Khảo sát của phóng viên tại nhiều cửa hàng, siêu thị thuộc khu vực quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp tại TP.HCM ngày 2-3/4, nhiều mặt hàng thuộc nhóm hàng thiết yếu đã tăng giá. Trong số đó, các mặt hàng được điều chỉnh tăng giá phổ biến nhất là dầu ăn, trứng gà, trứng vịt, thịt gia cầm và rau củ quả các loại.
Tại chợ Bà Chiểu, các tiểu thương ngành hàng thiết yếu và các tiệm tạp hóa xung quanh chợ đang bán dầu ăn các thương hiệu khoảng 50.000 đồng/lít, nhích nhẹ 1.000-2.000 đồng/lít so với cách đây nửa tháng.
Nhóm hàng mì ăn liền, các thương hiệu được nhiều khách mua do Acecook, Masan sản xuất vẫn duy trì ở mức giá tăng 500-1.000 đồng/gói.
Chị Nguyễn Thị Bình - chủ tiệm tạp hóa trên đường Vũ Tùng (quận Bình Thạnh) cho biết, giá các mặt hàng trong gian bếp của mỗi nhà đang tăng. Do đó, sức mua cũng giảm hơn so với trước, dù đây là mặt hàng mà gia đình nào cũng cần.
"Khi hay tin một số mặt hàng trong chương trình bình ổn thị trường tăng, tôi lo nhiều khả năng giá bên ngoài sẽ còn tiếp tục tăng nữa", chị Bình nói.
Trong khi đó, tại các siêu thị, hầu hết các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM được phép tăng giá theo mức chấp thuận của Sở Tài chính cũng đã được niêm yết mức giá mới, nhích tăng 5-10% so với trước.
Giá trứng gia cầm, thịt gia cầm bán tại siêu thị, cửa hàng có tham gia bình ổn tăng từ 7-14% so với mức giá năm 2021. Giá trứng gà 29.500 đồng/chục, giá trứng vịt 35.000 đồng/chục. Thịt gà ta ở mức 90.000 đồng/kg, thịt gà tam hoàng ở mức 67.000 đồng/kg, gà công nghiệp ở mức 45.000 đồng/kg và thịt vịt ở mức 68.000 đồng/kg.
Đại diện các doanh nghiệp sản xuất tham gia vào chương trình bình ổn thị trường tại TP.HCM cho rằng việc đề xuất tăng giá bán là "chuyện chẳng đặng đừng", bởi sau một thời gian dài gồng gánh, họ đã chịu hết nổi khi giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng cao.
Bà Phạm Thị Huân - Chủ tịch HĐQT Công ty Ba Huân, cho biết trong khi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường vẫn giữ giá thì giá bán lẻ bên ngoài tăng cao. Khi đề xuất tăng giá bán hàng trong chương trình bình ổn, doanh nghiệp đã cân nhắc và mức đề xuất luôn thấp hơn mức tăng của giá nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua tăng 20-30%, nhưng khi tăng giá trứng, doanh nghiệp đề xuất mức tăng hơn 5%.
Với các mặt hàng có giá nguyên liệu đầu vào tăng thấp hơn, các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng giữ giá. Đại diện Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cũng khẳng định giữ ổn định giá thịt heo trong chương trình bình ổn để kích cầu tiêu thụ, dù giá nguyên liệu đầu vào đã tăng 10%. Hiện nhóm mặt hàng thịt heo đang được bán với mức giá bình ổn: Thịt đùi 104.000 đồng/kg, cốt lết 125.000 đồng/kg…
Với các hệ thống bán lẻ, nhiều siêu thị lớn như Co.opmart, Big C, Emart, Aeon, Lotte Mart… thời điểm này cũng tăng cường các chương trình khuyến mãi ở các nhóm mặt hàng khác nhau để kích thích sức mua của thị trường.
Ông Nguyễn Ngô Anh Tuấn - đại diện Lotte Mart cho biết việc nhận các yêu cầu tăng giá từ nhà cung cấp là việc không tránh khỏi trong bối cảnh hiện nay. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn cố gắng làm việc, thương lượng với các nhà cung cấp lớn ở những mặt hàng phổ biến để kìm hãm việc tăng giá, phần nào hỗ trợ người tiêu dùng.
Về việc điều chỉnh giá các mặt hàng tham gia vào chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM, đại diện Sở Tài chính TP.HCM cũng cho biết thêm, tiêu chí xét duyệt giá đối với doanh nghiệp là: Giá bán các sản phẩm trong chương trình phải đảm bảo thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm đăng ký giá ít nhất từ 5%-10%".
Theo Sở Tài chính, thực tế một số mặt hàng tham gia chương trình bình ổn đủ điều kiện tăng giá, nhưng để ủng hộ và chia sẻ cùng người tiêu dùng, doanh nghiệp cố gắng giữ giá, chấp nhận giảm lợi nhuận, đồng hành cùng người mua.