Đây là đánh giá tại Báo cáo nghiên cứu về đào tạo kỹ năng số cho lực lượng lao động đang thay đổi tại khu vực châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản do Amazon Web Services (AWS) - nền tảng đám mây toàn diện và được ứng dụng rộng rãi nhất trên thế giới và AlphaBeta - một công ty tư vấn chiến lược và kinh tế thực hiện.
Nghiên cứu khảo sát 7.193 người lao động có kỹ năng số ở các vị trí công việc công nghệ và phi công nghệ và 2.166 người sử dụng lao động trong khu vực này, với đại diện từ các tổ chức có quy mô và ngành nghề khác nhau trong khu vực công, tư nhân và phi lợi nhuận.
Theo báo cáo nghiên cứu "Phát triển kỹ năng số cho lực lượng lao động đang thay đổi" của AlphaBeta cho thấy, 7 quốc gia (Úc, Ấn độ, Indonesia, Nhật Bản, New Zealand, Singapore và Hàn Quốc) sẽ phải đào tạo thêm tổng cộng khoảng 86 triệu nhân công trong năm tới về kỹ năng số để có thể bắt kịp sự phát triển công nghệ - con số tương đương với 14% lực lượng lao động của họ.
Trong báo cáo cũng nêu rõ, kỹ năng có nhu cầu cao nhất là khả năng sử dụng các công cụ trên nền đám mây, chẳng hạn như các công cụ cho nhà phát triển, các loại phần mềm giao tiếp, phần mềm kế toán và phần mềm quản lý quan hệ khách hàng vận hành trên đám mây.
Đối với người lao động, 88% những người tham gia khảo sát cho biết họ cần thêm kỹ năng số để xử lý các thay đổi do đại dịch làm phát sinh trong công việc; 64% người tham gia khảo sát cảm thấy họ cần được đào tạo về các kỹ năng liên quan đến điện toán đám mây trong thời gian từ nay tới năm 2025 để có thể được thăng tiến trong sự nghiệp.
Đề cập đến lợi ích của đào tạo kỹ năng số đối với người sử dụng lao động, 85% các tổ chức trong khu vực này cho rằng giúp họ rút ngắn thời gian đạt được các mục tiêu số hóa, 90% các tổ chức nhận thấy sự hài lòng của người lao động được cải thiện và 88% cho biết việc đào tạo này đã nâng cao năng suất của người lao động.
Tuy nhiên, mặc dù 97% các tổ chức tham gia khảo sát đã công nhận nhu cầu đào tạo nhân viên của mình về kỹ năng số, chỉ có 29% các tổ chức này đã triển khai các kế hoạch đào tạo.
Báo cáo cũng cho thấy, 93% các tổ chức và người lao động từng gặp phải rào cản trong quá trình tiếp cận các kỹ năng số cần thiết. Hai rào cản phổ biến nhất là nhận thức hạn chế về các lựa chọn đào tạo sẵn có và không có đủ thời gian cho đào tạo. Điều này cho thấy sự thiếu hụt về đào tạo có thể ngăn cản sự tăng trưởng của lực lượng lao động cũng như của cả nền kinh tế.
Theo AlphaBeta, nếu các quốc gia muốn đạt được mục tiêu đào tạo đủ số người lao động có kỹ năng số mà các tổ chức cần thì chính phủ, các nhà cung cấp dịch vụ đào tạo và người sử dụng lao động phải hợp tác với nhau.
Đối với các chính phủ, AlphaBeta khuyến nghị thúc đẩy các khóa đào tạo kỹ năng số có nhu cầu cao thông qua các cổng thông tin điện tử đào tạo trực tuyến, trong khi người sử dụng lao động có thể khai thác các khóa đào tạo miễn phí để nâng cao kỹ năng cho người lao động.
Ngoài ra, báo cáo còn khuyến nghị các nhà cung cấp dịch vụ đào tạo hợp tác với các chuyên gia công nghệ, chẳng hạn như các chuyên gia làm việc trong các cơ sở giáo dục và các doanh nghiệp công nghệ, để phát triển các khóa học tuân thủ các tiêu chuẩn công nghệ.
Còn chính phủ các nước có thể hợp tác với các doanh nghiệp để phát triển các khóa đào tạo kỹ năng ngắn để giúp người lao động nhanh chóng nâng cao kỹ năng để tăng cường cơ hội tìm kiếm việc làm và xóa bỏ khoảng trống về kỹ năng số.