Ông Tô Tấn Thi - Giám đốc Ban Quản lý Dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, dự án Đập dâng Đức Phổ được xây dựng tại thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát là một công trình thuộc Dự án Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung, sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng chi phí đầu tư 68,3 tỷ đồng.
Đập dâng Đức Phổ được xây dựng mới để thay thế đập dâng cũ đã hư hỏng, xuống cấp với mục đích ngăn mặn, giữ ngọt và dâng cao mực nước tưới ổn định cho 150ha đất sản xuất nông nghiệp; cấp nước nuôi trồng thủy sản cho 106ha; chống xâm nhập mặn lên phía thượng lưu, bổ sung nguồn nước ngọt sinh hoạt cho khoảng 1.200 hộ dân của xã Cát Minh, huyện Phù Cát và xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ.
Tăng cường khả năng tiêu thoát lũ chính vụ tần suất 10%, giảm ngập lụt cho phía thượng lưu, bảo vệ các khu dân cư hiện hữu ven đập và hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực.
Ngoài ra, việc kết hợp giao thông trên mặt đập đã giúp kết nối và phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất, lưu thông hàng hóa giữa 2 huyện Phù Mỹ và Phù Cát được thuận lợi, đặc biệt là hỗ trợ hiệu quả cho công tác di dời, ứng phó phòng, chống thiên tai trong mùa mưa, bão.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh đánh giá cao chủ đầu tư, đơn vị thi công đã có nhiều cố gắng nỗ lực, vượt qua các khó khăn, trở ngại trong suốt quá trình thi công xây dựng để công trình về đích đúng tiến độ và đảm bảo về chất lượng, kỹ, mỹ thuật.
"Đề nghị UBND huyện Phù Cát chỉ đạo đơn vị quản lý vận hành thực hiện tốt công tác tiếp nhận và làm tốt công tác quản lý vận hành, bảo trì công trình để phát huy hiệu quả của dự án, phối hợp với chủ đầu tư thực hiện công tác bảo hành công trình theo quy định", ông Tuấn Thanh nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho rằng, nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung.
Trong đó, xác định xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại là một trong ba khâu đột phá, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 5 năm tới.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh Bình Định đã chú trọng quy hoạch, tập trung mọi nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tích cực tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và thu hút các nguồn lực khác để đầu tư, nâng cấp, phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Theo ông Lê Từ - Giám đốc Ban quản lý các dự án giao thông tỉnh Bình Định, Tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh này, được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025.
Dự án có điểm đầu giao với Quốc lộ 1, điểm cuối giao với đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại đoạn Cát Tiến – Diêm Vân (thuộc xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước), với tổng mức đầu tư hơn 1.043 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách Trung ương là 680 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách địa phương) và dự kiến thi công xây dựng trong thời gian 30 tháng.
Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với vận tốc thiết kế 80km/h, chiều dài tuyến khoảng 9,4km, nền đường rộng 22m, mặt đường bằng bê tông nhựa rộng 19m với 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, dải phân cách rộng 2m, lề đất rộng 1m.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long đề nghị chủ đầu tư và các đơn vị tham gia xây dựng công trình nâng cao tinh thần trách nhiệm, làm việc nghiêm túc, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các quy định về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, triển khai thi công công trình bảo đảm kỹ thuật, mỹ quan và đặc biệt chú trọng đến chất lượng công trình.
"Ngoài ra, bảo đảm an toàn lao động, an toàn phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường, nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường sống của người dân trong khu vực, thường xuyên kiểm tra, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công và hoàn thành công trình đúng tiến độ, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng có hiệu quả", ông Phi Long yêu cầu.