Clip: Nông dân Sơn La phấn đấu "mặc áo" cho 15 triệu trái cây
Tham dự Lễ phát động phong trào bao trái cây phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu năm 2021 có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La và một số sở, ban, ngành của tỉnh Sơn La cùng nhiều cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh.
Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt 82.895 ha, có 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn, 702 hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản, 20.000 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, 24 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ, 83 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.
Thị trường tiêu thụ các loại nông sản tiếp tục được mở rộng, tỉnh Sơn La đã xuất khẩu và giới thiệu được 17 sản phẩm nông sản sang thị trường 21 nước và vùng lãnh thổ, giá trị xuất khẩu năm 2021 đạt 150 triệu USD.
Phát biểu tại Lễ phát động phong trào bao trái cây phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu năm 2021, ông Lường Trung Hiếu, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La, cho biết: Tỉnh Sơn La xác định phải cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ, tăng quy mô sản xuất nông nghiệp sạch.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương gắn với xây dựng phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La, để thích ứng, linh hoạt và kiểm soát dịch bệnh Covid-19, việc tiếp tục triển khai phong trào bao trái cây để phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu là cần thiết. Trong điều kiện thị trường xuất khẩu, đòi hỏi yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao, kể cả thị trường trong nước thì việc sản xuất ra các sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng, có mẫu mã, kích thước, màu sắc đạt tiêu chuẩn, chất lượng là việc làm cần thiết. Gắn với đó là kết nối, xúc tiến các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân được xác định là giải pháp quan trọng, nhằm giúp nông dân tạo ra sản phẩm chất lượng, có giá thành cạnh tranh, nâng cao thu nhập, phục hồi sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La nhấn mạnh, để phấn đấu đạt được mục tiêu 15 triệu trái cây được bao trong năm 2022, các cấp Hội nông dân từ tỉnh đến cơ sở phải phối hợp với các cơ quan, ngành nông nghiệp và UBND các xã, thị trấn triển khai phong trào thiết thực, hiệu quả nhất, bằng việc giao chỉ tiêu gắn với các giải pháp hỗ trợ cho người nông dân, hợp tác xã. Trong đó chú ý đến việc triển khai việc hỗ trợ bao trái cây trả chậm của Hội nông dân.
"Niên vụ năm 2020-2021, toàn tỉnh Sơn La đã bao trái được khoảng 14 triệu trái cây, trong đó chủ yếu là trái xoài, bưởi da xanh, na, ổi... Tuy nhiên, việc áp dụng bao trái chưa được triển khai trên diện rộng, mới được triển khai ở những nơi có điều kiện. Bên cạnh đó do ảnh hưởng của dịch Covid-19, do đó một số sản phẩm nông sản thực hiện bao trái gặp khó khăn" ông Hiếu cho biết thêm.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động phong trào bao trái cây phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu năm 2022, ông Nguyễn Thành Công, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đề nghị Hội Nông dân tỉnh Sơn La, UBND các huyện, thành phố, các HTX, doanh nghiệp cần tập trung sản xuất theo quy trình, quy chuẩn sạch. Tăng cường hoạt động giám sát đối với diện tích đã cấp VietGAP, GlobalGAP, mã số vùng trồng của các doanh nghiệp, HTX; tiếp tục xây dựng, cấp các mã vùng trồng mới.
Tập trung tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, kỹ thuật thu hái, sơ chế, bảo quản cho lao động tại các doanh nghiệp, HTX. Đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất với nhu cầu thị trường, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp thu gom, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu. Xây dựng và duy trì các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản an toàn bền vững. Hỗ trợ phát triển các cơ sở đóng gói đáp ứng tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.
Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch xúc tiến thương mại, thương mại điện tử năm 2022 đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 và các quy định khác của pháp luật. Tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực quản trị - kinh doanh (nghiên cứu, tiếp cận thị trường; các quy định thương mại quốc tế; phát triển thương hiệu sản phẩm Sơn La; kỹ thuật sơ chế, bảo quản, đóng gói, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, ký kết và thực hiện biên bản ghi nhớ, hợp đồng kinh tế...) cho các doanh nghiệp, HTX, người lao động sản xuất, thu gom, sơ chế, chế biến hàng hóa xuất khẩu.
Tạo môi trường thuận lợi và xây dựng vùng nguyên liệu ổn định để các nhà máy chế biến nông sản đã thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh ổn định sản xuất, phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích, thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tăng thu ngân sách địa phương.
Chia sẻ với các đại biểu dự Lễ phát động phong trào bao trái cây phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu năm 2022, ông Lò Văn Thức, Giám đốc HTX Tiên Tiến, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La) cho biết: Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là rất cần thiết, trong đó biện pháp bao trái cây để sản phẩm trái cây áp ứng được nhu cầu thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.
"Sau buổi lễ chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, thành viên của HTX thực hiện việc bao trái cây cho 100% diện tích xoài, bưởi, na của HTX, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm của HTX cũng như đáp ứng của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người sản xuất", ông Thức nói.