Dân Việt

Ninh Bình: Hàng chục giám đốc, cán bộ đi học nuôi lợn an toàn sinh học, tâm đắc vì "vỡ" ra nhiều điều

Trần Quang 29/03/2022 18:41 GMT+7
Đó là nhận định, đánh giá của các học viên tham gia lớp tập huấn “Thực hành tốt và an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn sinh sản” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) phối hợp với FAO tổ chức từ ngày 26 - 28/3 tại Ninh Bình.
 An toàn sinh học đơn giản, dễ áp dụng giúp nông hộ chăn nuôi lợn an toàn giữa đại dịch - Ảnh 1.

Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) chia sẻ với các học viên trong lớp tập huấn “Thực hành tốt và an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn sinh sản” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) phối hợp với FAO tổ chức từ ngày 26 - 28/3 tại Ninh Bình. Ảnh: Trần Quang

Học viên sôi nổi trao đổi về chăn nuôi an toàn sinh học

Ông Bùi Hữu Ngọc - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư Ninh Bình cho biết, lớp tập huấn "Thực hành tốt và an toàn sinh học (ATSH) trong chăn nuôi lợn sinh sản" được tổ chức với sự tham gia của 21 học viên là cán bộ của các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Lớp tập huấn được tổ chức nhằm cung cấp, trang bị những kiến thức về chăn nuôi ATSH cho cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông, các cơ sở chăn nuôi lợn sinh sản bố mẹ quy mô vừa và nhỏ... Từ đó, góp phần thay đổi nhận thức, thói quen trong chăn nuôi theo hướng chất lượng, an toàn, bền vững, giá trị cao.

Bên cạnh đó, theo ông Ngọc, lớp tập huấn còn là dịp để đánh giá bộ tài liệu "Thực hành tốt và ATSH trong chăn nuôi lợn sinh sản quy mô vừa và nhỏ", do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) xây dựng.

Trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các địa phương, Hội đồng chuyên gia biên soạn sẽ nghiên cứu, xem xét, bổ sung, chỉnh sửa những nội dung trong bộ tài liệu cho sát với thực tế chăn nuôi tại Việt Nam. Trong đó, chú trọng đến những vấn đề, lỗi thường gặp trong quá trình thực hành ATSH chăn nuôi lợn sinh sản quy mô vừa và nhỏ.

Khi bộ tài liệu được hoàn thiện sẽ tiến hành in ấn, phát hành rộng rãi tới hệ thống khuyến nông trên toàn quốc. Bộ tài liệu cũng sẽ được cập nhật lên website của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia làm tài liệu phục vụ lâu dài cho công tác đào tạo, tập huấn ToT, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi ATSH cho nông dân...

Sau khi kết thúc lớp tập huấn vào chiều 28/3, bà Bùi Thị Hương, cán bộ của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Gia Viễn cho biết, lớp tập huấn tập trung trao đổi, thảo luận hiệu quả các chuyên đề rất thực tiễn thường gặp trong chăn nuôi lợn sinh sản quy mô vừa và nhỏ và nguyên nhân; giải pháp kỹ thuật về giống lợn, chuồng trại; giải pháp kỹ thuật chăn nuôi lợn đực giống; thực hiện ATSH trong cơ sở chăn nuôi; giải pháp về chăn nuôi lợn nái sinh sản; giải pháp về chăn nuôi lợn con theo mẹ...

"Sau 3 ngày học, các học viên đều cảm thấy rất bổ ích, hấp dẫn và hiệu quả. Chăn nuôi ATSH là kiến thức chúng tôi tâm đắc nhất, vừa là giải pháp chăn nuôi vừa đơn giản, vừa dễ áp dụng giúp bà con hạn chế được dịch bệnh và giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thịt...", bà Hương chia sẻ.

An toàn sinh học, giải pháp đơn giản, dễ áp dụng giúp nông hộ chăn nuôi lợn an toàn giữa đại dịch - Ảnh 3.

Ông Phan Văn Miền kiểm tra sức khỏe lợn giống tại trang trại nuôi lợn của gia đình ở xã Yên Mạc, huyện Yên Mô (Ninh Bình). Ảnh: Trần Quang

Cùng tham gia lớp học với bà Hương, ông Nguyễn Đức Hội, cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp TP.Tam Điệp đánh giá, phương pháp học theo nhóm trong khóa tập huấn lần này rất hiệu quả giúp các học viên được tham gia bàn luận, trao đổi, chia sẻ rất sâu, sôi nổi và ngấm nhanh các kiến thức về chăn nuôi.

Hiện tại người dân tại các xã, phường của Tam Điệp đang chăn nuôi đàn lợn khoảng trên 17.000 con. Trong đó chủ yếu là các trang trại lớn, các gia trại có điều kiện mới còn duy trì được chăn nuôi, còn lại các nông hộ vừa và nhỏ đa phần đã phá sản, nghỉ nuôi lợn do ảnh hưởng bởi đại dịch và giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao.

"Trước đây không chỉ người dân chăn nuôi mà các cán bộ như chúng tôi cũng nhầm tưởng dùng thuốc, khánh sinh, vắc xin mới phòng trừ, tiêu diệt được dịch bệnh nhưng sau khi học xong mọi người mới biết an toàn sinh học là gì. Đó là áp dụng giải pháp chăn nuôi an toàn thông qua các nguyên tắc cách ly, kiểm soát đầu vào, ra và vệ sinh làm sạch; khử trùng..., từ đó có thể hạn chế được dịch bệnh rất hiệu quả mà không phải tiêu tốn nhiều chi phí. Các nông hộ chăn nuôi lợn cũng có thể ap dụng ATSH để chăn nuôi an toàn giữa đại dịch", ông Hội khẳng định.

Hiệu quả kép giúp người nuôi tăng lợi nhuận

Chia sẻ với các học viên tại lớp tập huấn, bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng: Hiện nay, lĩnh vực chăn nuôi đang đối diện với rất nhiều khó khăn nhất là giá các loại vật tư đầu vào, thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm chăn nuôi không tăng.

Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn vẫn diễn biến hết sức phức tạp và chưa có vắc xin đặc trị, gây thiệt hại rất lớn cho người sản xuất, gián đoạn đà tăng trưởng chăn nuôi của nhiều tỉnh thành trong cả nước.

An toàn sinh học, giải pháp đơn giản, dễ áp dụng giúp nông hộ chăn nuôi lợn an toàn giữa đại dịch - Ảnh 4.

Công nhân chăm sóc lợn nái tại trang trại ở xã Yên Mạc, huyện Yên Mô (Ninh Bình). Ảnh: Trần Quang

Trong bối cảnh đó, theo bà Hạnh, việc thực hiện chăn nuôi ATSH  được xem là giải pháp tối ưu, tiết kiệm và hiệu quả nhất giúp hạn chế dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi.

“Nếu thực hành chăn nuôi ATSH tốt, sẽ tiết kiệm được chi phí mua vắc xin. Không để phát sinh dịch bệnh, không cần dùng đến kháng sinh, từ đó không còn hiện tượng tồn dư kháng sinh trên sản phẩm thịt. Bên cạnh đó, kiểm soát dịch bệnh tốt giúp khả năng sinh trưởng phát triển của vật nuôi cao hơn, lượng thức ăn tiêu tốn sẽ giảm đi... Tích hợp các yếu tố lại, người chăn nuôi sẽ nâng cao được lợi nhuận”, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định.

Cũng theo bà Hạnh, trên thực tế đã có rất nhiều chương trình tập huấn, hướng dẫn, tài liệu về chăn nuôi ATSH trên đàn lợn được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và hệ thống khuyến nông các tỉnh đưa tới tận tay các hộ chăn nuôi. Tuy nhiên, việc hiểu, áp dụng vào sản xuất ở nhiều hộ vẫn còn rất mơ hồ, chưa chính xác dẫn tới dịch bệnh vẫn xảy ra.

Hằng năm Trung tâm Khuyến nông Quốc gia liên tục cập nhật, bổ sung, xây dựng các tài liệu về chăn nuôi ATSH, các quy trình thực hành chăn nuôi tốt trên từng đối tượng vật nuôi; tổ chức các lớp tập huấn ToT cho cán bộ khuyến nông các cấp và người chăn nuôi về các quy trình chăn nuôi an toàn, quy trình chứng nhận an toàn dịch bệnh, chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt...

"Sau khi học xong lớp tập huấn lần này, với vai trò là cán bộ phụ trách nông nghiệp, khuyến nông tại các địa phương, các học viên sẽ phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, lan tỏa những nội dung về chăn nuôi ATSH tới cộng đồng để hoạt động này thực sự đi vào cuộc sống, nâng cao thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho người dân chăn nuôi...", bà Hạnh nhấn mạnh