Trước đó, ngày 25/11/2021, Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả số 175 đối với Công ty Cổ phần Thương mại (CPTM) Tùng Long, Quyết định số 176 đối với Công ty Cổ phần Dịch vụ du lịch Đảo Cát Dứa do có hành vi xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng tại khu vực Hòn Tháp Nghiêng, Hòn Ba Cát Bằng và đảo Cát Dứa II thuộc phân khu phục hồi sinh thái biển Vườn Quốc gia Cát Bà (xã Việt Hải, huyện Cát Hải).
Cho rằng công trình xây dựng của mình không vi phạm luật Xây dựng, cả hai công ty CPTM Tùng Long, CP Dịch vụ du lịch đảo Cát Dứa đã đồng loạt khởi kiện vụ án hành chính, đề nghị Tòa án nhân dân Thành phố Hải Phòng hủy bỏ quyết định nói trên.
Ngày 21/12/2021, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã chính thức thụ lý vụ án số 84/2021/TB-TA và 85/2021/TB-TA.
Hôm qua, ngày 30/3, hai Công ty này lại nhận được công văn nhắc nhở của Thanh tra Sở xây dựng Hải Phòng về việc yêu cầu khẩn trương thực hiện các quyết định nói trên, hạn phải thực hiện xong từ nay đến trước ngày 4/4/2022, nếu không sẽ bị cưỡng chế thi hành.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Việt - Giám đốc Công ty CPTM Tùng Long cho rằng, công trình du lịch sinh thái của Công ty được xây dựng từ giữa năm 2015, thuộc trường hợp được miễn giấy phép xây dựng (quy định tại điểm k, khoản 2, điều 89 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, ngày 18/6/2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015), không thuộc trường hợp phải xin phép xây dựng.
Vườn Quốc gia Cát Bà là đơn vị được giao quản lý, có nhiệm vụ và được phép liên doanh với các tổ chức, cá nhân để đầu tư phát triển du lịch sinh thái.
Để có cơ sở lập đề án du lịch sinh thái, VQG Cát Bà đã có văn bản đề nghị và được Sở NNPTNT nhất trí cho triển khai mô hình thí điểm dịch vụ du lịch sinh thái.
Ngày 22/4/2012, Vườn Quốc gia Cát Bà đã ký hợp đồng liên kết với Công ty CPTM Tùng Long để đầu tư kinh doanh du lịch sinh thái.
Thực hiện cam kết với Vườn Quốc gia Cát Bà, Công ty CPTM Tùng Long đã triển khai xây dựng công trình du lịch sinh thái tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn tại Quyết định số 104/2007/QĐ-BNN của Bộ NNPTNT ngày 27/12/2007 về Quy chế quản lý hoạt động du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Công trình đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, đánh giá tác động môi trường.
"Để làm đẹp cho cảnh quan vịnh Lan Hạ, Công ty chúng tôi đã chi ra khoản tiền lớn (hơn 30 tỷ đồng) để mua bản thiết kế của Kiến trúc sư nổi tiếng Võ Trọng Nghĩa. Công trình được làm bằng kết cấu tre và lợp mái vọt nên thực sự là công trình du lịch sinh thái thân thiện với môi trường. Rất nhiều du khách nước ngoài đã đến đây và đều có ấn tượng rất tốt đẹp đối với công trình này của chúng tôi.
Mới đây, công trình này là 1 trong 2 hạng mục của Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa giành chiến thắng trong Giải thưởng Thiết kế Xây dựng BLT (BLT Built Design Awards) năm 2021 vừa được công bố tại Mỹ.
Trước đó, công trình này cũng đã giành được rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế danh giá như: Giải thưởng Architizer A +Awards 2021, DFA Design for Asia Awards 2020, Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia, Giải vàng ARCASIA 2019"- ông Nguyễn Hoàng Việt nói.
Còn ông Trịnh Phúc Mãn cho biết, các doanh nghiệp cảm thấy rất bất ngờ khi Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng thúc ép các doanh nghiệp phải tháo dỡ công trình xong trước ngày 4/4/2022.
Trong khi, vụ án hành chính còn đang tranh chấp, đang tiến hành các thủ tục tố tụng để giải quyết tại tòa án, việc ai đúng, ai sai còn chưa có phán quyết cuối cùng.
"Việc tháo dỡ công trình này không phải để phục vụ các dự án an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế- xã hội, không có áp lực về tiến độ thời gian thì vì sao phải vội vã tháo dỡ? Trong khi công trình của chúng tôi đã được xây dựng và tồn tại nhiều năm, không ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường.
Nếu vẫn tiến hành tháo dỡ, sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề không thể khắc phục được"- ông Trịnh Phúc Mãn băn khoăn.
Trao đổi với PV, lãnh đạo Thanh tra Sở Xây dựng cho biết, Thanh tra Sở đã nắm được thông tin các doanh nghiệp khởi kiện quyết định hành chính do đơn vị ban hành.
Tuy nhiên, đơn vị vẫn sẽ tổ chức cưỡng chế nếu các doanh nghiệp không tự nguyện tháo dỡ.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nếu phán quyết của tòa án hủy bỏ quyết định của Thanh tra thì hậu quả của việc cưỡng chế ai chịu trách nhiệm, vị lãnh đạo này nói: "Tôi sẽ chịu trách nhiệm!".
Trao đổi với Dân Việt, luật sư Phạm Hồng Sơn cho rằng, các quyết định hành chính số 175, 176 của Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng đang bị kiện ra tòa án để đề nghị hủy bỏ.
Hiện nay việc đúng - sai của doanh nghiệp, các quyết định số 175, 176 nói trên có bị hủy bỏ hay không còn chưa được phán quyết bằng bản án có hiệu lực của Tòa án, do đó, việc tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định nói trên trong trường hợp này là quá vội vàng, có thể dẫn đến hậu quả thiệt hại không thể khắc phục và nhiều người phải chịu trách nhiệm liên lụy.
"Tôi cho rằng, Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng chưa nên tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định nói trên. Nếu cơ quan này vẫn tiến hành cưỡng chế, trong trường hợp này, các doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan Tòa án ra văn bản "Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính" theo quy định tại Điều 66, Điều 68 Luật Tố tụng hành chính 2015. Đây là biện pháp khẩn cấp để bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, chờ kết quả phán quyết cuối cùng của Tòa án, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục"- luật sư Phạm Hồng Sơn nói.