Như Huy với tôi là một người chơi. Anh chơi riết ráo, cạn mình.
Nhớ hồi anh em mới gặp nhau, Huy mập người, đàn hay hát giỏi, uống rượu phóng xe ô tô như điên giữa Sài Gòn đêm tối. Rồi xem Huy làm nghệ thuật “Ga 0” (Zero Station) khác người. Rồi đọc sách Huy dịch “Thế mà là nghệ thuật ư?” của Cynthia Freeland. Tiếp đó là “Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật” của Sarah Thornton. Với người dịch, lựa chọn sách dịch cũng là lựa chọn một thái độ, một quan niệm, nhất là trong văn chương nghệ thuật. Huy còn giúp cho giới hội họa cái từ “Giám tuyển” để dịch cái từ tiếng Anh “Curator” mà hễ có triển lãm tranh là mọi người lại loay hoay không biết nói tiếng Việt thế nào cho ra cái nghĩa của nó. Rồi nghe thơ Huy, nghe nhạc Huy. Đĩa nhạc mang tên “Chạm vào…” do Huy sáng tác đã có một âm điệu khác lạ, ra Huy và là Huy.
SỰ THẬT CHÍNH LÀ SỰ VUI
Tác giả: Như Huy
Nhã Nam & Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2022.
Số trang: 107 (khổ 13x20,5cm)
Số lượng: 1000
Giá bán: 90.000
Bẵng đi một thời gian tôi không gặp Huy, tuy vẫn nghe biết tin tức. Nhiều lần vào Sài Gòn nhớ Huy xưa tính gọi gầy cuộc anh em tụ hội. Nhưng Huy đã khác.
Gặp lại tôi ngạc nhiên thấy một Huy gầy người, trầm lặng, không sôi nổi, ồn ào như trước. Mà cũng có một vẻ lạnh khác trước. Huy giờ như tránh đông đúc, nhộn nhạo. Huy bỏ phố về rừng, lên Đà Lạt ở. Tự mình chăm sóc bản thân, làm vườn, nấu nướng, pha chế cà phê. Và vẫn viết đều trên “phây” của mình. Cuối mỗi bài viết Huy thường đề “Kẻ hèn kiêm Nghệ sĩ nghèo kiêm Thi sĩ nghèo” vừa điệu vừa kiêu, nay có thêm danh xưng “Cô Huy Đà Lạt”. (“Cô Huy” này chắc không phải chọc nghịch phái tính, mà có lẽ là một Huy cô độc, như nhà văn Lê Văn Trương thuở nào gọi mình “Cô Lý” nghĩa là cái lý cô đơn). Nhưng đọc những bài trên “phây” của Huy thì thấy vẫn một Huy ấy trong sâu sắc nghĩ ngợi những vấn đề triết học văn chương. Huy lên rừng nhưng không bỏ sách vì nghiệp dĩ đọc sách cho thấy “sức nặng không cùng của tiếng-vô-ngôn”. Và cái viết nào của Huy về sách và từ sách đối với tôi đều lý thú và bổ ích. Như thế anh em có ít gặp nhau, hay cách nhau, vẫn là không xa nhau.
Cho đến một ngày Huy gửi tôi bản thảo tập thơ này. Nói là em định xuất bản, anh đọc thử coi. Còn rủ hôm nào anh vô nhà em làm đêm thơ nhạc cho vui. Tôi đọc và cảm giác đầu tiên là thích. Thích vì thoạt đầu thấy thơ ngồ ngộ. Những bài thơ như là lời kể, truyện kể, có dáng dấp ngụ ngôn. Lời thơ như lời nói thường, câu thơ như câu nói chuyện. Mà chuyện trong thơ cũng toàn là chuyện hàng ngày, có tính thời sự nữa, như cảnh bia hơi vỉa hè mấy người ngồi bốc phét, cảnh một gia đình bố mẹ chia tay gặp nhau trong quán cà phê, hay chuyện cộng đồng Facebook Việt Nam. Sự - thơ của Như Huy ở đây nhìn qua ngỡ như là sự - chơi. Đọc nó ta thấy tác giả chơi-thơ như đứa trẻ chơi xếp hình, đơn giản, dễ dàng, mà bất ngờ, thú vị. Như người bố dạy con về bản chất truyền thông. Vật liệu cuộc sống thành vật liệu thơ. Và sự chơi ở đây là sự lắp ghép. Chưa chi tôi đã nảy ý phải giới thiệu vài bài thơ này của Huy cho các nhà làm sách giáo khoa, biết đâu.
Nhưng đó chỉ là nhìn thoáng. Nhìn sâu vào, sự-thơ của Như Huy là sự - chơi kỳ công. Đằng sau vẻ hồn nhiên, đơn giản của câu chữ là những vấn đề rốt ráo của nhân sinh nhìn dưới góc độ triết học được diễn giải tưởng như dễ hiểu mà khiến người đọc phải suy xét tận cùng. Sự-thật chính là sự-vui. Nhưng thế nào là sự thật, thế nào là lòng tốt, thế nào là yêu thương. Những câu hỏi không dễ trả lời dứt khoát, minh định rõ ràng theo lối thông thường. Đến đây thì tôi phải gọi thơ Huy là một thứ thơ dẫn dụ triết học.
Nó bắt đầu ở cách dùng chữ “Sự” ngay từ tên sách và những gạch nối cho nhiều từ ngữ trong thơ. Để nhấn mạnh, có thể. Nhưng còn là để vật hóa một ý niệm, quan niệm, để cụ thể hóa cái trừu tượng.
Nói về thơ chán nhưng liên tưởng tới triết gia Kant: “Và như thế thơ chán luôn tồn tại/ Với loài người như một thước đo/ Cả năng-lực-sống-cùng-kẻ-khác/ Lẫn hành vi đạt tới tự do”.
Nói tình yêu tổ quốc nhưng là bàn chuyện khái niệm định nghĩa. Định nghĩa tình yêu tổ quốc bằng cách so sánh như yêu chùm khế sau nhà, như yêu một kẻ cùng quê, như cùng ghét một nước kia, như yêu tiếng mẹ đẻ, liệu đã đúng chưa, đã đủ chưa, đã khả thể chưa. Vậy thế nào là tình yêu tổ quốc, mỗi người phải tìm cách định nghĩa.
Thơ dẫn dụ triết học nhưng Huy dẫn dụ nên thơ khiến người đọc ngộ được ra cái chiều thẳm sâu bên trong đằng sau những chuyện lâu nay tưởng chừng đơn giản. Huy làm rối trí người đọc nhẹ nhàng theo cách không ngờ tới.
Nhiều người thích bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ sẽ bất ngờ trước phát hiện của Huy: “Tiếng mẹ làm sao tự kể được về mình”. Người làm thơ viết thơ ca ngợi, tôn vinh tiếng Việt phải dùng chính tiếng Việt. Đó là sự bất khả của ngôn ngữ. “Tiếng mẹ trở nên hư vô lập tức / Khi vỏ ngôn từ phải hóa nội dung/ Đôi mắt không thể tự nhìn thấy chúng/ Nét cọ nào vẽ nổi Cái-Rỗng-Không?”
Từ đây Huy đẩy xa tới triết học ngôn ngữ: ngôn ngữ là cái lồng giam thi sĩ, rộng ra là hữu thể. Tôi biết Huy có bận tâm nhà triết học Martin Heidegger nên không xa lạ tư tưởng nổi tiếng của ông: “Ngôn ngữ là ngôi nhà của Tồn Tại.” (theo cách dịch của Bùi Văn Nam Sơn). Thơ Huy lật sâu vào phía triết của đời có lẽ cũng là vì vậy.
Ở một phía khác, khi nói về tình yêu tổ quốc, Huy cũng đã nói tới ngôn ngữ. Nếu hiểu tình yêu tổ quốc là yêu tiếng mẹ đẻ thì thứ tiếng đó không chỉ là chiếc nôi an toàn của người xứ đó. “Tiếng mẹ còn là Hố Thẳm/ Một ngày con phải nhảy qua/ Tiếng mẹ còn là Ngục Tối/ Đôi khi con phải thoát ra”. Một câu chuyện tình cảm nhưng đã mang ý vị triết học với hai khái niệm Vực Thẳm và Ngục Tối.
Nhưng khi đã không thoát ra được thì con người cứ phải vật lộn vẫy vùng trong ngôn ngữ. Bất khả định nghĩa rốt ráo, tận cùng, nhưng người ta vẫn phải định nghĩa sự vật, hiện tượng, khái niệm, tư tưởng theo một cách tương đối, dù là tương đối của triết học. Nhiều bài thơ trong tập này của Như Huy là tìm kiếm cách định nghĩa: trí tuệ là gì, việc tốt là gì, tình yêu tổ quốc là gì, thơ chán là gì, sự thật là gì, sự giỏi là gì. Huy nói nhiều về chuyện cái tốt, lòng tốt, người tốt. Khơi gợi, dẫn dụ, Huy đưa người đọc từ nghịch lý “nghề người-tốt” đến hiểu “lòng tốt không có sẵn như sự cương” của đàn ông khi gặp tác nhân nữ kích thích. Một sự so sánh có thể khiến nhiều người nhảy dựng! Người làm việc tốt không biết là mình làm việc tốt nên ai cứ hay giảng về tốt luôn là những kẻ xạo. “Riêng khu vườn vẫn bình yên như cũ/ Nắng vẫn rực vàng trên những lối đi quanh/ Gió vẫn dạt dào trên vòm cây mát lộng/ Lá vẫn xạc xào, hoa cỏ vẫn lặng thinh”, đây là bốn câu Huy kết thúc bài thơ kể chuyện Bồ Câu và Sóc bàn luận chuyện người tốt người xấu. Lòng tốt vô tình vô tư như tự nhiên vậy thôi. Tự nhiên thì vô ngôn.
Và con người nếu được như tự nhiên hiểu thấu qua sự im lặng, sự vô ngôn, “hiểungôn ngữ không là chữ-cái”, khi đó thi sĩ sẽ không còn tuổi và tìm được “công chúng biết-cười” của mình. “Tức những người đọc thơ anh xong/ Thấy Sự - Thật chính là Sự - Vui”. Sự Thật này cao hơn mọi điều thật. Sự Vui này cao hơn mọi niềm vui. Đó là cái Vui - Thật và cái Thật - Vui. Khi đó người đọc biết - cười là đã biết ngộ. Đến được với cái đó Sự - Thơ chính là Sự - Thật. Tập thơ này của Như Huy, tôi nghĩ, chính muốn điều đó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.