Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoàn (Bệnh viện Tâm thần Mai Hương) cho biết, tự tử không phải là một hành động bất ngờ khó hiểu hay ở hoàn cảnh người tự tử không làm chủ được tâm thức, bốc đồng. Tự tử là một quá trình tích lũy mà mọi người thường nhận ra khi sự đã rồi.
Các học sinh có ý tưởng tự tử có thể bộc lộ cho những người xung quanh thấy đủ các dấu hiệu báo trước và cho chúng ta cơ hội để can thiệp.
Còn theo bác sĩ La Đức Cương, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1, tất cả những rối loạn tâm thần của thanh thiếu niên nếu không được phát hiện sớm và có kế hoạch can thiệp, điều chỉnh kịp thời bằng chế độ học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý có thể sẽ làm tăng nặng tình trạng, dẫn đến khả năng các em muốn tự tử và tự tử.
Ý tưởng tự tử xuất hiện và hành vi tự tử để kết thúc tất cả những mệt mỏi, chán chường được người trẻ lựa chọn như một phương án tối ưu để giải quyết tất cả những khúc mắc này.
"Cho đến nay giải pháp đơn giản nhất để ngăn chặn tự tử là tâm sự, chia sẻ với bệnh nhân. Trường hợp nặng cần đưa các em đi khám để bác sĩ kê đơn chống trầm cảm và có tư vấn chuyên sâu.
Khi bệnh nhân vẫn có ý định tự tử phải dùng các biện pháp chuyên ngành sâu hơn và mất nhiều thời gian hơn", bác sĩ Cương nhấn mạnh.
Tự tử là "tiếng nói" mạnh mẽ và đau đớn nhất mà trẻ em lên tiếng sau hàng loạt lời "kêu cứu" không được hồi đáp, lắng nghe hay thấu hiểu.
Ở những lúc tinh thần sa sút, đau buồn, mệt mỏi, trẻ đã đưa ra nhiều dấu hiệu cảnh báo như kêu đau đớn, kêu buồn bực hoặc không nói tiếng nào hay có hành động cực đoan như bỏ học, nghiện chất, quậy phá và than thở muốn chế, dọa muốn chết...
Tuy nhiên, nhiều cha mẹ lại cho rằng trẻ chỉ dọa, trẻ hư, đua đòi mà không nghĩ các em đã đi đến... ngõ cụt về sức khỏe tâm thần.
Bác sĩ Lý Trần Tình – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết: "Trẻ em gặp các dấu hiệu trầm cảm, rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi thường gặp các triệu chứng lo âu, trầm cảm, chống đối, đau đầu, đau bụng không rõ nguyên nhân, mất ngủ, học hành chểnh mảng, sa sút…
"Tôi chỉ có một lời khuyên với các bậc cha mẹ, thầy cô là luôn luôn lắng nghe trẻ em nói, là người bạn với trẻ em. Không dùng các bạo lực cả về thể chất lẫn tinh thần với trẻ em.
Chẳng may trẻ em có sai lầm, sai phạm thì lắng nghe trẻ em nói, không nên quát mắng trẻ. Khi con gặp vấn đề rối loạn sức khoẻ tâm thần thì không nên chối bỏ mà phải cùng con đối mặt và vượt qua.
Các cơ quan chức năng cần phải có giải pháp phòng ngừa tự tử ở trẻ. Đầu tiên cần phòng ngừa bạo lực lạm dụng trẻ em, kể cả về thể chất lẫn tinh thần.
Ngoài ra, cần thiết lập nhiều hơn hệ thống chăm sóc sức khoẻ tâm lý cho trẻ em. Tại các trường học có thể xây dựng các trung tâm phòng khám, tư vấn tâm lý cho các em để từ đó có thể phát hiện sớm, trị liệu cho những trẻ em gặp vấn đề tâm lý"
Ông Nguyễn Trọng An – Nguyên phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH).
Nguyên nhân dẫn đến các rối nhiễu tâm lý này là do áp lực học tập, bạo lực gia đình, cha mẹ thiếu quan tâm hoặc các em gặp các cú sốc tâm lý như mâu thuẫn với bạn bè, thất bại trong tình cảm…
Tuy nhiên hầu hết cha mẹ, thầy cô đều không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề mà cho rằng con quậy quá, nghịch ngợm nên càng đánh mắng, o ép con".
Để tránh áp lực cho con dẫn đến các rối loạn tâm lý và hành vi tự tử nhất là lứa tuổi vị thành niên, TS, bác sĩ Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, cha mẹ cần tôn trọng, lắng nghe và không nên phán xét đặc biệt tôn trọng khoảng riêng tư của trẻ.
Ngoài ra, việc hiểu rõ nguyên nhân và các dấu hiệu cảnh báo sẽ giúp cho các bậc phụ huynh tìm được cách giải quyết và ngăn ngừa tình huống xấu xảy ra. Bên cạnh đó, nếu bố, mẹ lo lắng về con mình hãy tìm sự hỗ trợ của các bác sĩ và nhà tâm lý.
Cha mẹ không nên áp đặt thành tích học tập hoặc kì vọng quá cao vì điều này sẽ gây áp lực cho trẻ. Cần sắp xếp thời gian học tập và vui chơi giải trí cho trẻ hợp lí.
Đồng thời cần tạo sự gần gũi, gắn bó giữa bố mẹ với trẻ để trẻ có thể tâm sự, chia sẻ khi gặp khó khăn trong việc học tập và trong các mối quan hệ xã hội; Dạy trẻ các kỹ năng sống để trẻ có khả năng đương đầu với những biến cố trong cuộc sống.
Theo bác sĩ Hoàn, trong công tác dự phòng tự tử, giáo viên và cha mẹ phải có kiến thức để cùng chia sẻ với trẻ, giúp các em giảm áp lực, suy nghĩ lạc quan và có hành động thay đổi tâm trạng.
"- Khi phát hiện học sinh có các vấn đề vi phạm đạo đức cần giúp học sinh đó về tâm lý.
- Tăng cường mối quan hệ gắn bó hơn với học sinh bằng cách nói chuyện với trẻ, cố gắng hiểu và giúp đỡ trẻ.
- Giảm bớt áp lực cho học sinh.
- Theo dõi và nhận biết sớm các thông điệp về tự sát qua cách nói chuyện hay sự thay đổi trong hành vi của học sinh.
- Xoá bỏ các mặc cảm và kỳ thị về bệnh tâm thần và giúp trẻ từ bỏ việc lạm dụng rượu và ma túy.
- Đưa học sinh đi điều trị rối loạn tâm thần và lạm dụng rượu, ma túy ngay nếu có dấu hiệu.
- Hạn chế để học sinh tiếp xúc với các phương tiện có thể tự sát: thuốc độc, thuốc trừ sâu, súng và các vũ khi khác...
- Vận dụng các phương pháp giảm căng thẳng có sẵn như thể dục thể thao, yoga, thiền…."
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoàn (Bệnh viện Tâm thần Mai Hương, Hà Nội)
Hết