Theo đó, HĐQT Vinaconex đã đệ trình kế hoạch kinh doanh táo bạo với mục tiêu doanh thu hợp nhất 15.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.400 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với thực hiện 2021.
Trong tài liệu gửi tới các cổ đông, HĐQT Vinaconex trình cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 28%, trong đó 18% bằng tiền mặt, 10% bằng cổ phiếu. Đây là mức cổ tức cao nhất của Vinaconex kể từ khi doanh nghiệp lên sàn.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất và Báo cáo tài chính Công ty mẹ năm 2021 sau kiểm toán của Vinaconex vừa được công bố cho thấy, năm 2021, Vinaconex tiếp tục tái cấu trúc mạnh mẽ, thoái vốn ở nhiều công ty con để tập trung cho thế kiềng 3 chân Xây dựng, Bất động sản và Đầu tư tài chính thêm vững vàng.
Năm 2021, Vinaconex đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại các công ty con như CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Vinaconex, Vinaconex Đà Nẵng, Vận tải Vinaconex, Vinaconex số 11, Vinaconex 9.
Ngược lại, Vinaconex cũng tăng cường hoạt động đầu tư, chú trọng vào các lĩnh vực chính là xây dựng, bất động sản và đầu tư tài chính qua các thương vụ như sở hữu 40% cổ phần CTCP Cảng quốc tế Vạn Ninh, tăng tỷ lệ sở hữu lên 51% tại Nedi 2, góp vốn thành lập Công ty TNHH bê tông nhựa Tấn Lộc – Vinaconex, tăng tỷ lệ sở hữu tại dự án Cát Bà – Amatina…
Các hoạt động tái cấu trúc nói trên cho thấy Vinaconex có xu hướng gia tăng quản trị, tập trung các nguồn lực và chuyên nghiệp hóa theo ngành dọc. Đây là thông lệ quản trị của các tập đoàn quốc tế, góp phần phát huy sở trường và hạn chế sở đoản của các doanh nghiệp trong hệ sinh thái, đồng thời vẫn có thể tương hỗ cho nhau.
Kiên định với chiến lược đặt ra, năm 2021, Vinaconex nỗ lực vượt qua nhiều thách thức để duy trì thị phần, thị trường và đạt lợi nhuận khá tích cực. Báo cáo tài chính Công ty mẹ ghi nhận doanh thu đạt 3.295 tỷ đồng, tăng hơn 26% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 908 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 757 tỷ đồng.
Số liệu hợp nhất năm 2021 của Vinaconex cho thấy doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 5.750 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế của Vinaconex đạt 718 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 520 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, "sức khỏe" tài chính của doanh nghiệp được cải thiện đáng kể. Theo đó, tiền và các khoản tương đương tiền tính đến cuối kỳ đạt 2.812 tỷ đồng, cao hơn 40% so với số đầu năm. Hàng tồn kho đạt 3.466 tỷ đồng, cao hơn 30% so với đầu kỳ.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang đạt 3.466 tỷ đồng, tăng hơn 56% so với đầu năm. Con số này chủ yếu là giá trị đầu tư vào các dự án 93 Láng Hạ, dự án Phú Yên, Khu độ thị Đại lộ Hòa Bình (Móng Cái), Khu đô thị Thiên Ân Điện Nam - Điện Ngọc cùng nhiều dự án bất động sản khác trên toàn quốc. Đây đều là các dự án có tiềm năng của Vinaconex và thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư và khách hàng.
Tính đến ngày 31/12/2021, Vinaconex có tổng tài sản đạt 30.969 tỷ đồng, cao hơn 40% so với đầu kỳ. Đặc biệt, lưu chuyển tiền thuần của Vinaconex đã dương cho thấy nội lực vững vàng cũng như năng lực tài chính mạnh mẽ của doanh nghiệp qua 1 năm đầy khó khăn, kỳ vọng có những chuyển biến đột phá trong năm 2022.
Con số nêu trên có được đến từ lĩnh vực xây lắp, phải kể đến Dự án thành phần 3- thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1, dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và trong nước.
Ngay sau Lễ khởi công, Vinaconex và các nhà thầu tại dự án đã tăng tốc triển khai thi công nhằm đưa dự án về đích đúng tiến độ; cùng hàng loạt dự án khác là dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, trong đó có hạng mục xây dựng cầu chính vượt dòng chủ, các dự án thành phần thuộc dự án đầu tư và xây dựng cao tốc Bắc – Nam…
Vinaconex đã thuyết phục các chủ đầu tư nước ngoài thông qua các dự án FDI như dự án Mikazuki Spa & Hotel Resort (tổng thầu Vinaconex đang nỗ lực triển khai, phấn đấu bàn giao giai đoạn 2 cho chủ đầu tư đúng tiến độ); Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn; Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2…
Trong lĩnh vực bất động sản, Dự án Cát Bà - Amatina, Hải Phòng có quy mô 172 ha, tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng đang từng ngày "thay da đổi thịt" với diện mạo hứa hẹn trở thành khu đô thị nghỉ dưỡng đồng bộ, hiện đại bậc nhất của cả nước.
Vinaconex coi đây là một trong những dự án trọng điểm của Tổng công ty và đã hoàn tất nâng tỷ lệ sở hữu tại Vinaconex ITC lên 51% (Vinaconex - ITC trở thành công ty của Tổng công ty Vinaconex).
Hiện tại dự án đang được đẩy mạnh triển khai, mang lại doanh thu, lợi nhuận trong năm 2022. Cùng với đó là nhiều dự án khác như Green Diamond 93 Láng Hạ (Hà Nội), các khu đô thị tại Móng Cái, Phú Yên…