Dân Việt

Vụ Sai phạm tại các điểm du lịch thuộc Công ty CPDL An Giang: Thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra, xử lý

Hồng Cẩm 31/03/2022 16:57 GMT+7
Sau khi Báo điện tử Dân Việt (ngày 25 và 26/3) có 2 bài viết phản ánh về các sai phạm tại các điểm du lịch thuộc Công ty Cổ phần Du lịch (CPDL) An Giang, lãnh đạo UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra, xử lý.

Thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra

Chiều 30/3, trao đổi trực tiếp với phóng viên Báo Dân Việt, ông Trần Anh Thư – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: Sau khi Báo Dân Việt phản ánh, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra đi kiểm tra xử lý sai phạm tại Khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp.

Vụ Sai phạm tại các điểm du lịch thuộc Công ty CPDL An Giang: Thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra, xử lý - Ảnh 1.

Khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp bị tác động làm biến dạng giá trị tự nhiên của di tích lịch sử, phá hủy giá trị ý nghĩa của lịch sử. Ảnh: Hồng Cẩm

"Sai phạm mức độ nào thì phải tháo dỡ, mức độ nào thì phải khắc phục và đồng thời xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Vì khu Đồi Tức Dụp là Khu di tích lịch sử cấp quốc gia, nếu tỉnh không thanh tra sớm sau khi báo chí phản ánh thì Thanh tra Bộ VHTTDL sẽ vào thanh tra xử lý" - ông Thư cho biết.

Khi phóng viên đặt câu hỏi, sau khi báo chí phản ảnh thi ông Trần Minh Trí - Tổng Giám đốc Công ty CPDL An Giang nhắn tin phóng viên cho rằng: "Khu di tích lịch sử quốc gia Đồi Tức Dụp trước đây là một khu "hoang phế, không được quan tâm"". 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Đồi Tức Dụp là Khu di tích lịch sử cấp quốc gia được Sở VHTTDL tỉnh bảo tồn theo Luật Di sản, sao gọi là "hoang phế" được. Nếu Tổng Giám đốc Công ty CPDL An Giang nói đó là khu "hoang phế" thì phải chứng minh.

Công ty CPDL An Giang tiếp nhận Đồi Tức Dụp là Khu di tích lịch sử cấp quốc gia, chứ không phải là khu- điểm du lịch. 

Nên phải xác định đâu là di tích, đâu là khu – điểm du lịch. Khu di tích lịch sử thì chỉ có hai quan điểm: Một là bảo tồn, không được làm gì; hai là khai thác - bảo tồn và phát triển, được phép đưa các hoạt động du lịch nhưng phải theo đúng Luật Di sản cho phép.

Vụ Sai phạm tại các điểm du lịch thuộc Công ty CPDL An Giang: Thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra, xử lý - Ảnh 2.

Lối đi trong các hang trọng điểm vùng 1 bị cắt xẻ đá, san lấp thông thoáng. Ảnh: Hồng Cẩm

"Công ty phải xác định lại di tích "hoang phế" hay dịch vụ du lịch trong khuôn viên khu di tích. Nếu dịch vụ "hoang phế" công ty có quyền can thiệp, nâng cấp theo Luật quy định, nhưng không được can thiệp vào quần thể di tích. Còn đằng này công ty đi vào hang tháo dỡ sàn gỗ, đục đẽo đá... thì không được.

Sau khi đoàn thanh tra kiểm tra có kết luận báo chí tiếp tục truyền thông để nâng cao ý thức, nhận thức của doanh nghiệp trong bảo tồn di tích và phải có tư duy khai thác du lịch Di tích lịch sử"- Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh.

Còn đối với "Điểm du lịch điện mặt trời An Hảo", ông Trần Anh Thư cũng cho biết đây không phải là khu – điểm du lịch mà chỉ xem là "Điểm dừng chân" cho du khách vào check in. "Điểm dừng chân" thì không thể thu tiền vé vào cổng.

Được biết, chiều 29/3, đoàn công tác liên ngành tỉnh An Giang, do ông Nguyễn Khánh Hiệp - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh làm trưởng đoàn đã khảo sát, kiểm tra thực tế Khu điện mặt trời An Hảo (huyện Tịnh Biên) và Khu Di tích lịch sử đồi Tức Dụp (huyện Tri Tôn). Đây 2 địa điểm, do Công ty CPDL  An Giang (thuộc Tập đoàn Sao Mai) quản lý.

Sau khi Báo Dân Việt có 2 bài viết phản ánh về sai phạm tại các điểm du lịch thuộc Công ty CPDL An Giang, Tổng Giám đốc Công ty này đã nhắn tin cho phóng viên nói báo Dân Việt là báo "lá cải" và Khu di tích lịch sử quốc gia Đồi Tức Dụp trước đây là một khu "hoang phế, không được quan tâm"! 

Tác động vào vùng 1 khu di tích lịch sử là hành vi phá hoại Di sản!

Xung quanh việc Công ty Công ty CPDL An Giang tự ý xây dựng các công trình phụ không phép, tác động vào vùng 1 Di tích lịch sử cấp quốc gia Đồi Tức Dụp, TS Ngô Quang Láng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh An Giang, chia sẻ: "Cái sai đầu tiên tại Khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp là biến di tích thành khu du lịch. Vì đây là Khu di tích lịch sử cấp quốc gia nên chỉ được khai thác giá trị của di tích phục vụ cho phát triển du lịch, chứ không phải biến khu di tích thành khu du lịch".

Vụ Sai phạm tại các điểm du lịch thuộc Công ty CPDL An Giang: Thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra, xử lý - Ảnh 4.

Trong khu vực vùng 1 được "cải tạo" mới bằng việc bắc nhiều chiếc cầu bằng sắt. Ảnh: Hồng Cẩm

TS Ngô Quang Láng cũng cho biết: "Theo Luật Di sản, di tích phân ra làm 3 vùng: Vùng 1 tuyệt đối không được thay đổi. Việc cắt xẻ đá, đổ xi măng tạo lối đi thông thoáng; đặt hình nhân lính gác, bắt cầu sắt... là hoàn toàn không cho phép. Vùng 2, vùng 3 được phép đầu tư các công trình, hạng mục phục vụ cho vùng 1 nhưng phải được sự cho phép của Bộ VHTTDL".

"Hiện nay Khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp bị phá hàng loạt, đặc biệt là vùng 1. Hành vi đó đã làm biến dạng giá trị tự nhiên của di tích lịch sử, phá hủy giá trị ý nghĩa của lịch sử. Hành vi đó còn là hành vi phá hoại Di sản"- TS Ngô Quang Láng nói.

Vụ Sai phạm tại các điểm du lịch thuộc Công ty CPDL An Giang: Thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra, xử lý - Ảnh 5.

Lối vào hang Tỉnh ủy đá bị cắt xẻ tạo bật tam cấp. Ảnh: Hồng Cẩm

Theo TS Láng, hiện nay những sai phạm tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Đồi Tức Dụp trách nhiệm đầu tiên là của địa phương, khi phát hiện sai phạm địa phương phải báo cáo cho Sở VHTTDL để Sở tham mưu cho UBND tỉnh, từ đó UBND tỉnh có văn bản gửi ra Bộ VHTTDL xử lý; trách nhiệm thứ hai là của Sở VHTTDL, sau đó là trách nhiệm của UBND tỉnh An Giang.