Những bài thơ trong tập được tác giả viết vào năm 2021 khi anh vừa chung cảnh ngộ với mọi người là phải ngồi nhà cách ly vì đại dịch Covid, nhưng vừa có riêng cảnh ngộ của mình là điều trị sau cơn tai biến. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, thơ đã đến với Huỳnh Dũng Nhân như một liều thuốc tinh thần. Nhưng thơ cũng là nguồn mạch cho anh sáng tạo. Anh vừa làm thơ vừa vẽ. Thơ, anh đã có bài đăng báo từ năm 1968 và đã có 5 tập thơ xuất bản trước tập này. Vẽ, anh cũng đã có tranh đăng báo từ năm 13 tuổi, nhưng bẵng đi một thời gian dài nay mới lại cầm cọ. Thơ anh viết về riêng mình. Vẽ anh ký hoạ chân dung các bạn bè đồng nghiệp. Tập thơ "Một chút riêng tư" có thơ và có họa: tác giả cho in 100 chân dung bên cạnh các bài thơ.
MỘT CHÚT RIÊNG TƯ
Tác giả: Huỳnh Dũng Nhân
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2022
Số trang: 115 (khổ 19x19cm)
Số lượng: 500
Giá bán: 990.000
Xuyên suốt tập thơ là những cảm nhận của Huỳnh Dũng Nhân về những ngày mình đang sống và một đời mình đã sống. Những ngày hiện tại trong dịch bệnh lo âu và nao lòng: "Không dám mở cửa sổ/ Sợ nghe còi cứu thương/ Sáng không dám đọc báo/ Sợ những tin bất thường". Phải khép kín trong nhà, anh viết về cô con gái nhỏ về thăm quê ngoại bị kẹt chưa thể lên lại thành phố cùng bố mẹ: "Yên tâm đi con, hết dịch ba sẽ đón con lên/ Sài Gòn vẫn chờ con với những ly trà sữa". Nhưng anh vẫn nhắc con phải biết ơn những người đang ngày đêm quên mình chống dịch để đưa lại sự bình an cho bao người dân. Và dặn con trong tình cảnh này phải biết "xa điện thoại, bớt chơi game con ạ" để biết sống cùng mọi người, trước hết là những người ruột thịt của mình. Lòng người bố nhớ con khắc khoải, nhưng cũng thấy vui khi vì hoàn cảnh xa nhà mà con tự lớn khôn hơn: "Khi ở nhà con chưa tự xúc ăn/ Chưa biết ăn rau, sợ nhìn mắt con cá/ Nay về quê phải làm quen tất cả/ Sống vô tư, không còn hay dỗi hờn".
Anh viết về vợ, về nỗi lo một hôm vợ vắng nhà trong mùa dịch: "Hôm nay nhà vắng một người/ Bỗng như sa mạc, vợ ơi mau về". Bởi có vợ ở nhà là có tiếng cười cho anh thấy mình yên tâm. Vợ cười khi tự mình cắt tóc cho con trai, khi gọi điện qua Facetime cho con gái ở quê, khi mua được đồ ăn qua mạng, mua được thuốc cho chồng, khi "tám" với bạn bè qua chát chít… "Nhưng cũng rất nhiều lần vợ tôi không cười/ Mà rưng rưng mắt đỏ/ Ấy là khi đọc tin mùa dịch và con số tử vong…" – người chồng cần người vợ cả ở những lúc sẻ chia, cảm thông nỗi đau của đồng loại như vậy nữa.
Những ngày sống hiện tại của Huỳnh Dũng Nhân còn là lòng biết ơn, cảm phục những người trong ngành y tế, những người lính, những người sống quanh ta đã đem lại cho anh cũng như mọi người dân niềm tin và nghị lực để sống, để vượt qua và chiến thắng đại dịch Covid. "Mai hết dịch nhưng còn mãi tình người".
Phần thứ ba của tập thơ mang tên "Thơ tặng quỹ thời gian" là những chiêm nghiệm, suy tư của Huỳnh Dũng Nhân về cuộc đời 67 năm mình sống đến hôm nay. Sau cơn tai biến bị đặt giữa lằn ranh sống chết, anh bắt đầu tính đếm quỹ thời gian đời người còn lại của mình. Anh cảm thấy giờ đây "cứ mỗi ngày nhanh hơn một chút/ quỹ thời gian ngắn lại mỗi ngày". Anh muốn quay ngược kim đồng hồ để lại được "mắt hạt nhãn ngơ ngác nhìn đời/ mơ với từng ánh trăng/ cười đón ánh nắng trời/ mỗi sáng thức với hoài bão căng đầy vồng ngực". Anh không muốn ngủ vì tiếc "một phần ba mỗi ngày". Nhưng dù tiếc nuối, mong muốn bao nhiêu thì mỗi ngày vẫn bắt đầu như thế, ngày đã qua là đã qua, ngày sắp tới vẫn tới. Huỳnh Dũng Nhân thấy mình mỗi sáng vẫn còn được mặt trời đánh thức là còn được hạnh phúc mỗi ngày.
Cố nhiên khi nghĩ về sự hữu hạn của kiếp người anh không tránh né nói về cái chết vì con người có ai trốn tránh được cái chết đâu. Và khi anh đã hiểu ra đường đời là "Đường một chiều/ Không bao giờ trở lại/ Không còn gì dù đã có rất nhiều/ Hư vô đến không còn hư vô nữa/ Tan biến như chưa hề có, mất tiêu!". Do đó ta phải biết yêu mình trong một lần được sinh ra, được làm người. Anh nghĩ về ngọn lửa sẽ hoả táng mình một mai. Anh tưởng tượng ra cái cảnh lửa sẽ cháy từng bộ phận cơ thể mình như thế nào, bắt đầu từ tóc đến mắt miệng, cái bụng rồi chân cẳng.
Tất cả cháy, cháy từ từ không vội
Xoá dần đi những dấu vết cuối cùng
Một cái thằng tên là Huỳnh Dũng Nhân
Với cú ấp ôm cuối cùng là lửa
Rồi tôi sẽ nằm gọn trong bình sứ
Gắn bảng tên như từng gắn khắp nơi
Nằm trong chùa thơm nhang khói ngàn đời
Thế là hết một kiếp người. Vĩnh biệt!
Chính quyền ở nơi cư trú sẽ nhắn cho vợ tôi biết
Nhà nước hỗ trợ hoả táng ba triệu một ca
Hoả táng văn minh, đỡ tốn đất mà
Đó là chút tiền tôi làm ra lần cuối.
Một cái nhìn như hài hước đùa nghịch nhưng là nghiêm túc nói lên tâm thế bình thản của người đã ngộ ra cái lẽ tử sinh và biết mình đã sắp đi hết một vòng đời "từ thuở tung tăng Bờ Hồ chân đất/ đến lúc chống gậy nhìn toà tháp cao nhất Sài Gòn", đã sống gần trọn một kiếp người "đầy buồn đau nhưng kiêu hãnh làm Người".
Trong những suy tư về kiếp người hữu hạn và thời gian vô hạn của Huỳnh Dũng Nhân có thoáng hiện nỗi buồn mang mang của thi nhân đời Đường Trần Tử Ngang "tiền bất kiến cổ nhân, hậu bất kiến lai giả". Nỗi ngậm ngùi và giọt lệ trong thơ người đời trước vẫn cảm thấy trong thơ người đời nay. Mà có ai là người không ngậm ngùi cho được trước viễn cảnh cái chết của mình. Càng là thi nhân càng vậy. Nhưng thơ Huỳnh Dũng Nhân ở mảng này có buồn nhưng không ảo não, nặng nề. Trái tim nhà thơ không có sự can thiệp gì của máy móc, không cài đặt gì bên trong cả. "Trái tim anh chỉ nguyên chất Tình Người" – và con người sống chính là bằng trái tim nguyên chất đó.
Huỳnh Dũng Nhân trước đây đã nổi tiếng nghề báo với những thiên phóng sự bám sát thực tế và đầy chất nhân văn. Bây giờ cuộc thơ - họa này của anh sau cơn tai biến tưởng như là riêng tư lại truyền được cảm hứng cho người đọc người xem. Anh đã bày tranh những bức vẽ chân dung tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam đầu tháng 3/2022. "Tôi đi, và tự nhiên thấy vội/ Chân trời kia có ai đợi chờ đâu", anh nói vậy nhưng biết là có nhiều bạn bè đồng hành vẫn cùng anh đi.
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác!
Hà Nội, 28/3/2022