Chương trình đã thống nhất xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động phối hợp và triển khai đồng bộ trong hệ thống của hai bên từ cấp tỉnh đến cơ sở bằng các hoạt động cụ thể, phù hợp chức năng, nhiệm vụ của Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh nhằm thu thập thông tin của 95.000 hộ sản xuất nông nghiệp cập nhật lên giới thiệu và bán sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Dự kiến, các loại nông sản hàng hóa được chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ gồm: sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng, có giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn, các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ.
Mục tiêu mỗi quý (3 tháng) sẽ tổ chức ít nhất 1 chương trình phối hợp kết nối, tiêu thụ nông sản trên phạm vi trong và ngoài tỉnh với số lượng ít nhất 200 tấn nông sản các loại.
Hình thức kết nối, tiêu thụ nông sản, hàng hóa là tổ chức kết nối hội chợ online trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart và hệ thống cửa hàng của hai bên. Hai đơn vị phối hợp triển khai các điểm giới thiệu tiêu thụ nông sản an toàn trên cơ sở tận dụng thế mạnh về hạ tầng của Bưu điện và Chuỗi cửa hàng nông sản an toàn của Hội Nông dân.
Ông Phan Văn Khanh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Sơn nói: "Cần phối hợp, kết nối ở các cấp cơ sở giới thiệu các đặc sản vùng miền của địa phương. Xây dựng các điểm bưu điện cấp xã trở thành nơi tiêu thụ hàng hoá nông sản của bà con nông dân. Đào tạo cán bộ hội các cấp về kiến thức chuyển đổi số trong nông nghiệp như: mua bán hàng trực tuyến, sử dụng các thiết bị thông minh, các sàn thương mại điện tử.
Bà Phạm Thị Thu Hằng - Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Kỳ Anh, đề xuất: "Cần làm tốt công tác dự báo, thông tin, quy hoạch, quản lý trong việc phát triển nông sản hàng hoá. Sản xuất hàng hoá phải xây dựng được thị trường, việc chạy đua sản xuất một số loại nông sản không hiệu quả sẽ phá vỡ quy hoạch, dẫn đến rủi ro lớn. Đẩy mạnh khâu tuyên truyền quảng bá sản phẩm đến gần với người dân, hướng tới xây dựng thương hiệu hàng hoá có giá trị cao tạo độ tin cậy cho người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Mai Thủy - Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh, cho biết: "Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh thường xuyên tham mưu cho tỉnh và trực tiếp gửi các sản phẩm nông nghiệp có liên kết với nông dân tham gia tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, xây dựng sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.
Các cấp Hội trong tỉnh có vai trò tích cực trong nhiệm vụ chung của tỉnh về tái cơ cấu nông nghiệp, xứng đáng là trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giúp nông dân ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, khâu sản xuất giống nhất, các loại giống để phát triển liên kết quy mô vừa và nhỏ, phát triển kinh tế nông hộ".
"Việc áp dụng tiến bộ khoa học đã góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, bước đầu đã khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng thâm canh, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung có hiệu quả kinh tế cao.
Phát triển các hình thức liên doanh liên kết, hợp tác xã, tổ hợp tác để hỗ trợ giúp đỡ nhau phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhân rộng và phát triển các mô hình hiệu quả đưa lại thu nhập cao cho hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh" - Bà Nguyễn Thị Mai Thủy - Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh, nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Bưu điện TP. Hà Tĩnh, cho biết: "Từ trước tới nay, đơn vị đã nhiều lần phối hợp với nông dân để tiêu thụ sản phẩm giúp bà con. Trong thời gian tới, bưu điện thành phố mong muốn được trưng bày các sản phẩm chất lượng được làm bởi đôi tay, khối óc của nông dân Hà Tĩnh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: "Chuyển đổi số là xu hướng, tất yếu giúp nông dân phát triển nông nghiệp bền vững. Cuộc cách mạng này giúp nông dân sản xuất tốt an toàn, sản xuất hiệu quả phải đi cùng với tiêu thụ tốt".
Theo bà Thơm, chương trình phải cụ thể hoá lộ trình từng năm, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ. Hội Nông dân các cấp cần phối hợp với bưu điện tại các địa phương phát huy quảng bá sản phẩm địa phương, tiêu thụ nông sản, từng bước số hoá, nâng cao khoa học công nghệ trong nông nghiệp.
Chú trọng phối hợp xong hành cả trực tiếp và trực tuyến. Chuyển đổi số phải ưu tiên nông dân-người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp vì mục tiêu nâng cao, cải thiện đời sống bà con nông dân.