Dân Việt

Ông Lê Đình Quảng: "Lương thấp, người lao động đã tới giới hạn không thể chịu đựng được nữa"

Thùy Anh 01/04/2022 06:00 GMT+7
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban quan hệ lao động (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam), thời gian qua, doanh nghiệp cũng khó khăn nhưng người lao động đã tới giới hạn không thể chịu đựng được nữa. Cần phải tăng lương cho lao động.

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) chia sẻ về việc cần thiết phải tăng lương tối thiểu vùng. Video: Nguyệt Tạ 

Các căn cứ điều chỉnh tiền lương đã thay đổi 

Tiền lương tối thiểu vùng là mức tiền lương được doanh nghiệp trả cho lao động trong điều kiện sản xuất bình thường để đảm bảo được mức sống tối thiểu cho người lao động. Đây là sàn bảo vệ tiền lương cho lao động yếu thế đồng thời cũng là căn cứ để thương lượng tiền lương trong thực tế.

Nghị quyết 27 về Cải cách chính sách tiền lương có quy định từ năm 2021, định kỳ hàng năm Việt Nam sẽ tổ chức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng.

tăng lương tối thiểu vùng

Đời sống công nhân lao động đang gặp nhiều khó khăn, cần tăng lương tối thiểu vùng để hỗ trợ lao động. Ảnh: N.T

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, theo thống kê của Tổng Liên đoàn lao động, từ năm 2016-2021 mức lương tối thiểu tại Việt Nam đã được điều chỉnh 4 lần. Mức điều chỉnh bình quân mỗi năm là 7,4%. Tuy nhiên, trong 2 năm qua do tác động của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên chúng ta đã trì hoãn điều chỉnh tiền lương tối thiểu. 

"Tuy nhiên đã tới thời điểm cần phải xem xét lại việc trì hoãn này. Lý do là bởi hiện nay có nhiều yếu tố trong 7 yếu tố căn bản để điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng đã thay đổi. Nhiều yếu tố đã chín muồi, buộc chúng ta phải tăng lương tối thiểu vùng", ông Quảng nói.

Ông Quảng viện dẫn, có một số yếu tố đã thay đổi lớn ví dụ như: Mức sống tối thiểu của người lao động; chỉ số giá tiêu dùng; quan hệ cung - cầu lao động hay điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đã có bước phát triển; GDP đã tăng 5%...

Có thể thấy mặc dù dịch Covid-19 bùng phát, gây nhiều khó khăn nhưng doanh nghiệp ở các nước càng phải tăng lương tối thiểu để thu hút, giữ chân lao động.

Ông Quảng nhận định, dịch Covid-19 khiến nhiều vấn đề của người lao động bộc lộ. Tiền lương của lao động thấp, chỉ đủ sống, khi khó khăn không có tích lũy. Đây chính là lý do chính khiến lao động muốn làm thêm giờ. 

Cũng theo ông Quảng, tiền lương cũng khiến cho quan hệ lao động bất ổn. Từ đầu năm đến nay, nhiều vụ đình công lớn đã xảy ra, nguyên nhân chính là do vấn đề tiền lương thấp. 2 năm nay nhà nước không điều chỉnh tiền lương vì thế doanh nghiệp cũng không có lý do để tăng lương.

Để có căn cứ trong việc đánh giá đời sống công nhân lao động, tới đây Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tổ chức khảo sát đời sống của 2.000 công nhân lao động ở 6 tỉnh. Đồng thời vào ngày 15/4 tới, phía Bộ LĐTBXH cũng sẽ tiến hành khảo sát các doanh nghiệp về vấn đề lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu để làm căn cứ xây dựng các nội dung về lương tối thiểu vùng năm 2023 và các chính sách liên quan. Từ các dữ liệu này Hội đồng tiền lương và các bên sẽ cùng ngồi lại với nhau để thảo luận có quyết định điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2022 -2023 hay không.

"Tiền lương phải đảm bảo cuộc sống bản thân lao động và gia đình họ. Tăng lương là đầu tư cho sự phát triển, lương tăng lao động sẽ gắn bó, cống hiến hết mình cho doanh nghiệp. Thời gian qua doanh nghiệp cũng khó khăn nhưng người lao động đã tới giới hạn không thể chịu đựng được nữa. Cần phải tăng lương cho lao động", ông Quảng chia sẻ. 

Tăng lương ít nhất phải bù được trượt giá

Với những lí do trên Tổng Liên đoàn lao động đề xuất phải tăng lương cho người lao động. Thay vì tăng lương vào ngày 1/1 hàng năm, năm nay đơn vị này kiến nghị thay đổi thời gian tăng lương, và đề xuất nên tăng lương từ 1/7/2022.

Hiện nay đơn vị này chưa đưa ra đề xuất con số tăng lương cụ thể, tuy nhiên đơn vị này cho rằng, mức tăng tiền lương ít nhất phải bù được trượt giá. Trước đây, mức tăng lương tối thiểu vùng bình quân hàng năm là 7,4% nhưng nếu giờ cộng dồn 2 năm thì sẽ tạo ra cú sốc lớn cho doanh nghiệp. Vì thế việc đề xuất mức tăng sẽ được đơn vị này tính toán cụ thể.

Trước đó, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh cho biết, trong phiên họp thứ nhất của Hội đồng tiền lương họp vào ngày 28/3 vừa qua, các bên cùng thảo luận tình hình chung và đưa ra các quan điểm chưa thể kết luận có tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2022 và 2023 hay không. Dự kiến phiên họp thứ 2 của hội đồng sẽ được tổ chức vào tháng 6/2022 để tiếp tục thảo luận về vấn đề tiền lương tối thiểu vùng.

tăng lương tối thiểu vùng

Sau 2 năm không tăng lương, ông Lê Đình Quảng cho rằng đây là thời điểm chín mùi để tăng lương. Ảnh: N.T

Đối lập với quan điểm của Tổng liên đoàn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) này tỏ những lo ngại nếu tăng tiền lương tối thiểu vùng vào thời điểm này. 

"Hiện nay doanh nghiệp đang tập trung ưu tiên khôi phục sản xuất, phục hồi sau thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hai năm qua lương tối thiểu vùng không tăng. Vì vậy, việc tăng lương là nguyện vọng chính đáng của người lao động. Song nếu tăng lương cũng cần có sự tính toán kỹ lưỡng", ông Phòng nói.