Học online thi bị điểm thấp, vẫn "ăn mắng" như thường
Chia sẻ với Dân Việt, Lan Anh, học sinh lớp 7 tại một trường THCS ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, nhiều lúc em cảm thấy học tập rất khó vào bởi học online quá nhiều làm em uể oải, "nhọc óc", thậm chí đêm ngủ em còn mơ thấy tiếng cô giáo gọi điểm danh qua Zoom.
Nữ sinh cho hay, trong hai năm Covid-19, đặc biệt là năm học này, em cảm thấy tinh thần học tập sa sút hơn cả. Áp lực hơn nữa là từ cấp một đến năm lớp 6, em đều là học sinh giỏi và bố mẹ thường xuyên nhắc đi nhắc lại về thành quả này.
"Đợt rồi có mấy bài kiểm tra em làm không được tốt, bị bố mẹ mắng, cũng không hiểu vì sao", Lan Anh tâm sự.
Chị Nguyễn Phương Thanh, mẹ của Lan Anh đã nhận thấy những thay đổi về tâm lý của con gái từ khi học online – hay cáu gắt, dỗi và nhiều lúc cư xử già hơn tuổi thật. Tuy nhiên, với chị, việc của con chỉ là học và học, vì thế, con làm bài thi không tốt, chị vẫn cho con "ăn mắng" như thường.
Năm nay là năm học cuối cấp quyết định cho kỳ thi tuyển sinh đại học, T.L, học sinh lớp 12 chuyên Pháp Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, Ninh Bình lo sợ mình có thể trượt đại học vì học online không hiệu quả.
"Bọn em vừa học trực tuyến, vừa trực tiếp. Thay đổi hình thức học giữa thời dịch phần nào khiến em chán nản", T.L nói.
T.L chia sẻ, em không phải là một học sinh giỏi, tuy học trường chuyên nhưng học lực khá bình thường, cũng không có giải học sinh giỏi tỉnh hay quốc gia. "Xuất phát điểm của em như một học sinh của trường không chuyên, em dùng điểm thi để xét tuyển đại học nên phải dùng thêm chứng chỉ ngoại ngữ để được cộng điểm", T.L nói thêm.
"Phải đỗ đại học" là khẩu hiệu mà T.L đặt cho mình, bởi đây là kỳ vọng của bố mẹ.
"Thi không tốt, em không sợ bố mẹ mắng, chỉ cảm thấy xấu hổ với bản thân và bạn bè. Em cũng không có ý định thi lại năm sau", T.L quả quyết.
Còn Nguyễn Thị Minh Hà, học sinh lớp 12 tại trường THPT Long Châu Sa, Phú Thọ thì cho hay, gia đình em có cả bố và mẹ đều là lao động chân tay, dù vậy vẫn đầu tư cho con cái học hành đầy đủ, học thêm không thiếu một buổi nào.
Năm cuối cấp, chuẩn bị cho mình một tâm lý thoải mái để bước vào kỳ tuyển sinh đại học nhưng Minh Hà lắm lúc vẫn bị stress do học online, làm bài thi giữa kỳ không được như mong đợi.
Chị Quách Thị Luyên, công nhân dệt may – mẹ của Minh Hà cho biết, không chỉ riêng chị mà đối với các bậc cha mẹ khác, nếu con không may không đỗ đại học, tất nhiên sẽ thất vọng và "có thể vô tình buông lời đắng cay".
Cha mẹ không nên mắng mỏ, dễ gây căng thẳng
Thời gian qua, đã có nhiều vụ việc đau lòng xảy ra đối với học sinh mà nguyên nhân được cho là liên quan đến học hành, thi cử - như một hồi chuông báo động tới các bậc phụ huynh.
Giữa tuần trước, tại một chung cư cao cấp ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, một học sinh lớp 9 rơi từ tầng 26 của toà nhà xuống đất tử vong. Nguyên nhân sự việc chưa được tiết lộ rõ, tuy nhiên, có nhiều đồn đoán về việc học sinh này chịu áp lực học hành, thi cử.
Hồi tháng 2, một nữ sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM) trong giờ ra chơi đã nhảy từ tầng 3 xuống đất. May mắn thay, nữ sinh chỉ bị thương. Bất ngờ thay, nữ sinh này khá ngoan và có học lực giỏi. Đại diện nhà trường cho biết, nữ sinh này có dấu hiệu nghi bị trầm cảm.
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, không chỉ các bạn học sinh mà cả phụ huynh đều cảm thấy áp lực mỗi khi mùa thi đến. Chính áp lực từ gia đình khiến học sinh bị rơi vào tâm trạng lo lắng triền miên, ảnh hưởng tới sức khoẻ và chất lượng ôn thi, kết quả thi.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, thầy cô không nên xem thành tích học tập là quan trọng nhất, bố mẹ nên quên đi điểm số của con mình là thứ tồn tại duy nhất, có như vậy học sinh mới có nền tảng tự nhiên nhất để phấn đấu và cố gắng trong học tập.
Cô Phùng Thị Minh, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 tại trường THPT ở Vụ Bản, Nam Định chia sẻ, thời gian qua, dù rất vất vả với việc học trực tuyến nhưng cô cùng các cô giáo trong trường vẫn luôn sẵn sàng chia sẻ với học sinh nếu như các em gặp vấn đề khó khăn trong học tập năm cuối cấp.
"Tuy nhiên, điều tiên quyết phụ thuộc vào chính bố mẹ của các bạn. Các phụ huynh nên biết học lực của con đến đâu để mà trò chuyện, khuyên nhủ chứ không nên mắng mỏ dễ gây căng thẳng cho các em", cô Minh khuyên.