệ hỗ trợ, yêu cầu Khách hàng đăng nhập bằng username, password, mã OTP vào đường link giả mạo do đối tượng cung cấp (có giao diện giống với website của Ngân hàng).
Khi đó, nếu khách hàng làm theo hướng dẫn, khách hàng sẽ bị mất quyền sở hữu tài khoản.
Ngoài hình thức lừa đảo tinh vi đề cập ở trên, trong thời gian gần đây, một số đối tượng đã mạo danh Nhân viên ngân hàng tiếp cận, đánh cắp thông tin bảo mật, chiếm đoạt tiền trong tài khoản và thẻ tín dụng của Khách hàng thông qua phương thức mời chào rút tiền từ thẻ tín dụng.
Theo đó, đối tượng gọi điện/nhắn tin mời chào dịch vụ bằng SIM rác với nội dung: Rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, dễ dàng đáo hạn hàng tháng hoặc chuyển trả góp với phí, lãi suất thấp hơn để lôi kéo Khách hàng.
Sau khi Khách hàng đồng ý, đối tượng yêu cầu chủ thẻ cung cấp thông tin của thẻ tín dụng vật lý hoặc thông tin thẻ (bao gồm số thẻ và mã CVV, thậm chí kẻ gian còn tạo niềm tin cho Khách hàng bằng cách yêu cầu che đi mã CVV trước khi cung cấp thông tin), hình ảnh CMND/CCCD, mã hợp đồng gửi đến số điện thoại nếu cần (thực chất là mã OTP của giao dịch trừ tiền từ thẻ tín dụng) và số tiền cần rút.
Theo phản ánh của ngân hàng, trong trường hợp này có Khách hàng được chuyển khoản đến tài khoản cá nhân nhưng số tiền nhận được ít hơn nhiều so với số tiền đã ghi nợ trên thẻ trước đó; hoặc có trường hợp Khách hàng bị kẻ gian sử dụng thẻ để thực hiện các giao dịch trái phép (Chiếm đoạt toàn bộ hạn mức thẻ qua các giao dịch thanh toán trực tuyến hoặc lợi dụng thông tin thẻ vào mục đích bất hợp pháp).
Các ngân hàng khẳng định, việc yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân như: toàn bộ thông tin số thẻ, ngày hết hạn thẻ, mã bảo mật CVV hoặc mã OTP khi mời chào rút tiền từ thẻ tín dụng như trên đều là lừa đảo. Dịch vụ hỗ trợ thẻ tín dụng của các ngân hàng (trả góp, rút tiền….) không yêu cầu Khách hàng cung cấp các thông tin trên.
Từ những thủ đoạn phân tích ở trên, nhiều ngân hàng đã ra khuyến cáo khách hàng không cung cấp thông tin bảo mật như: Mật khẩu truy cập, Mật khẩu giao dịch một lần OTP, số thẻ, mã số PIN, mã bảo mật CVV cho bất cứ ai và dưới bất cứ hình thức nào, kể cả Nhân viên ngân hàng.
Đồng thời, tuyệt đối bảo mật thông tin thẻ trong quá trình sử dụng. Không cho người khác mượn thẻ để sử dụng, không chụp ảnh/lưu ảnh thẻ trên điện thoại và gửi qua mạng xã hội để tránh bị kẻ xấu lợi dụng.