Trẻ trầm cảm, áp lực dẫn đến tự tử: "Đau lòng, rồi sao nữa?"
Trẻ trầm cảm, áp lực dẫn đến tự tử: "Mọi phân tích đều đúng cả, nhưng rồi sao nữa?"
Tào Nga
Thứ bảy, ngày 02/04/2022 11:31 AM (GMT+7)
Nữ sinh lớp 8 ở Bắc Ninh treo cổ tự tử, nam sinh lớp 10 ở Hà Nội nhảy lầu tự tử... và những vụ việc đau lòng xảy ra gần đây liên quan đến học sinh đang khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Các bậc phụ huynh cũng giật mình nhìn lại bản thân khi đang là bố, là mẹ...
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, nhà văn Hoàng Anh Tú bày tỏ: "Ngay sau khi các vụ việc xảy ra, hàng ngàn comment "đau lòng quá" của cộng đồng mạng, hàng trăm lý giải, phân tích. Phải, ai cũng đau lòng cả. Ai cũng muốn truy vấn lại hoàn cảnh và phân tích để tự rút ra bài học cho việc làm cha, làm mẹ.
Đã có rất nhiều phân tích khiến các cha mẹ giật mình vì thấy đúng đến đáng sợ. Như di chứng hậu Covid-19, lũ trẻ đã phải trải qua 2 năm trời học online, căng thẳng áp lực chuyện học hành cộng với căng thẳng khi ở nhà khiến những thương tổn tâm lý càng trầm kha hơn. Như nhiều người lớn nhớ lại mình cũng đã từng như cậu bé lúc bằng tuổi cậu, cũng luôn nghĩ đến cái chết như một cách chứng minh, bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình…. Mọi phân tích đều đúng cả, nhưng rồi sao nữa? Đau lòng đấy, rồi sao nữa?
Tôi đã viết trên trang cá nhân của mình: "Cái chết luôn là thứ mà nhiều đứa trẻ nghĩ có thể dùng nó như một cách "nói cho bố mẹ, người lớn hiểu" khi mà chúng đã nói mãi mà bố mẹ, người lớn không chịu lắng nghe, ghi nhận chúng. Khi suy nghĩ đó đủ lâu, đủ mạnh, và đúng thời điểm hội tụ mọi điều kiện, đứa trẻ sẽ thực hiện "đòn trừng phạt" ấy. Với chúng, đó là con đường minh oan, chứng tỏ hoặc "nói bằng hành động". Nhưng với mọi người cha, người mẹ thì đó là đòn trừng phạt đau đớn nhất.
Lắng nghe con cái vốn không phải bằng tai đâu, mà phải bằng tim, bằng việc nghe để hiểu, hiểu để thương. Vốn chẳng có tình thương con nào mà không cần lắng nghe con cả.
Lắng nghe con mình dường như đang là một việc khó khăn của nhiều cha mẹ. Có thể là vì mưu sinh, cha mẹ nỗ lực mưu sinh để cho con miếng cơm, manh áo hoặc ngay cả khi có miếng cơm rồi, có manh áo rồi cha mẹ vẫn phải tiếp tục cày cuốc để miếng cơm ngon hơn, manh áo đẹp hơn, rồi nỗ lực để con học trường "đắt tiền" hơn. Nhiều người cha, người mẹ coi việc kiếm tiền là để cho con hạnh phúc hơn, được sống thoải mái hơn, thậm chí, bằng bạn bằng bè, hơn bạn hơn bè. Hy sinh đời bố để củng cố đời con là vậy. Họ không sai. Vốn là làm cha mẹ thì đầu tiên phải biết lo cho con cái vậy mà. Nhưng cũng vì mưu sinh, đôi tai của cha mẹ đã phải hoạt động hết công suất rồi, nghe chỉ thị của sếp, nghe than phiền của đồng nghiệp, nghe đủ thứ để biết mà làm, biết mà cày cuốc. Về đến nhà, những lời con nói nhiều khi không còn chỗ để lọt vào tai được nữa. Thêm quyền làm cha, làm mẹ muốn con phải thấu hiểu và thông cảm với vất vả của cha mẹ nên nhiều lời con nói bị bỏ qua.
Nhưng cũng có nhiều cha mẹ biết lắng nghe đấy chứ? Nhưng là nghe bằng tai mà nghĩ lại bằng bụng. Nghĩ bụng rằng trẻ con thì biết cái gì. Nghĩ bụng rằng bằng tuổi nó mình cũng hay nói nhảm như nó. Nghĩ bụng rằng… nghĩ bụng rằng… rồi trôi tuột đi. Vốn lắng nghe là để hiểu nhưng nhiều cha mẹ chỉ là nghe và nghe rồi để đó. Không hiểu con mình hoặc tưởng là đã hiểu con mình lắm rồi. Cái sự hiểu đó không thể biến thành cái sự thương được. Mà chỉ thương bằng miệng, thương theo cách mà cha mẹ cho rằng đúng đắn. Không có hiểu thì mọi cái thương đều sai cách hết vậy.
Là một đau lòng tỉnh thức
Lắng nghe con có khó không? Thật sự là rất khó. Nhưng không phải khó đến mức không làm được. Là ngồi xuống với con chứ đừng đứng trên nhìn xuống. Là trò chuyện với con như hai người bạn, không để quyền làm cha, làm mẹ quyết định cuộc trò chuyện đó. Là đừng phán xét khi nghe con nói. Đặt sự muốn mong hiểu con lên trên ham hố nói cho con hiểu.
Tôi vẫn thiết tha đến cả 20 năm qua khái niệm để tâm chứ đừng chỉ là để ý. Để ý chỉ là nghe thấy những gì con nói, để tâm là hiểu những gì con nói, thậm chí cả những điều con chưa nói. Để ý sẽ chỉ thấy con dạo này thay đổi và rồi chép miệng: Bọn trẻ con mới lớn, bước vào tuổi dậy thì thật sự khó dạy. Nhưng để tâm sẽ nhìn ra những dấu hiệu trầm cảm của con, ý định tự tử hay kể cả những thứ vặt vãnh như là con có nỗi xấu hổ không muốn bố mẹ nhắc tới.
Để tâm là đặt tâm vào con thay vì chỉ đặt mắt, đặt tai, đặt quyền làm bố, làm mẹ lên con mình. Bởi con cũng là một bản thể riêng biệt, con không phải bản sao của cha mẹ hay càng không phải là thằng A học giỏi hơn con, cái B ngoan ngoãn thế chứ ai như mày, nhìn bạn C đi, bạn ấy nghèo thế mà vẫn học giỏi, hay bạn D kìa, tự lập như thế sao con lúc nào cũng ỷ lại cha mẹ? Khi một đứa trẻ được là chính nó trước cha mẹ, được lắng nghe, được tôn trọng, được ghi nhận, được đưa ra quyết định thì chẳng khi nào nó từ bỏ cuộc đời của nó cả. Bởi đó là khi nó biết nó có giá trị trong cuộc đời này, trước bố mẹ. Chứ chẳng phải là bố mẹ lo cho con ăn học, bố mẹ cung phụng đủ điều, bố mẹ đâu có đòi hỏi gì con đâu, bố mẹ chỉ muốn con là như này, như này…
Giá trị của một đứa trẻ vốn là do chúng tự xây dựng, đắp bồi, nỗ lực mà thành chứ không phải do cha mẹ ban cho. Hãy để chúng hiểu điều đó thay vì nghĩ rằng chúng chả có giá trị gì. Một khi đã thế, cái chết mà nó quyết định tìm đến với nó, sẽ chỉ đơn giản là kết liễu một đứa vô giá trị mà thôi.
Cuối cùng, tôi đọc đi đọc lại đoạn thư tuyệt mệnh của cậu bé 16 tuổi và đau lòng không phải để trách móc người cha, người mẹ cậu bé (như trong thư cậu viết), mà là để căn chỉnh lại chính mình, chính việc làm cha, làm mẹ của mình, với chính con mình - là một đau lòng tỉnh thức".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.