Ôn thi vào lớp 10 khi học trực tuyến kéo dài: Phụ huynh căng thẳng hơn con
Ôn thi vào lớp 10 khi học trực tuyến kéo dài: Phụ huynh căng thẳng hơn con
Thứ tư, ngày 12/01/2022 06:51 AM (GMT+7)
Do dịch, học sinh (HS) học trực tuyến kéo dài - điều này khiến HS, phụ huynh lo lắng ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới. Tuy nhiên, thầy cô khẳng định không nên lo ngại việc này.
“Gia đình ngày càng lo vì là cháu trai, còn mải chơi và ý thức tự học chưa cao; trong khi đó học trực tuyến buộc phải tự giác mới hiệu quả. Các bạn trong lớp đã tham gia các lớp học thêm online để thi vào lớp 10 nhưng con mình hoàn thành đủ bài cô giao đã mừng lắm rồi. Học trực tuyến nên người dễ mệt mỏi; có chiều thấy con ngồi làm bài mà ngáp lên, ngáp xuống. Giờ chỉ mong sở GD&ĐT sớm công bố các môn thi và phương án thi để phụ huynh có chiến lược phù hợp cho con” - chị Phương chia sẻ.
Có con học lớp 9, chị Trịnh Thị Phương ở Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ còn căng thẳng, lo lắng hơn cả con trước kỳ thi vào lớp 10. Hai vợ chồng đi làm cả ngày nên hầu như không có thời gian để đôn đốc việc học trực tuyến của con tại nhà. Thầy cô thì nhiệt tình, trách nhiệm nhưng giao tiếp qua máy tính nên việc giám sát, quan tâm đến từng em là rất khó, nhất là lớp có đến 55 học sinh. Trong cuộc họp phụ huynh cuối kỳ, cô phàn nàn nhiều bạn không chịu bật camera; có bạn cứ cô gọi đến tên là thoát ra để đỡ phải trả lời, lấy lý do mạng không ổn định.
Theo cô Trần Thị Mai Hương, giáo viên dạy Ngữ văn lớp 9, Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội), trong tình hình dạy học trực tuyến kéo dài hiện nay, việc lo ngại thiếu kiến thức trước kỳ thi vào lớp 10 là khó tránh khỏi, không chỉ HS mà phụ huynh và thầy cô giáo cũng lo. Tuy nhiên, xuất phát từ nguyên nhân nào sẽ có cách khắc phục vấn đề đó.
Thực tế, việc dạy học trực tuyến vẫn được thầy cô bảo đảm đầy đủ thời lượng cũng như nội dung chương trình. Lo ngại chất lượng học không được như trực tiếp xuất phát từ các nguyên nhân: Kết nối mạng không ổn định, HS nhiều khi không theo dõi được bài giảng; học trực tuyến không có người giám sát, HS dễ mất tập trung, không tự giác; giáo viên khó nắm bắt và hỗ trợ HS trong quá trình dạy.
“Trong dạy học trực tuyến, yếu tố tự giác của người học gần như đóng vai trò quyết định. Bởi vậy, mỗi HS, đặc biệt là HS lớp 9 cần ý thức được tầm quan trọng của kỳ thi chuyển cấp để tự giác và chủ động hơn trong việc học. Giữa HS, thầy cô và gia đình cần tăng cường kết nối, trao đổi để kịp thời hỗ trợ các con. Bởi vậy, thay vì lo lắng việc thiếu kiến thức, HS nên tự giác học tập và chủ động tìm hỗ trợ từ thầy cô, gia đình để có thể vững vàng trước kỳ thi phía trước. Về phía gia đình, thầy cô cũng thường xuyên kiểm tra nắm bắt tình hình, động viên và hỗ trợ cho trò” - cô Trần Thị Mai Hương cho hay.
Lên phương án ôn tập cho HS
Ở góc độ quản lý, cô Lê Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Quản Cơ Thành (An Giang) lại khẳng định: Không lo thiếu kiến thức, vì thời đại 4.0, có dịch bệnh hay không thì kỹ năng sử dụng Internet là xu hướng tất yếu. Học online là cơ hội để thầy cô hướng dẫn HS bên cạnh kiến thức, còn rèn kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, biết phản biện, lựa chọn nguồn thông tin, tự chủ đặt vấn đề và kỹ năng ra quyết định giải quyết vấn đề. Đặc biệt, trang bị khả năng tự học cho HS là tất yếu trong xu thế hiện nay.
Bên cạnh đó, trong hoàn cảnh học trực tuyến kéo dài, sở GD&ĐT sẽ có kế hoạch tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 phù hợp với tình hình thực tế. Các kiến thức đã được chọn lọc, cô đọng lại khi học trực tuyến nên HS cũng nắm vững trọng tâm. HS khi đã quen cách học trực tuyến, nắm vững phương pháp tự học sẽ gặp nhiều thuận lợi vì các em có dịp phát huy năng lực tìm tòi, sáng tạo, nghiên cứu thêm kiến thức ngoài sách vở để bổ sung cho bài đã học.
Trường THCS Quản Cơ Thành đã đặt ra mục tiêu học tập cụ thể; trong đó đánh giá cao thái độ, kỹ năng của HS, trang bị cho các em những bài học cần thiết với phương pháp mới, để ứng phó với dịch mà vẫn duy trì tinh thần tự học, sáng tạo và toàn diện. Các buổi học tổ chức dưới hình thức làm việc nhóm, báo cáo dự án chuyên đề; bên cạnh cách giảng dạy truyền thống thì tăng thời lượng tương tác, phản biện cho các em. Để HS tự tin vào THPT, môi trường áp lực hơn và cần tính tự lập cao hơn.
“Nhà trường đã lên kế hoạch ôn tập cho HS chuẩn bị thi vào lớp 10 với các phương án: Tăng cường ôn tập, củng cố kiến thức cho HS qua từng chương, từng phần để các em khắc sâu kiến thức. Dạy tập trung vào các nội dung trọng tâm, tăng cường khả năng tương tác, phản biện để đánh giá đúng năng lực HS. Thường xuyên theo dõi sức khỏe tâm thần và thể chất của HS để hỗ trợ kịp thời khi cần thiết; sắp xếp giờ dạy hợp lý, bảo đảm quy định, không để HS học quá sức trên máy... Trường đồng thời thông tin đến phụ huynh nắm về tầm quan trọng của nhu cầu học tập trực tuyến; hướng dẫn các phương thức học tập; xây dựng dự án học tập, có sự hợp tác giữa gia đình và nhà trường nhằm tạo điều kiện giao tiếp giữa HS, phụ huynh, giáo viên” – cô Lê Thị Ngọc Dung cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Cần Thơ cũng lưu ý HS không nên quá lo lắng việc thiếu kiến thức để thi tuyển sinh vào lớp 10. Lý do ông Nghĩa đưa ra là việc học trực tuyến dựa trên nguyên tắc thực hiện đúng, đủ chương trình và bảo đảm chất lượng nên các môn học vẫn thực hiện đủ nội dung kiến thức; khi dạy học trực tuyến, giáo viên đã chú ý, nhấn mạnh các nội dung trọng tâm, cốt lõi của môn học, rèn luyện, luyện tập những nội dung này.
“Chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh vào lớp 10, các trường tại Cần Thơ đã chỉ đạo tổ chuyên môn vừa dạy vừa ôn tập các nội dung trọng tâm, các chủ đề liên quan đến nội dung, kiến thức theo hình thức cuốn chiếu. Các môn đã xây dựng kế hoạch ôn thi, bắt đầu thực hiện trực tiếp vào đầu học kỳ 2. Khi học trực tiếp, HS sẽ được ôn tập, củng cố kiến thức trọng tâm của học kỳ 1, ưu tiên các môn thi” - ông Nguyễn Hữu Nghĩa thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.