Đến ngày 8/4, thị xã Cửa Lò (Nghệ An) sẽ khai mạc mùa du lịch 2022 sau 2 năm "im ắng" vì dịch Covid-19. Với việc "mở cửa" sớm hơn thường lệ (các năm trước khai mạc mùa du lịch Cửa Lò vào ngày 30/4), chính quyền địa phương vùng biển này hy vọng sẽ tạo ra một cú hích, thu hút nhiều hơn du khách đến tắm biển và trải nghiệm các dịch vụ.
Để phục vụ du khách tốt nhất, khách sạn Mường Thanh Cửa Lò (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) đang gấp rút chuẩn bị về mọi mặt. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 vẫn khiến doanh nghiệp gặp khó về nguồn nhân lực.
"Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, khách sạn có hơn 100 lao động. Khi ngành du lịch bị "đóng băng", khoảng gần 30% lao động nghỉ việc, chuyển việc, chủ yếu là bộ phận nhà hàng và buồng phòng. Chúng tôi đang tuyển dụng nhưng hồ sơ ứng tuyển rất hạn chế, trong đó có cả nhiều ứng viên chưa qua đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ", ông Võ Huy Tuấn - Giám đốc khách sạn Mường Thanh Cửa Lò cho hay.
Nếu nhân viên buồng phòng hay chạy bàn có thể đào tạo theo kiểu cầm tay chỉ việc, thì bộ phận nhân sự nhà bếp đang khiến các khách sạn tại Nghệ An đau đầu. Để đào tạo được một đầu bếp ngoài chuyên môn vững, học hành bài bản còn cần thời gian thử thách ít nhất một năm, từ vị trí phụ bếp lên.
Trong khi đó, vị trí này cũng đang bị cạnh tranh quyết liệt từ xuất khẩu lao động vốn cũng đang phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19.
"Đầu bếp có tay nghề làm việc tại châu Âu có thể đạt tới mức lương 70 triệu đồng/tháng. Bởi vậy xuất khẩu lao động hiện là lựa chọn của không ít đầu bếp, khiến các khách sạn cũng gặp khó về nhân sự ở lĩnh vực này", ông Tuấn chỉ rõ.
Theo ông Trần Quốc Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Song Ngư Sơn (Nghệ An), trong giai đoạn phục hồi, ngành du lịch gặp khó khăn chồng chất, đặc biệt là về nguồn nhân lực.
"Cứ ngỡ sau dịch sẽ có nhiều nhân sự để tuyển dụng nhưng thực tế không phải như vậy. Trong dịch, giám đốc bộ phận thì nghỉ đi làm môi giới bất động sản, nhân viên kỹ thuật, nhà hàng, buồng phòng nghỉ việc đi làm trong các nhà máy. Hiện thu nhập, công việc cũng đã ổn định nên khó để họ quay lại công việc cũ. Chúng tôi tuyển dụng suốt nhiều tháng nhưng mới được 70 nhân sự, đáp ứng 1/3 nhu cầu", ông Lâm cho hay.
Một thực tế được chỉ rõ là việc tuyển dụng lao động du lịch nội tỉnh đang hết sức khó khăn. Bởi vậy, để chuẩn bị cho mùa du lịch Cửa Lò đang cận kề, Công ty Song Ngư Sơn chuyển hướng "đánh bắt xa bờ", thu hút nhân sự từ nước ngoài hoặc từ các trung tâm du lịch như Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Hà Nội...
"Tất nhiên việc tuyển dụng theo cách này sẽ khiến chi phí đội lên rất nhiều. Thời điểm này, đối với nhân viên buồng, phòng, mức lương dưới 10 triệu đồng thì không tuyển dụng được. Với vị trí tổng giám đốc, chúng tôi từng trả 60 triệu đồng/tháng thì nay phải chi tới 120 triệu đồng/tháng cho nhân sự là người nước ngoài. Còn vị trí đầu bếp mức lương là 100 triệu đồng/tháng", ông Lâm thông tin.
Mặc dù chi phí đội lên rất nhiều nhưng doanh nghiệp này phải chấp nhận, trước mắt tạo "bộ khung" để đảm bảo hoạt động trong giai đoạn phục hồi và tổ chức đào tạo để "ghép dần" theo hình thức vừa làm, vừa học. Riêng đối với các vị trí dọn dẹp, rửa bát ít yêu cầu về chuyên môn và kinh nghiệm, doanh nghiệp này đang ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương.
Theo thống kê của ngành du lịch Nghệ An, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong năm 2020-2021 các doanh nghiệp du lịch cắt giảm 70-80% lực lượng lao động, gây khó khăn không nhỏ trong giai đoạn phục hồi hiện nay.
Đồng hành doanh nghiệp giải bài toán về lao động ngành du lịch sau đại dịch, Sở Du lịch Nghệ An đang phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cùng các trường nghề trên địa bàn liên kết đào tạo chuyên về nhân lực phục vụ du lịch. Sở cũng kết nối các doanh nghiệp và các trường nghề tuyển dụng sinh viên ngành du lịch nhằm tăng thêm nguồn nhân lực trong những tháng cao điểm của du lịch biển Cửa Lò.